Quảng Ninh
Tư nhân - “Át chủ bài” mới trong đầu tư hạ tầng giao thông
(Dân trí) - Nhiều dự án giao thông huy động vốn tư nhân dưới hình thức PPP, BOT, BT đang trở thành “tội đồ” trong mắt nhiều người vì những lùm xùm trong quá khứ. Hệ lụy lâu dài là nhiều nhà đầu tư e ngại, không mặn mà "chung tay" cùng nhà nước triển khai các dự án mới.
Làm thế nào để xoá bỏ dần cách nhìn tiêu cực của dư luận, biến nguồn lực tư nhân thành “át chủ bài” trong đầu tư hạ tầng giao thông là điều không đơn giản, không chỉ cần độ mở mà quan trọng hơn là cần sự minh bạch, ổn định của chính sách.
Minh bạch chính sách
Không phải ngẫu nhiên Quảng Ninh hiện là tỉnh duy nhất được Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đầu tư, quản lý đường cao tốc và hàng không theo hình thức đối tác công tư (PPP). Bài học từ sự phát triển thần tốc kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Ninh trong vài năm trở lại đây cho thấy, chính sách hợp lý, sự cầu thị của lãnh đạo địa phương, đặc biệt là minh bạch trong triển khai các dự án PPP chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa thu hút nguồn lực tư nhân vững chắc và hiệu quả.
Là nhà đầu tư từng tham gia liên danh xây dựng dự án BOT cầu Bạch Đằng và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) đánh giá, mấu chốt thành công của Quảng Ninh là nhờ đột phá về tư duy, lựa chọn cách làm hợp tác công tư (PPP) rất linh hoạt. Đơn cử như khi làm BOT cầu Bạch Đằng, Quảng Ninh sẵn sàng hỗ trợ làm đường nối lên cầu dài 19,5 km, nhà đầu tư an tâm phần kết nối, chỉ phải lo phần cầu, giảm được một phần vốn đầu tư. Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tỉnh cũng sẵn sàng bỏ một phần chi phí tham gia, không chỉ giải phóng mặt bằng mà còn xây dựng một phần hạ tầng dự án.
“Quan trọng hơn là lãnh đạo tỉnh rất cầu thị và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Khi tư vấn lập dự án, tỉnh hỏi nhà đầu tư đang vướng chỗ nào, cần tỉnh tham gia hỗ trợ ở đâu và bắt tay chung sức cùng nhà đầu tư, vì thế các dự án BOT hạ tầng tại Quảng Ninh đều thuận lợi và nhanh chóng về đích”, ông Khôi nói và chia sẻ, doanh nghiệp tư nhân nào cũng chỉ mong một môi trường “nhanh, sạch” như vậy.
Theo ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân là hết sức cần thiết, giảm áp lực lên ngân sách, thúc đẩy các dự án hạ tầng được triển khai thuận lợi, chất lượng, đúng tiến độ.
“Quảng Ninh cũng xác định kêu gọi những nhà đầu tư lớn, uy tín, tiềm lực mạnh để triển khai các dự án quy mô, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư khác. Chúng tôi đã chọn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược, với việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, rồi nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng, hạ tầng khác. Để hỗ trợ nhà đầu tư, Quảng Ninh cũng có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ từ GPMB đến thủ tục hành chính để các dự án về đích đúng tiến độ”, ông Diện nhấn mạnh.
Trong một thời gian rất ngắn, khoảng 4 - 5 năm, Quảng Ninh đã huy động vốn xã hội hóa để làm giao thông với 48.000 tỉ đồng, trong đó địa phương bỏ ra tổng cộng hơn 12.000 tỉ đồng, còn lại vốn của nhà đầu tư tư nhân. Tương ứng nhà nước chỉ bỏ ra khoảng 25% vốn, nhà đầu tư bỏ ra 75% là có thể hình thành những công trình vĩnh cửu, để đời cho con cháu như sân bay, cầu lớn, đường quốc lộ…
Hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư có tiềm lực
Theo PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, Quảng Ninh đang đi đúng hướng với phương thức BOT linh hoạt trong thu hút các dự án hạ tầng giao thông. “Đây là hướng đi phù hợp khi tỉnh sẵn sàng sử dụng một phần ngân sách, trái phiếu như một dạng “vốn mồi” của nhà nước để tham gia cùng nhà đầu tư tư nhân theo hình thức PPP, vì vậy Quảng Ninh rất thành công trong lập dự án và kêu gọi đầu tư”, ông Toản nhìn nhận.
Bên cạnh đó, theo TS Toản, việc đảm bảo thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư, chính sách ổn định ít thay đổi, cũng như tính toán cân đối mức phí hợp lý cho người dân là cơ sở nền tảng tạo sự bền vững cho các dự án BOT.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, không chỉ Việt Nam mà các nước phát triển đều đa dạng hoá nguồn lực đầu tư, thu hút nguồn lực tư nhân vào đầu tư hạ tầng. Song các nước đang phát triển như Việt Nam làm PPP theo kiểu “mò đá qua sông”, không có luật, nghị định, vừa làm vừa sửa nên dẫn tới nhiều hệ luỵ trong quá khứ. Để tạo cơ sở pháp lý và môi trường bền vững cho nhà đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư, trình tự, thủ tục và quy trình thực hiện dự án công tư (PPP).
Mới đây, Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết 83 về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và PPP nói chung, đưa ra những tiêu chí khung đảm bảo minh bạch trong lựa chọn, thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt, yêu cầu về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tăng khá nhiều (từ 15-20% thay vì mức 10-15% trước đây). Theo ông Nhật, quy định này sẽ loại bỏ tất cả những nhà đầu tư không có năng lực tài chính mà vẫn tham gia vào BOT … “Nhưng những doanh nghiệp (DN) tư nhân lớn có tiềm lực tài chính mạnh đủ khả năng bỏ hoàn toàn vốn đầu tư hiện nay như Sun Group, Vingroup,... nếu xem xét các dự án thấy hiệu quả, rõ ràng minh bạch thì vẫn sẵn sàng tham gia”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định.
An Nhiên