1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tu Mơ Rông “oằn mình” sau bão

(Dân trí) - Ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon tum đang “oằn mình” gánh những tổn thất nặng nề sau cơn bão số 9. Trong gần chục xã còn bị cô lập, có ngôi làng đã bị nước lũ san phẳng hoàn toàn.

Đường lên Tu Mơ Rông

 

“Lên Tu Mơ Rông à? Xa lắm. Đi không nổi đâu!” - mấy bác xe ôm ở thành phố Kon Tum lắc đầu trước đề nghị của khách. Vượt hơn 40 km từ thành phố Kon Tum, chúng tôi đặt chân tới huyện Đăk Tô. Bác xe ôm lấy 120.000 đồng rồi quả quyết không chịu đi nữa, với lý do: “Đường núi quanh co, sạt lở hết rồi. Cầu sập. Đi không được đâu”.

 
 

Con đường mới xây dựng sau khi cải tạo lòng hồ thủy điện Ya Ly đẹp đẽ ngày nào, giờ xói mòn không đi được. Rào chắn 2 ven đường bị phá hỏng. Tất cả như một dòng sông mênh mông. Còn lại là bùn bỏ trải dài và những bãi củi gỗ, rác sau lũ ngút ngàn.

 

Theo xe đoàn thị sát thực tế của anh Hà Ban - Chủ tịch UBND tỉnh Kon tum – cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân được đến huyện Tu Mơ Rông. Con đường 100 km từ huyện Đăk Tô lên Tu Mơ Rông không “bình yên” chút nào. Cây cầu Ngọc Tụ bắc qua suối Đăk Tkan và 1 cầu bản trên tỉnh lộ 678 bị sập, gây cô lập hoàn toàn 4 xã phía tây của huyện Tu Mơ Rông.

 

Chúng tôi phải theo tỉnh lộ 672 dẫn lên huyện Tu Mơ Rông nhưng con đường này cầu cống ngầm bị hư hỏng, sạt lở nhiều đoạn. Một bên là vách núi cao, có thể sạt lở bất cứ lúc nào; một bên là vực thẳm cheo leo. Chỉ tay về những ngọn núi phía trước, những đồi núi xanh có những vệt đỏ chạy dọc như những vết cào xước trên da, anh Hà Ban bảo đó là núi đang sạt lở. Tôi thấy nhiều ngọn núi đang có những vệt đỏ như thế.

 

Chiếc ô tô chỉ chạy lên được tới trung tâm huyện. Muốn đi cao hơn nữa phải di chuyển bằng xe Owat của quân đội và đi bộ. 

 

Càng vào sâu, số người chết càng tăng

 

Theo thống kê mới nhất từ UBND tỉnh Kon tum, đến nay, toàn tỉnh có 49 người chết, 2 người mất tích. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là huyện Tu Mơ Rông với 29 người chết và 2 người mất tích, 104 nhà ở sập hoàn toàn, 163 nhà bị tốc mái và sạt lở; 50 con trâu, 200 con bò, 11 con heo bị chết… Toàn huyện có 90% diện tích hoa màu bị thiệt hại nặng nề.

 

Anh Hà Ban cho biết: “Càng tiếp cận vào vùng sạt lở sau lũ, số người chết càng tăng thêm”.

 

Ngày 3/9, ông Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hội - cùng đoàn đã đáp 3 chiếc trực thăng mang theo hàng cứu trợ khẩn cấp đến với bà con vùng lũ của 2 huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông. Đoàn đã ủng hộ 2 huyện 120 triệu đồng.

 

Trung tướng Lê Hữu  Đức - Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân - ủng hộ 2 huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông 100 triệu, 1.500 thùng mì tôm và 100 két nước.

Con đường qua xã Văn Xuôi, Ngọc Yêu, Đăk Na, Đăk Rơ Ông… bị sạt lở nghiêm trọng, những hàm ếch sâu hoắm như chực chờ con mồi. Cơn lũ đi qua, những cánh đồng trũng giữa 2 quả núi chỉ còn là những lớp bùn, nước mênh mông. “Ở miền Trung, khi lũ đi qua, thì lúa chỉ ngã rạp, còn ở đây, lũ qua, đất phù sa bị bóc luôn chứ nói gì đến lúa. Đất này thì canh tác sao được nữa. Dân mà mất ruộng canh tác thì quả thật là trắng tay. Giờ còn tiếp tế lương thực được, mai mốt người dân sống bằng gì khi đất không còn?” - vị chủ tịch tỉnh tâm sự.

 

Những nhà bị bão lũ cướp mất người yên ắng tang thương. Không ai biết gia đình anh A Tép - Trưởng công an xã Ngọc Yêu - chết như thế nào. Họ chỉ biết rằng sau đêm bão lũ 29/9 đó, sáng ra thấy cả làng Tam Rin bị vùi trong đất. Anh A Tép (48 tuổi) cùng vợ và người con trai 16 tuổi bị núi lở chôn vùi. “May mắn, 3 đứa con còn lại của anh đều đang đi học dưới thành phố. Chứ không cả nhà chết hết rồi”, anh Quang - cán bộ huyện Tu Mơ Rông kể lại. 

 

Tại huyện Tu Mơ Rông, nhiều làng vẫn đang bị cô lập. Lực lượng bộ đội, tư lệnh, công an đang tập trung lực lượng, thông đường để tiếp cận di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Khó khăn là nhà người dân cheo leo sau những quả đồi, khe suối mà nhiều đồng bào không chịu bỏ làng, bỏ nhà đi.

 

Anh Hà Ban chỉ đạo: “Nếu không di dời người dân ra khỏi làng thì người dân không chết nước cũng chết vì núi đè. Phải đưa dân ra vùng an toàn một cách nhanh chóng, không để dân đói khát trong những ngày lũ bão”.
 
Tu Mơ Rông trong ống kính của PV Dân trí khi theo đoàn cứu trợ đến với bà con nơi đây:
 
Tu Mơ Rông “oằn mình” sau bão - 1
 
Tu Mơ Rông “oằn mình” sau bão - 2


Tu Mơ Rông “oằn mình” sau bão - 3

Lở đường, sông nước mênh mông

Tu Mơ Rông “oằn mình” sau bão - 4

Những àm ếch sâu hoắm chực chờ mồi.

Tu Mơ Rông “oằn mình” sau bão - 5

Đàn ông, phụ nữ, trẻ em rủ nhau đi mót sắn để bán. Những thảm hoa màu đã bị lũ san phẳng, dân không còn gì ăn.

Tu Mơ Rông “oằn mình” sau bão - 6

Đường lên Tu Mơ Rông đặc quánh bùn lầy.

Tu Mơ Rông “oằn mình” sau bão - 7

Chiếc cầu Đăk Tkan bị đánh sập trong lũ.

 

Đã  đến được với các làng của 8 xã vùng sâu huyện Tu Mơ Rông

 

Rạng sáng nay (7/10), tin từ UBND huyện Tu Mơ Rông, chiều tối qua các lực lượng cứu trợ đã đến được với tất cả các thôn làng của 8 xã vùng sâu vùng xa nhất huyện, cũng là vùng xa xôi khó khăn nhất của tỉnh Kon Tum (Đăk Na, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông, Đăk Tờ Kan, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Tê Xăn, Măng Ri). Lực lượng tham gia công tác cứu trợ đã chia thành nhiều toán, gùi cõng, vận chuyển bằng xe máy, xe đạp đưa khoảng 40 tấn gạo, hàng trăm thùng mì tôm cùng quần, áo, chăn màn và các loại thuốc chữa bệnh thông thường, hóa chất xử lý nguồn nước phục vụ sinh hoạt... đến với người dân.

 

Riêng đối với làng Mô Bành (xã Đăk Na) - ngôi làng duy nhất ở Kon Tum bị nước lũ san phẳng, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã có phương án di chuyển toàn bộ số hộ trong làng về lập làng mới ổn định lâu dài ở vị trí khác an toàn và thuận tiện hơn. Trước mắt, những hộ đồng bào trong làng Mô Bành đã được chuyển đến nơi ở tạm an toàn để phòng ngừa núi tiếp tục sạt lở.

 

Cùng ngày, Điện lực Kon Tum thông báo đã sửa xong hệ thống điện lưới của nhiều xã vùng sâu, vùng xa. Hiện toàn tỉnh vẫn còn trên 8.000 hộ gia đình chưa biết đến bao giờ mới được cung cấp điện phục vụ sinh hoạt. (Đại Hoà) 

 

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm