1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bến Tre:

Tung tin xuất hiện sinh vật kinh dị để "câu like"

(Dân trí) - Tối 1/11, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin ở chùa Long Hưng (xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) phát hiện sinh vật lạ nằm giữa sân phía sau chùa. Đây là thông tin thất thiệt nhằm "câu like" nhưng ảnh hưởng đến việc tu hành của phật tử trong chùa.

Theo đó, tài khoản Facebook cá nhân có tên Phạm H.H. thông tin: “Lúc 2 giờ sáng ngày 31 tháng 10 năm 20016, tại chùa Long Hưng phát hiện 1 con vật chưa nhận ra tên tuổi, nằm giữa sân phía sau chùa”. Bên cạnh thông tin là 3 ảnh hình con vật rất kinh dị có đầu, phần thân toàn lông và không có chân.

Ngay sau khi xuất hiện thông tin, nhiều người đã chia sẻ, bình luận về hình sinh vật quái dị. Có người tin đây là hình thật, cho rằng đây là... con lươn hóa chồn. Những người hiểu biết hơn đều biết đây chỉ là sản phẩm của photoshop, thông tin trên là thất thiệt, bịa đặt... Ngoài ra có người còn “vạch mặt” những hình ảnh này đã xuất hiện ở nước ngoài từ ngày 14/10.

Tuy nhiên, tài khoản Facebook này vẫn khẳng định đây là hình thật và nhà chỉ cách chùa 2 km. Nhiều người đã đồn thổi, chia sẻ trên mạng xã hội gây bất an trong dư luận.

Tung tin xuất hiện sinh vật kinh dị để "câu like" - 1

Thông tin sinh vật lạ xuất hiện ở sân chùa Long Hưng

Đại đức Thích Từ Quang, Trụ trì chùa Long Hưng cho biết: “Ngay từ tối 1/11, phật tử trong chùa cho biết trên mạng xã hội có hình ảnh sinh vật lạ nói là ở chùa Long Hưng. Sau đó, nhiều người lên Facebook thì phát hiện tên chùa, địa chỉ là đúng nhưng hình ảnh không biết lấy ở đâu vì chùa không có sinh vật như vậy. Lúc đó nhiều phật tử và người dân hoang mang không dám lại chùa vì sợ sinh vật lạ. Nhà chùa phải liên tục giải thích, trấn an phật tử”.

Sáng 2/11 nhiều người gọi điện, đến tận nơi để hỏi thăm về sinh vật lạ. Nhà chùa lại tiếp tục giải thích đây chỉ là thông tin bịa đặt trên mạng xã hội.

Đại đức Thích Từ Quang kiến nghị: “Thông tin bịa đặt như vậy làm ảnh hưởng đến nơi tôn nghiêm, tu hành của phật tử trong chùa. Nhà chùa không hài lòng nhưng không biết phải làm gì vì đây là trang cá nhân nên chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý để gỡ bỏ thông tin thất thiệt này”.

Đến trưa ngày 2/11, trên Facebook cá nhân của Phạm H.H. đã gỡ bỏ thông tin thất thiệt nói trên.

Trao đổi với phóng viên về việc sử dụng mạng xã hội Facebook, ông Trịnh Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre cho biết: “Hiện nay việc sử dụng mạng xã hội Facebook khá phổ biến, hầu như ai cũng có thể tạo tài khoản được. Chuyện lên Facebook để trao đổi thông tin, giao lưu, học hỏi nhau là chuyện bình thường, pháp luật không cấm. Tuy nhiên, gần đây nhiều người lên Facebook để nói xấu nhau, xuyên tạc tổ chức, cá nhân nếu bị phát hiện hay tổ chức, cá nhân khiếu nại sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Nhà chùa khẳng định đây là thông tin xuyên tạc ảnh hưởng đến việc tu hành của Phật tử trong chùa
Nhà chùa khẳng định đây là thông tin xuyên tạc ảnh hưởng đến việc tu hành của Phật tử trong chùa

Theo ông Thịnh, nếu mức độ nhẹ thì giáo dục, bắt viết cam kết không tái phạm nếu nặng sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự.

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, ngày 28/10, trên mạng xã hội Facebook và Youtube xuất hiện đoạn clip với hình ảnh quay đoàn xe hàng chục chiếc đang chạy và chú thích rằng đây là đoàn xe của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm Bến Tre. Đoạn clip này nhanh chóng lan truyền trên một số trang mạng xã hội như Facebook, Youtube... với lượt xem rất lớn.

UBND tỉnh Bến Tre khẳng định thông tin trên không đúng sự thật, hoàn toàn bịa đặt và có tính xuyên tạc. Vì ngày 28/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang chủ trì kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV tại Hà Nội.

Hình ảnh đoàn xe trong đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội thực chất là đoàn xe của các địa phương cùng các đơn vị chức năng tỉnh Bến Tre đang tham gia diễn tập hoạt động phòng thủ năm 2016. Sau khi tham quan diễn tập khu vực phòng thủ tại TP Bến Tre và huyện Giồng Trôm, đoàn đại biểu đã di chuyển về huyện Bình Đại tham quan phần thực binh tại khu vực cống đập Ba Lai và bãi biển Thừa Đức (huyện Bình Đại).

Ngay sau đó, cơ quan chức năng xác định đối tượng Nguyễn Chí Khương (23 tuổi, ngụ xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) - người đã quay và đăng tải lên Facebook đoạn clip tung tin sai sự thật nói trên.

Ngày 31/10, tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, Nguyễn Chí Khương thừa nhận việc mình dùng điện thoại di động quay rồi đăng tải đoạn clip đoàn xe đang chạy lên mạng xã hội nhằm "câu like" chứ không có mục đích khác. Sau khi biết mình đã vi phạm, Nguyễn Chí Khương đã gỡ bỏ đoạn clip trên khỏi Facebook cá nhân và đăng tải nội dung xin lỗi.

Theo cơ quan chức năng, việc đăng tải lên thông tin không đúng sự thật, tạo kẽ hở để những phần tử xấu lợi dụng kích động, xuyên tạc, vu khống, nói xấu Đảng, Nhà nước và cán bộ cấp cao như trường hợp của Nguyễn Chí Khương cần phải xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, xét động cơ, mục đích và hoàn cảnh của Nguyễn Chí Khương chỉ vì "câu like" và bị lợi dụng để xuyên tạc nên cơ quan chức năng ở Bến Tre quyết định xử phạt vi phạm hành chính Khương theo Nghị định 174 của Chính phủ.

Minh Giang