1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Tỷ lệ 1/3 dự án bị loại nói lên chất lượng quy hoạch thủy điện!”

(Dân trí) - “Kết quả loại bỏ hơn 400 dự án thủy điện khỏi quy hoạch thể hiện sự tích cực của cơ quan chức năng. Tỷ lệ đến 34% dự án bị loại nói lên phần nào chất lượng quy hoạch thủy điện” - Phó Chủ nhiệm UB KH,CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy bình luận.

Vấn đề quy hoạch, xây dựng thủy điện đã được Quốc hội yêu cầu Chính phủ thông tin qua nhiều kỳ họp, nhưng báo cáo gần đây nhất gửi đến Quốc hội kỳ này dường như vẫn chưa thỏa mãn các đại biểu. Con số báo cáo hơn 400 dự án được loại bỏ khỏi quy hoạch có làm an lòng dân khi các sự cố hồ đập vẫn liên tiếp xảy ra, sau mỗi đợt bão lụt?

Tôi nghĩ chủ đề về phát triển thủy điện là một chủ đề nóng được rất nhiều đại biểu quan tâm qua các kỳ họp. Xem xét báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra lần này có thể đánh giá được cụ thể hơn rất nhiều vấn đề, từ việc loại bỏ các quy hoạch, xác định trách nhiệm của các chủ thể trong việc tham gia thực hiện quy hoạch này và các phương hướng tham gia trong thời gian tới. Tôi rất hi vọng có các giải pháp thực thi theo hướng đề xuất, việc phát triển thủy điện sẽ nề nếp hơn và đạt kết quả như mong muốn.
Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy
Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy

Việc loại bỏ thủy điện không đảm bảo trong quy hoạch hay siết lại cấp phép đầu tư thủy điện… đều là những việc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống thủy điện trong tương lai, nhưng vấn đề cấp thiết hiện tại là xử lý những hồ đập đang sử dụng vì mỗi trận bão lũ qua lại thấy những hậu quả nhãn tiền?

Thực ra, với khoảng 7.000 hồ chứa nói chung thì chỉ gần 300 hồ là hồ chứa thủy điện, còn lại là hồ chưa thủy lợi. Tùy theo chức năng của các hồ thì có các bộ khác nhau như Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương quản lý. Trong thời gian vừa qua, một số thủy điện ở miền Trung đã gây những sự cố bất thường nhưng chúng tôi thấy ngoài vấn đề này thì cũng không ít hồ chứa thủy lợi cũng xảy ra những hiện tượng, sự cố mất an toàn. Phân tích vấn đề từ đó để phân định trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vào việc này.

Nhiều ý kiến vẫn nghi ngại hệ thống các công trình hồ đập thủy điện hiện tại đang vận hành cũng chưa phải đã yên tâm vì theo phân cấp, các địa phương cũng có nhiều dự án mà việc quản lý ở cấp này không chặt chẽ bằng cấp trên?

Việc rà soát của Chính phủ vừa qua cũng đã loại ra được 424 dự án, trong đó có 6 thủy điện vừa còn lại 418 thủy điện nhỏ. Kết quả đó cũng đã nói lên sự chủ động của cơ quan chức năng. Nhưng tôi thấy, rõ ràng bên cạnh mặt tích cực nhìn được từ việc rà soát này thì cũng cần thấy thực tế đến 34% dự án có thể loại bỏ trong quy hoạch hệ thống thủy điện. Con số này đã nói lên phần nào chất lượng quy hoạch thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, chúng tôi cũng thấy việc rà soát đánh giá các công trình đã có trong quy hoạch cần được xem xét lại, làm thế nào cho đúng quy trình. Ngoài ra không chỉ có các dự án tiềm năng mà các dự án đã triển khai, sắp đi vào hoạt động thì cũng cần tiếp tục rà soát nữa. Đây là công việc phải làm thường xuyên theo luật định chứ không phải xong rồi là dừng. Yêu cầu là nhấn mạnh cả những công trình đang hoạt động chứ không chỉ các dự án tiềm năng.

Với những hồ đập đang hoạt động, đã có số liệu thống kê cụ thể về tỷ lệ hồ đập yếu, có nguy cơ mất an toàn?

Theo báo cáo của Chính phủ thì cơ quan chức năng đã phân loại khá rõ ràng, với những hồ chứa thủy điện vừa và lớn, cơ bản đã tuân thủ tương đối tốt các quy định, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, với công trình nhỏ thì còn nhiều hạn chế khi chủ đầu tư thường chỉ quan tâm nhiều đến hiệu quả phát điện, các vấn đề khác nhìn chung chưa tốt.

Qua những sự cố thủy điện đã xảy ra có thể thấy những yếu tố để đảm bảo chất lượng, an toàn của công trình nhà nước lại “lỏng tay” quản mà giao toàn quyền cho chủ đầu tư, từ việc thiết kế, mời tư vấn giám sát, thi công… Như vậy nghĩa là trách nhiệm lớn nhất đối với sự an toàn của người dân – trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đã bị bỏ qua?  

Nói vậy không hoàn toàn đúng. Việc đầu tư một dự án thủy điện có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng, giai đoạn 2 là vận hành khai thác. Vấn đề an toàn hồ đập phụ thuộc vào cả ở hai khâu đó.

Vai trò của quản lý nhà nước thể hiện nhiều ở giai đoạn 1. Thực tế vừa qua, việc đầu tư xây dựng công trình thì đúng là giao khá nhiều quyền chủ động cho chủ đầu tư. Nhưng như vậy cũng không sai vì theo quy định, chủ đầu tư chỉ phải xin ý kiến cơ quan quản lý chuyên ngành về thiết kế cơ sở thôi, để tránh việc gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên Luật Xây dựng sửa đổi sẽ trình ra Quốc hội kỳ này cũng ghi nhận nguyên tắc, giao quyền cho chủ đầu tư thì phải thẩm định kỹ năng lực của đơn vị này cũng như các chủ thể khác tham gia vào toàn bộ quá trình lập dự án, đầu tư xây dựng.

Xin cảm ơn ông!
 

Với việc xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2, đây một sự cố hết sức bất thường và đáng tiếc. Nhưng trong cái rủi có cái may vì qua sự cố này, các chủ thể liên quan trong quá trình xây dựng và phát triển thủy điện để có cảnh báo cần thận trọng hơn rất nhiều với tất cả các ngành, từ khâu lập đến thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình nói chung chứ không chỉ thủy điện.

Viện Hàn lâm khoa học VN (trực tiếp là Viện địa chất học) đã có những nghiên cứu hết sức sát sao và cụ thể để đánh giá mức độ an toàn, để quyết định việc vận hành khai thác của công trình. Được biết, hiện nay Thủ tướng vẫn chưa có kết luận cuối cùng, mới chỉ cho hồ tích nước ở mức độ thấp, tức là vẫn đặt trong tình trạng tiếp tục theo dõi và đánh giá độ an toàn của công trình.

P.Thảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm