1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tư lệnh cảnh sát cơ động không được ra lệnh nổ súng

(Dân trí) - Chỉ giao Bộ trưởng, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an được quyền ra lệnh nổ súng. Tư lệnh cảnh sát cơ động, giám đốc công an tỉnh không có quyền hạn này... Nội dung này được nhấn mạnh khi UB Thường vụ Quốc hội bàn về Pháp lệnh Cảnh sát cơ động ngày 12/8.

Tờ trình của Bộ Công an nêu vấn đề, Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là hoạt động tác chiến đặc thù, có nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ an ninh quốc gia, phối hợp với các lực lượng khác trấn áp các loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức... với tính cơ động cao.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các biện pháp vũ trang của CSCĐ thường tác động trực tiếp đến một số quyền cơ bản của công dân, nhưng chưa được quy định trong các văn bản có tính pháp lý cao.

Do vậy, Pháp lệnh CSCĐ đang là công cụ cần thiết tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này hoạt động trong tình hình mới.
Phiên họp thứ 20 của UB Thường vụ Quốc hội khai mạc ngày 12/8.
Phiên họp thứ 20 của UB Thường vụ Quốc hội khai mạc ngày 12/8.

Cơ quan soạn thảo đề xuất quy định cụ thể các nhóm nhiệm vụ của CSCĐ như cơ động chiến đấu chống các hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp kịp thời các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có vũ trang; tham gia hỗ trợ các hoạt động tư pháp; xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để trấn áp hành vi khủng bố theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế...

Tuy nhiên, có ý kiến cũng đề nghị cần xác định rõ hơn, nhiệm vụ nào giao cho CSCĐ thực hiện, nhiệm vụ nào thì do các lực lượng khác chủ trì, còn CSCĐ chỉ tham gia phối hợp, từ đó xác định cơ chế để phối hợp giữa các lực lượng.

Thẩm tra về nội dung này, UB Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đặt vấn đề, cần quy định rõ hơn về quyền xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để trấn áp các hành vi khủng bố” của cảnh sát cơ động.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu đề nghị, đối với việc nổ súng, ngoài trường hợp được quy định tại Pháp lệnh Quản lý, sử dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, còn lại chỉ giao Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Thứ trưởng thường trực Bộ Công an được quyền ra lệnh nổ súng, còn Tư lệnh cảnh sát cơ động, giám đốc công an tỉnh không có quyền hạn này.

Riêng về quy định cảnh sát cơ động được trang bị, quản lý, sử dụng máy bay, tàu thủy, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng cần cân nhắc vì đòi hỏi đầu tư ngân sách quá lớn. Bên cạnh đó, việc quản lý, đào tạo, huấn luyện sử dụng phức tạp và phải rất chặt chẽ. Trong khi hiện nay Bộ Quốc phòng đã được đầu tư cơ bản, có thể đáp ứng yêu cầu của Bộ Công An khi cần sử dụng và sự phối hợp giữa hai bộ vẫn đang được thực hiện tốt.

Về kế hoạch thông qua Pháp lệnh vẫn còn có những quan điểm khác nhau. Dự kiến Pháp lệnh được trình UB Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tháng 12/2013- trước khi Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua Pháp lệnh vì có nhiều quy định liên quan mật thiết với Luật Công an nhân dân, trong khi Luật Công an nhân dân đã được Quốc hội quyết định sửa đổi và dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2014).
 

Dự thảo Pháp lệnh quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định điều động các đơn vị CSCĐ thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi toàn quốc. Tư lệnh CSCĐ quyết định điều động đến cấp Trung đoàn để thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi toàn quốc..., Giám đốc Công an cấp tỉnh được điều động các đơn vị CSCĐ thuộc Công an cấp tỉnh.

Trung đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng CSCĐ, Cảnh sát đặc nhiệm trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đóng quân độc lập, được điều động lực lượng thuộc quyền thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp trong địa bàn được phân công phụ trách, đồng thời báo cáo ngay Tư lệnh CSCĐ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

P.Thảo