1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tử vong vì bác sĩ tư chẩn đoán sai

(Dân trí) - Hôm qua, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân Phạm Thị Hà, 22 tuổi ở Cẩm Phả, Quảng Ninh trong tình trạng hôn mê sâu do sốc thuôc phản vệ. Sau 23 giờ, chị Hà đã tử vong vì không được cấp cứu kịp thời.

Theo bệnh án, chị Hà có bệnh có liên quan đến thần kinh, não nên thường xuyên uống thuốc Tanakan và Zolid. Tuy nhiên, ngày 5/4, cũng với loại thuốc đó, chị uống 1 viên nhưng chỉ 30 phút sau thấy xuất hiện ngứa khắp người, chân tay bủn rủn.

 

Thấy hiện tượng lạ, chị Hà đến khám tại phòng mạch của một bác sĩ tư ở Quảng Ninh. Vị bác sĩ này đã cho chị uống Histalon, loại thuốc có tác dụng chống dị ứng, ngăn thương giải độc. Về nhà thấy đỡ ngứa nhưng chị Hà càng mệt lả, chân tay bủn rủn, bồn nôn và nôn, người bứt rứt khó chịu.

 

Ngày 6/4, chị Hà được đưa lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, da tím tái, tim đập nhanh… Bệnh nhân đã tử vong vào sáng nay (7/4) với kết luận “không được cấp cứu kịp thời do sốc thuốc phản vệ”.

 

Trao đổi với Dân trí, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Nguyễn Thị Dụ cho biết: Chị Hà sẽ hoàn toàn tránh được cái chết nếu được bác sĩ chẩn đoán đúng, và cấp cứu ngay tại bệnh viện tỉnh. Nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân Hà là do đưa đến bệnh viện quá chậm, đã ở trong tình trạng hôn mê sâu, truỵ mạch kéo dài.

 

Bác sĩ Dụ cho biết thêm, sốc thuốc phản vệ tức là khi uống thuốc, bị cơ thể phản ứng lại, với các biểu hiện lâm sàng như: sau khi uống thuốc từ 5-10 phút thấy trong người khó chịu, khó thở, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tụt, mặt nổi ban đỏ. Chủ yếu, những trường hợp bị sốc phản vệ là do uống thuốc kháng sinh. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong rất nhanh.

 

GS.TS Dụ khuyến cáo, người bệnh sau khi uống bất kỳ loại thuốc gì, nhất là thuốc kháng sinh, nếu thấy có xuất hiện ban đỏ, ngứa toàn thân thì không nên tưởng là bị dị ứng mà cần phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị bằng thuốc chống sốc như Adzenalin, tránh để bệnh lâu dẫn đến truỵ tim, mạch, khó thở... sẽ dễ dẫn đến tử vong.

 

Phạm Thanh