1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Tưng bừng mùa hội đâm trâu

(Dân trí) - Suốt hàng tháng ròng sau Tết nguyên đán, những bản làng đồng bào các dân tộc Ca Doong, Xê Đăng huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) tưng bừng mùa hội đâm trâu.

Tưng bừng mùa hội đâm trâu
Lễ hội đâm trâu tưng bừng khắp các bản làng vùng núi Nam Trà My

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Với đồng bào dân tộc Ca Doong và Xê đăng trên miền núi cao Nam Trà My, con trâu không chỉ gắn liền với mùa lúa, mùa rẫy mà còn là biểu tượng cho sự giàu sang sung túc. Trong nghi thức lễ mừng mùa lúa mới sau Tết nguyên đán, trâu là vật tế lễ không thể thiếu. Lễ hội đâm trâu gửi gắm trong đó niềm hy vọng của những bản làng trải khắp những rẻo núi cao ở nơi cao, sâu, còn nhiều khó khăn này về một năm mới mùa màng bội thu, cầu mong sung túc, an lành.

Lễ hội đâm trâu sẽ có 2 phần là lễ và hội. Phần lễ mang sắc thái của cá nhân, gia đình, còn phần hội thể hiện sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng cộng đồng. Không phải nhà nào cũng tổ chức được lễ đâm trâu. Nhà đó phải là nhà làm ăn phát đạt nhất, nhì trong làng. Việc chuẩn bị có thể bắt đầu từ 2 -3 năm trước từ khâu chọn một con nghé ưng ý để dưỡng nuôi chờ ngày tế thần linh. Chưa hết, phải dự trữ đủ lương thực thực phẩm (heo, gà, gạo thóc, chum ché rượu cần…) để khao làng trong ngày hội. Rồi phải được sự ưng thuận của già làng.

Lễ hội không được ấn định tổ chức trong một ngày, mà tùy ngày cả làng chọn ra mỗi năm. Thường lễ của làng này khác ngày với lễ làng khác. Cứ thế lễ hội đâm trâu tưng bừng suốt cả tháng ròng.

Trong lễ đâm trâu, sau nghi lễ ném xôi lên cây nêu dựng giữa làng, trâu được cho ăn no cơm lam, uống no rượu cần. Khi chiêng trống nổi lên, họ lùa trâu chạy quanh cây nêu, phóng giáo mác đâm trâu cho đến khi con vật ngã gục. Nhiều người lạ lần đầu tham dự lễ hội đâm trâu có thể có cảm giác sợ hãi với nghi thức này. Nhưng với người CaDoong, Xê Đăng, ai đâm được nhiều nhát vào trâu nhất, người đó càng gặp nhiều may mắn.

Trâu được đem tế lễ, đầu trêu trên cây nêu, còn lại sau lễ tế, chủ nhà xẻ thịt chia đều khao cả làng. Và vả làng bắt đầu vào hội. Đàn ông xẻ thịt trâu, đàn bà nhóm bếp đỏ lửa và bày rượu cần, chia xôi thịt, rươu cần, chia nhau may mắn từ vật linh vừa được làm lễ dâng hiến lên thần linh.

Con trâu, qua nghi thức và ý nghĩa của lễ hội đặc sắc này, không những là linh vật dùng để tế lễ thần linh trong lễ hội đâm trâu mà theo quan điểm của đồng bào Xê đăng, Ca Doong, con trâu còn thể hiện cả thực lực kinh tế của gia chủ. Khi khách đến nhà, điều đầu tiên là nhìn lên sườn nhà và quan sát. Nhà ai có nhiều đầu trâu trưng bày thì đó hẳn là một gia đình khá giả. Bởi lẽ có làm ăn khấm khá mới có nhiều trâu để tế lễ thần linh. Nhà nào trong một làng tổ chức được 5 lần lễ hội đâm trâu, chủ nhà được “ứng cử” vào vị trí già làng.

Đến với vùng đồng bào dân tộc Ca Doong, Xê Đăng huyện Nam Trà My những ngày đang mùa lễ hội đâm trâu, chúng tôi đã ghi nhận lại  hình ảnh của lễ hội văn hóa  đặc sắc này.

Tưng bừng mùa hội đâm trâu
Trước ngày lễ chính, dân làng đã về tụ tập quanh cây nêu khi mọi việc cuẩn bị đã sẵn sàng.

Tưng bừng mùa hội đâm trâu
Con trâu được chọn làm trâu "huê" tế thần linh đã được chọn dưỡng nuôi từ 2 - 3 năm trước

Tưng bừng mùa hội đâm trâu
Những thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhất làng được chọn dự đâm trâu huê

Tưng bừng mùa hội đâm trâu
Trâu được lùa chạy quanh cây nêu và theo tục truyền của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, ai càng đâm được nhiều nhát vào mình trâu, càng nhiều may mắn.

Tưng bừng mùa hội đâm trâu
Nghi thức đâm trâu huê kết thúc khi con trâu đã ngã gục hoàn toàn.

Tưng bừng mùa hội đâm trâu
Phần gan trâu được tách lấy để tế lễ dâng thần linh

Tưng bừng mùa hội đâm trâu
Phụ nữ bắt đầu sửa soạn dọn mâm cỗ mời làng vào hội sau lễ đâm trâu

Tưng bừng mùa hội đâm trâu
Hội vui tưng bừng cả làng với chiêng trống, rượu cần... 

Tưng bừng mùa hội đâm trâu
Đến nhà đồng bào dân tộc Ca Doong, Xê Đăng ở vùng núi Nam Trà My, để ý trên trần nhà  có nhiều đầu trâu thì biết nhà ấy là nhà khá giả trong làng.

Hoàng Thọ - Khánh Hiền