Tượng nhà mồ “rơi lệ”
Trước mọi cố gắng thu gom, cất giữ những tượng nhà mồ tiêu biểu của các ngành chức năng và những người tâm huyết thì ngày càng nhiều những bức tượng nhà mồ nguyên gốc được bày bán công khai với giá cực đắt...
Tượng nhà mồ đã không còn được đặt đúng chỗ của nó.
Theo phong tục của người Tây Nguyên, tượng nhà mồ là của cải mà người sống chia cho người chết đem theo. Tượng nhà mồ chỉ để phục vụ cho lễ bỏ mả và chỉ có tác dụng trong những ngày lễ hội nên khi lễ hội tàn, tượng bị bỏ lại nghĩa trang vĩnh viễn, mặc cho thiên nhiên hủy diệt.
Năm tháng nắng mưa sẽ dần làm tượng tan biến vào đất, về với người đã khuất ở bên kia thế giới! Lớp tượng này mất đi sẽ được thay thế bằng lớp tượng khác từ sự đi xa của những người khác.
Là thủ phủ của Tây Nguyên, cùng với voi Buôn Đôn, Đắk Lắk còn nổi bật với hệ thống tượng nhà mồ. Nhưng khi đứng trước những bức tượng nhà mồ tuyệt tác ngày nào, chúng tôi thấy những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trứ danh này đang hấp hối từng giờ.
Quần thể tượng xưa đã được thay thế bằng nhiều tượng gỗ mới đã được đẽo gọt trơn tru, vô hồn được bày bán trong các cửa hàng! Thật đúng như lời ai oán của già Ma Pơn: "Cái tượng làm bây giờ mình nhìn mãi, nhìn mãi mà vẫn thấy im lặng, không thấy nói với mình được điều gì!".
Không chỉ có Đắk Lắk mà tại nhiều khu nhà mồ khác ở Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng…, tượng nhà mồ cũng lâm vào tình cảnh thiếu sức sống và kém về số lượng. Khu nhà mồ nào cũng xác xơ, được sơn quét lòe loẹt và vắng bóng những pho tượng biết nói.
Trong đợt khảo sát gần đây, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phải giật mình trước số lượng các nghệ nhân vốn đã ít ỏi lại ngày càng nhanh chóng thuyên giảm do tuổi già sức yếu.
Già làng Y Thơng kể, cuối thế kỷ XIX (thời Y Thu - vua voi Khunjunob) cả vùng Buôn Đôn có tới hơn 50 người biết tạc tượng nhà mồ, làm cây nêu, nhưng nay chỉ còn được 2 người là Ma Pun (65 tuổi) và Ma Thơ (67 tuổi) thôi. Từ hơn 100 nghệ nhân, cả huyện Buôn Đôn hiện còn chưa đến 10 người...
Nghệ nhân Ma Pun trò chuyện: "Tượng nhà mồ bây giờ ít một phần cũng vì việc tìm cây gỗ để đẽo tượng khó khăn hơn trước. Mặt khác, theo tập tục, để được đặt tượng bên nhà mồ phải có ít nhất một con heo lớn, hoặc một con bò để cúng thần linh… Trong lúc đời sống của nhiều bà con đang gặp nhiều khó khăn nên đành bỏ luôn tục đẽo tượng nhà mồ.
Còn lại rất ít gia đình khá giả muốn giữ lại phong tục xưa đã đi tìm thuê nghệ nhân đẽo tượng, nhưng chi phí cho việc này tốn kém hơn ngày trước rất nhiều". Còn già Y Thơng thở than: "Bọn thanh niên bây giờ thích hát karaoke, thích xem phim tình cảm… Không đứa nào muốn đẽo tượng nhà mồ nữa rồi Giàng ơi!".
Và trớ trêu thay, trước mọi cố gắng thu gom, cất giữ những tượng nhà mồ tiêu biểu của các ngành chức năng và những người tâm huyết thì hiện nay, tại các gian hàng bán đồ cổ, cửa hàng bán đồ lưu niệm lại hiện hữu ngày càng nhiều những bức tượng nhà mồ nguyên gốc được bày bán công khai với giá cực đắt để rồi nhanh chóng bị thuộc về bộ sưu tập của các tư nhân!
Có cách nào lưu tồn được những tượng nhà mồ độc đáo rất xưa, rất riêng trên vùng đất Tây Nguyên huyền thoại này?