Tuyển công nhân Việt Nam đi đào vàng lương 2.100 USD?
Một tập đoàn khai thác vàng có trụ sở tại Canada thông qua môi giới tại Thái Lan có thư tuyển dụng 1.000 công nhân xây dựng của Việt Nam đi làm việc tại Mauritania với mức lương “khủng”: 800 – 2.100 USD.
Bản thông báo tuyển lao động.
Đơn hàng này đang “gây sốc” cho giới xuất khẩu lao động (XKLĐ) bởi Mauritania được biết tới là một nước kém phát triển, nằm ở phía tây nam sa mạc Sahara và có tỷ lệ thất nghiệp rất cao.
Đơn hàng… hoang tưởng?Một ngày “đẹp trời”, ba doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam là tổng công ty Sông Hồng, công ty Việt Nhật và công ty Việt Thắng cùng được công ty Silver & Gold có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan mời tham gia đơn hàng cung ứng lao động cho một tập đoàn của Canada.
Quota dành cho Việt Nam được thông báo là khoảng 1.000 lao động nam, tuổi từ 21 – 50, cao 1m58 trở lên, tốt nghiệp PTTH và không có tiền án tiền sự. Công ty môi giới cũng thông báo chi tiết ngành nghề tuyển dụng lao động gồm 26 ngành nghề từ kỹ sư xây dựng tới thợ điện, thợ mộc, lái xe, thợ hàn và cả thợ vận hành cẩu tháp 250 tấn. Lao động được hưởng mức lương cơ bản tuỳ theo vị trí tuyển dụng (thấp nhất là lao động phổ thông như phụ bếp, nấu ăn, thợ xây… lương 679 USD/tháng. Cao nhất là kỹ sư, lương 2.100 USD/tháng, lao động có tay nghề lương từ 800 USD/tháng trở lên). Ngoài ra, lao động được miễn phí chỗ ăn, ở và phương tiện đi lại, được cung cấp đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Nơi làm việc được xác định là tại Mauritania (thuộc Tây Phi, nằm ở phía tây nam sa mạc Sahara). Công ty môi giới cho biết, tập đoàn Canada tuyển lao động Việt Nam sang Mauritania để xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ cho việc khai thác một mỏ vàng tại nước này. Lương cao, song chi phí xuất cảnh lại khá thấp (3.000 USD/lao động, trong đó lao động được nợ 800 USD, khi sang làm việc sẽ trừ dần vào lương).
Trong bối cảnh thị trường XKLĐ ảm đạm, thiếu trầm trọng đơn hàng dành cho lao động nam, có thể nói các doanh nghiệp mừng hơn “bắt được vàng”. Công ty môi giới cũng yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam sơ tuyển, để chứng minh có thể cung ứng số lượng lớn lao động theo đúng yêu cầu của chủ sử dụng.
“Cơn sốt” đi Mauritania ngay lập tức lan truyền khắp các địa phương phía Bắc, nhiều lao động điện thoại tới tấp tới ba công ty để xin dự tuyển. Đại diện của một trong ba doanh nghiệp nói trên còn mạnh dạn thông tin, lao động sẽ xuất cảnh trong vòng 60 ngày kể từ khi hoàn tất các thủ tục cần thiết như khám sức khoẻ, làm hộ chiếu…
Và sự thực phũ phàng
Lao động Nguyễn Văn Định ở Hải Dương cho biết đã nộp hồ sơ xin đăng ký đi thị trường Mauritania từ tháng 10/2011, cứ ngỡ được xuất cảnh trước tết Nguyên đán, ai dè, sau tết Định được “đầu dây” gọi tới nhận lại tiền… đặt cọc. “Họ thông báo đơn hàng chưa triển khai được nên trả lại chi phí cho người lao động”, Định hoang mang nói. Không ít lao động cũng giống như Định, hụt hẫng và nuối tiếc bởi với mức chi phí chỉ 3.000 USD mà mức lương 800 USD là rất ổn, khó có thị trường nào lại có mức lương cao như vậy cho một thợ xây.
Trao đổi với ba doanh nghiệp, phóng viên cũng chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn: “đơn hàng không ổn nên chúng tôi tạm dừng không thực hiện”.
Đại diện công ty Việt Thắng cho biết thêm, đối tác đưa đơn hàng về là công ty đã từng làm với nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường Libya nên các doanh nghiệp không nghĩ là đơn hàng… lừa. Tuy nhiên, khi chuyển đơn hàng lên cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) để thẩm định theo quy định thì có nhiều yêu cầu cục đưa ra phía công ty môi giới chưa đáp ứng được, do vậy cục QLLĐNN đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp chưa được triển khai đơn hàng này.
Ông Tống Hải Nam – trưởng phòng thị trường cục QLLĐNN, chiều ngày 21/2 xác nhận, ba doanh nghiệp trên có đăng ký đơn hàng đưa lao động đi Mauritania tại cục QLLĐNN. Cục đã tiến hành xác minh, thẩm định đơn hàng qua đại sứ quán Việt Nam tại Morocco (kiêm nhiệm Mauritania) thì được trả lời chủ sử dụng đúng là người Canada, song đây là một tập đoàn chuyên khai thác vàng ở nhiều nơi trên thế giới chứ không phải tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, trong khi đơn hàng chủ yếu tuyển công nhân xây dựng. “Cục đã có hai công văn yêu cầu ba doanh nghiệp chưa được triển khai đơn hàng. Cục cũng đề nghị ba công ty kiểm tra thông tin, sang tận Mauritania để kiểm tra đơn hàng, sau đó báo cáo cục để xem xét, quyết định”, ông Nam cho biết.
Ông Nguyễn Vạn Xuân – chủ tịch HĐQT công ty Việt Thắng cho biết thêm, do tỷ lệ thất nghiệp ở Mauritania rất cao nên chính phủ nước này có quy định, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Mauritania phải tuyển dụng lao động bản xứ trước khi tuyển lao động nước ngoài. Chính bởi quy định này đã “gây khó” cho việc làm visa cho lao động Việt Nam vào làm việc tại Mauritania.
Như vậy có thể thấy cánh cửa vào thị trường Mauritania chưa mở, người lao động các địa phương cần cảnh giác trước các thông tin tuyển dụng lao động đi Mauritania, tránh để bị lừa đảo bởi những đối tượng cò mồi, môi giới.
Theo Quế Hà
SGTT