1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Ứ đọng hàng trăm xe mía trước Nhà máy đường An Khê

(Dân trí) - Nhiều tháng qua, từ khi nhà máy đường An Khê (Gia Lai) bước vào vụ ép mới, cũng là lúc tình trạng lộn xộn, ứ đọng hàng trăm xe mía trước cổng nhà máy lại xảy ra.

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sản lượng mía, mà còn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xung quanh khu vực nhà máy.
 
Ứ đọng hàng trăm xe mía trước Nhà máy đường An Khê - 1

Hàng trăm xe mía đậu dọc hai bên đường chờ được bán mía

Ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy đường An Khê - cho biết: Thời điểm này, các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai đang bước vào cao điểm thu hoạch mía niên vụ 2011 - 2012. Cùng với việc diện tích các vùng nguyên liệu mía ở các huyện phía Đông năm nay tăng cao tới 30% so với niên vụ trước, ước vào khoảng 23.000 - 24.000 ha, cây mía được mùa, được giá nên hầu hết các hộ trồng mía đang tập trung đẩy nhanh thu hoạch cho kịp thời vụ.

 

Bên cạnh đó, việc bà con ồ ạt thu hoạch không theo kế hoạch của Nhà máy đã đề ra, nên việc hàng trăm xe mía phải nằm chờ 3- 4 ngày, thậm chí có nhiều xe nằm đã gần 1 tuần nay là điều không thể tránh khỏi.

 

Dù nhà máy đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng công suất từ 4.000 tấn mía cây/ngày lên 10.000 tấn mía cây/ngày, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được nhu cầu khoảng 7.000 tấn mía/ngày tương đương với khoảng từ 300 đến 350 xe mỗi ngày. Để giải quyết lượng xe ứ đọng này không thể trong ngày một, ngày hai.

 

So với thời điểm trước Tết, thời điểm ra Tết tình trạng ứ đọng mía còn căng thẳng hơn. Khu vực trước cổng nhà máy luôn tấp nập, nhộn nhịp bởi hàng trăm xe mía nối đuôi nhau kéo dài cả cây số chờ được đến lượt thu mua. Những chủ xe mía ở đây đều cho biết: Hầu hết các xe mía này đã chờ ở đây 2 ngày, thậm chí có những xe đã chờ tới 4 ngày, mà vẫn chưa đến lượt. Khó khăn nhất là người dân ở những địa phương lân cận như KBang, KôngChro, ĐăkPơ..., bởi vì mía được chở từ nơi thu hoạch về tới nhà máy cách xa hàng chục km, trong khi tới nơi phải chờ đợi nên mất nhiều chi phí, đó là chưa kể đến sản lượng mía bị hao hụt ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập.

 

Anh Nguyễn Minh Thành ở huyện Kông Chro chia sẻ: “Tôi có 3 xe mía và đã chờ ở đây 4 ngày. Mỗi ngày chờ đợi là thêm phần lo lắng hơn vì sản lượng mía hao hụt, chi phí ăn ở tăng thêm. Mía không thể vào nhà máy nên tôi phải túc trực ở đây hàng ngày, mọi việc ở nhà phải gác lại, hàng chục tấn mía ở nhà vẫn chưa thể đốn, dù mía năm nay được mùa, được giá nhưng với việc mía phải nằm chờ như thế này thì còn lãi được bao nhiều”.

 

Quang Thái

 TTXVN