1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Tử hình bác sĩ giết đồng nghiệp, đốt xác phi tang

(Dân trí) - Hôm nay 4/5, TAND TP Hà Nội đã tuyên mức án cao nhất dành cho Trần Chí Công - người đã <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2007/2/166080.vip">giết một nữ hộ sinh, đốt xác phi tang</a> ở ngõ chùa Liên Phái dịp áp Tết vừa qua.

Sau khi bị bắt (ngày 9/3/2007), thủ phạm vẫn kiên quyết không khai nhận cho đến khi nhận được bức thư động viên của hai đứa con đã mồ côi mẹ. Vụ án bi thảm được làm sáng tỏ.

 

Tối 7/2/2007, Trần Chí Công (SN 1954, trú tại nhà 9/15 Lương Khánh Thiện, Tương Mai, Hà Nội) đến nhà chị Nguyễn Thị Minh Ngân ở ngõ chùa Liên Phái, phường Cầu Dền, Hai Bà Trưng, Hà Nội (chị Ngân sống một mình) chơi. Khi chủ nhà quay lưng, mở tủ định lấy khoe chiếc điện thoại Nokia 7370 mới mua, Công lập tức dùng búa đập nhiều nhát vào đầu nạn nhân.

 

Chị Ngân bất tỉnh. Thấy máu chảy nhiều, Công kéo nạn nhân vào phòng vệ sinh, xả nước rửa. Nước lạnh làm nạn nhân tỉnh lại, vừa kêu ú ớ thì lại bị Công đập búa chết hẳn.

 

Bị cáo lôi nạn nhân lên giường, đắp kín chăn nệm rồi lục tìm tài sản. Không tìm được nhiều tiền mặt, Công “nhặt tạm” 900.000đ và 2 chiếc điện thoại di động rồi tính cách xóa dấu vết. Thủ phạm lục tìm quần áo chất lên người nạn nhân và rải khắp nhà, sau đó xả nước cho sạch dấu vết trong phòng vệ sinh, xóa dấu vân tay ở hiện trường rồi bật lửa đốt 2 đống quần áo quanh giường. Lấy chùm chìa khóa, mở sẵn cửa, chờ cho ngọn lửa bắt khá cao, vị bác sĩ tinh quái mới chạy xuống, thoát ra ngoài.

 

Trần Chí Công bị truy tố với 3 tội danh: giết người, cướp tài sản, hủy hoại tài sản.

 

Bị cáo cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội dã man của mình. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu phiên tòa, bị cáo đã phủ nhận cáo buộc của VKS về động cơ gây án là do túng tiền vì cờ bạc, nợ nần nên nảy sinh ý định giết người, cướp tài sản.

 

Công kể lại câu chuyện khác hẳn. Sau khi vợ mất (năm 2002), Công được bạn giới thiệu với chị Ngân vào tháng 6/2004 và hai người đã có ý định “gá nghĩa”. Nhưng sau 2-3 lần gặp gỡ, quan hệ rất “thân mật”, Công mới biết chị Ngân sinh năm 1959, bằng tuổi người vợ đã mất của mình. Mê tín “kỵ tuổi”, Công chủ động “lảng dần”. Khi đó, Công đã cho chị Ngân vay 20 triệu đồng (không giấy tờ, không người làm chứng).

 

Món nợ đó Công đã hỏi đòi nhiều lần mà chị Ngân vẫn chưa trả. Thời gian gần đây, cạn tiền, công nợ nhiều, bị cáo đã đến nhà tìm chị Ngân 3-4 lần nhưng đều không gặp.

 

Tối 7/2 (tức 23 tháng Chạp), bị cáo ra khỏi nhà, đi mua chiếc búa vì con gái nhờ đóng đinh để treo lịch năm mới khi cô dọn dẹp nhà chuẩn bị đón Tết. Bỏ chiếc búa đinh mới mua vào túi, Công mới nảy ra ý định đến nhà chị Ngân đòi tiền lần nữa.

 

Bị cáo cố sức lý giải, vì “giận quá mất khôn” khi thấy chị Ngân có tiền mua điện thoại mới (hơn 4 triệu), lại bàn chuyện chơi cổ phiếu với con rể hàng tiếng qua điện thoại chứng tỏ khá dư dả mà nói đến món nợ 20 triệu của bị cáo lại chỉ… lảng.

 

Nhưng bấy nhiêu lí lẽ không đủ để thanh minh cho hành vi phạm tội dã man của bị cáo. VKS đề nghị mức án tử hình. Luật sư cũng không có gì hơn để bào chữa cho bị cáo, hoàn toàn đồng tình với cáo buộc của VKS về hành vi giết người và cướp tài sản. Luật sư chỉ xin xem xét lại tội danh hủy hoại tài sản đối với bị cáo.

 

HĐXX vào nghị án, 10 phút nặng nề trôi qua trong phòng xử án. Mọi người gần như nín lặng. Dưới hàng ghế bị hại, những vành khăn tang trắng của con cái nạn nhân ôm di ảnh mẹ ngậm đầy nỗi đau.

 

Tử hình bác sĩ giết đồng nghiệp, đốt xác phi tang - 1

Hai bố con bị cáo ôm chặt nhau chờ đợi giờ tuyên án.

Phía trên, không ai nỡ ngăn cản giây phút cô con gái được ngồi bên người bố phạm tội. Cô gái ôm chặt bố, bàn tay cố bấm chặt vào cánh tay bố, ngả đầu vào vai bố. Cô con gái cắn chặt môi như cố nén tiếng khóc để động viên bố bình tâm.

 

Án tử hình được tuyên cho tội giết người. Bị cáo cũng phải nhận thêm 5 năm tù cho tội cướp tài sản, 4 năm tù cho tội hủy hoại tài sản. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

 

Cô con gái đứng thẫn thờ, chết lặng. Phía gia đình bị hại cũng không vui vẻ, thanh thản gì hơn. Họ mất mẹ còn các con bị cáo sẽ mất bố. Cả hai bên đều trở thành hoàn toàn mồ côi. Hậu quả của tội lỗi người lớn gây ra cuối cùng chính các con họ phải gánh chịu nặng nề nhất. Phiên tòa kết thúc nặng nề, lặng lẽ. 

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm