Tưởng niệm 702 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt

(Dân trí) - Thành hội Phật giáo Hà Nội vừa long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 702 năm ngày mất của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông (1308 -2010) với sự tham dự của đại diện các ban ngành Trung ương, TP Hà Nội và đông đảo tăng ni phật tử.

Lễ tưởng niệm nhằm tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị Hoàng đế thứ ba của nhà Trần, một nhà tu hành chân chính, đã xuất gia tu hành ngộ đạo, được tôn xưng là Điều Ngự Giác Hoàng. Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông là người đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên tử Việt Nam; đồng thời là một vị vua anh minh, anh hùng của dân tộc, dành thắng lợi qua hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, bảo vệ gấm vóc non sông.

Tưởng niệm 702 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt - 1
Đại diện các ban ngành và UBND TP Hà Nội tại Lễ tưởng niệm.

Lễ tưởng niệm 702 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt diễn ra tại Trụ sở Thành hội Phật giáo Hà Nội (Chùa Bà Đá - Hoàn Kiếm - Hà Nội) với sự tham dự của đầy đủ đại diện các ban ngành và UBND TP Hà Nội.
 
Đọc chúc văn tại Lễ tưởng niệm, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch HĐTS - đã khẳng định công đức, đạo nghiệp của Tổ sư - Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn còn lưu vang mãi trong những mốc son của lịch sử dân tộc ta dù đã đi qua hơn 700 năm. Thượng tọa Nghiêm còn khẳng định: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp nối truyền thống ‘Tốt đời đẹp đạo’, mà Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông để góp phần xây dựng, phát triển và đồng hành cùng dân tộc Việt Nam…”.

Theo sử sách, Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) tên huý là Trần Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Lên ngôi năm 1278, Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của nhà Trần, ở ngôi 15 năm và làm Thái Thượng hoàng 15 năm. Trong thời gian ở ngôi vua, ông đã tham gia lãnh đạo quân dân hai lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông.

Tưởng niệm 702 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt - 2
Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông: Vị vua tài năng, đức độ, anh minh.

Ông xuất gia tu hành trên núi Yên Tử, tự mình sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm Yên Tử sau khi quyết định nhường lại ngôi vua của con trai là Trần Anh Tông. Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông được nhân dân ngợi ca là một trong những vị vua anh minh nhất của lịch sử Việt Nam. Với tài năng và đức độ, ông còn là một nhà ngoại giao, một nhà triết gia cũng như là một thi nhân vĩ đại với rất nhiều tác phẩm để đời, còn được lưu giữ cho đến nay.

Khi ông mất vào năm Mậu Thân năm 1308, Triều đình lúc đó đã tổ chức Quốc tang vị vua anh minh này tại Kinh đô Thăng Long xưa.

Tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Nghị quyết kỳ 3 - khoá VI) đã quyết định chọn ngày 1/11 Âm lịch (ngày nhập diệt của Phật hoàng Trần Nhân Tông) làm ngày giỗ và ngày này hàng năm cũng được TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa vào là một trong những sự kiện quan trọng trong hoạt động của giáo hội.

Q.Đô - C.Vân