1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tuần nào cũng ăn rau không an toàn là đáng ngại”

(Dân trí) - “Ngày nào chúng ta cũng ăn một đến hai lần rau cho nên với khoảng 10% rau chưa an toàn có nghĩa tuần nào chúng ta cũng có khả năng ăn rau không an toàn vào trong người”, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường, Nguyễn Đăng Vang phân tích.

Điều khiến chúng ta bận tâm nhất bấy lâu là có tới 5 bộ cùng quản lý an toàn thực phẩm, nhưng mỗi khi có vấn đề lại không có bộ nào chịu trách nhiệm đến cùng. Vậy dự thảo luật An toàn thực phẩm lần này đã giải quyết được mấu chốt đó chưa?

Dự thảo lần này đã phân công rõ trách nhiệm các bộ, đồng thời thực hiện giảm bớt đầu mối. Thêm nữa, sẽ quản lý theo chuỗi thực phẩm, tức quản lý từ đầu đến tận khâu cuối nhằm truy được nguồn gốc, biết được nguyên nhân. Vì vậy, sẽ có một số sản phẩm hoàn toàn giao cho Bộ Nông nghiệp & PTNT, một số sản phẩm hoàn toàn giao cho bộ Y tế.

Về trách nhiệm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, còn nhà nước chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra. Trước đây đôi khi chúng ta cứ nghĩ đến nhà nước hoặc cơ quan nào đó là người chịu trách nhiệm.

Lâu nay các vụ việc nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm đều do báo chí và lực lượng khác phát hiện, trong khi lực lượng chuyên ngành lại không phải là lực lượng đi tiên phong?

Không phải chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước trên thế giới, các vụ việc về an toàn thực phẩm thường do chính người tiêu dùng phát hiện ra. Khi người tiêu dùng có ý kiến rồi thì ngay lập tức các cơ quan chức năng vào cuộc.

Cơ quan báo chí cũng là những người phản ảnh thực tế từ việc người tiêu dùng cung cấp thông tin ban đầu. Đây cũng là một kênh giám sát của người tiêu dùng…  Vấn đề là cơ quan chức năng phải vào cuộc sau khi người tiêu dùng phát hiện.

Vậy ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm thời gian qua?

Qua quá trình giám sát và đánh giá, từ năm 2004 đến 2008 có thể nói công tác an toàn thực phẩm của chúng ta có nhiều tiến bộ. Bây giờ chúng ta thấy yên tâm hơn về thức ăn và ngay cả thế giới cũng nói thức ăn của chúng ta ngon.

Rau quả của chúng ta xuất khẩu với tăng trưởng rất nhanh, ví dụ năm ngoái xuất khẩu được 431 triệu đô la. Hay gạo chúng ta xuất khẩu gần 6 triệu tấn, thủy sản xuất khẩu 4,6 tỷ đô la… Thế giới dùng được họ mới mua của chúng ta.
“Tuần nào cũng ăn rau không an toàn là đáng ngại” - 1
Ông Nguyễn Đăng Vang: "Nếu có điều kiện cần nâng lên 35 - 40 ngàn thanh tra an toàn thực phẩm" 

Như vậy thực phẩm của chúng ta cơ bản là an toàn, nhưng cũng còn những thực phẩm không an toàn. Việc chưa phát hiện ra được là do thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh, hiện đại, thiếu một lực lượng thanh tra.

Lần này luật đưa ra chính sách tăng cường đầu tư cho các viện nghiên cứu, các cơ sở thí nghiệm hiện đại và khuyến khích các thành phần xã hội tham gia vào việc đó. Thêm nữa, chúng ta phải đầu tư nguồn lực tài chính cho lĩnh vực này rất mạnh mẽ.

Trước đây ông có nói là không yên tâm ăn rau sống, nhưng vừa rồi ông lại đưa ra các con số xuất khẩu khá lạc quan. Các con số ông nói này có đồng nghĩa với việc chúng ta hoàn toàn yên tâm được về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là rau?

Qua quá trình đánh giá của các tỉnh và thống kê lại, rau của chúng ta đảm bảo yên tâm được 91% còn 9% là chưa đảm bảo yêu cầu. Người Việt Nam chúng ta ngày nào cũng ăn một lần đến hai lần rau cho nên với khoảng 10% chưa an toàn, trong 500 lần ăn có tới 50 lần gặp nguy hiểm.

Với tỷ lệ như vậy, tuần nào chúng ta cũng có khả năng ăn rau không an toàn vào trong người. Điều này đáng lo ngại và phải khắc phục dần.

Để giải quyết những bức xúc hiện nay, việc tăng thêm số lượng thanh tra an toàn thực phẩm là việc phải làm, nhưng tăng như thế nào và con số bao nhiêu trong bối cảnh bộ máy đang phình to cũng gây ra nhiều tranh luận?

Hiện nay lực lượng của ta quá ít. Thanh tra chuyên ngành tại bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho đến năm ngoái chỉ có 3 người ở cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Bộ Y tế cũng chỉ có 9 người.

Sau đợt giám sát năm ngoái, tình hình lúc này đã khá hơn với việc hình thành được 63 chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm cùng hơn 40 chi cục quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản ở các tỉnh.

Hi vọng rằng, trong năm 2011 chúng ta có thể tăng lên được 3 ngàn người ở hai khu vực nói trên. Nếu như so sánh với mấy chục người trước đây, chúng ta đã có sự đột phá trong vấn đề tăng cường người.

Liệu việc này có làm phình bộ máy lên không thì theo tôi có những chỗ vẫn phải phình lên. Bởi lẽ, có những nước như Canada dân số 33 triệu mà nó có tới 11 ngàn thanh tra, Hunggari có 10 triệu dân nó cũng có 4 ngàn người.

Trong tương lai, nếu có tiền làm được như các nước chúng ta phải có 35- 40 ngàn người liên quan đến an toàn thực phẩm.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường