1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tự chống tham nhũng, dễ dính “bẫy pháp lý”

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong lễ nhậm chức hôm 7-4 là “nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”. Người dân hy vọng và đặt niềm tin vào điều đó.

Hai tuần qua, dư luận xôn xao về vụ ông Trần Minh Lợi, cái tên được dân Tây Nguyên biết đến là người chuyên đấu tranh với tham nhũng, bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố và bắt giữ về hành vi “Đưa hối lộ” với vai trò giúp sức.

Cực kỳ nguy hiểm

Những “thành tích” mà người thân của ông Trần Minh Lợi đưa lên mạng xã hội, trong đó có nhiều vụ được báo chí phản ánh, cho thấy phần nào hoạt động chống tiêu cực của ông đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, một người “tay ngang” như ông Lợi sao lại có thể làm được những việc như thế? Ông ta không lo cho bản thân và gia đình mình sao? Bởi ai cũng biết việc này rất nguy hiểm. Chính vì điều đó, trước khi ông Lợi bị khởi tố đã có không ít cảnh báo về cách thức “tác nghiệp” của ông. Họ cho rằng ông tham gia chống tiêu cực một thân một mình, không có tổ chức nào đứng đằng sau, không có biện pháp bảo vệ nào từ nhà nước là cực kỳ nguy hiểm và rất dễ rơi vào cái “bẫy” pháp lý đang chờ sẵn.

Ông Trần Minh Lợi trong một lần cung cấp thông tin cho báo chí Ảnh: CAO NGUYÊN
Ông Trần Minh Lợi trong một lần cung cấp thông tin cho báo chí Ảnh: CAO NGUYÊN

Là một người hoạt động trong ngành pháp luật, tôi cũng đồng cảm về những khuyến cáo mà cộng đồng gửi đến cho ông Trần Minh Lợi. Rõ ràng, với người không có chuyên ngành luật và báo chí thì rất khó tiến hành các hoạt động điều tra để thu thập chứng cứ và tố giác tham nhũng.

Hoạt động được cho là “gài bẫy” để bắt tội phạm rất dễ dẫn đến hành vi “giúp sức, xúi giục” của một tội phạm khác. Ví dụ: Để tố cáo hành vi “nhận hối lộ” thì người tố cáo thường có hành vi “gài bẫy” dẫn dụ người có chức vụ, quyền hạn nhanh chóng nhận hội lộ hoặc “giúp sức” hay “xúi giục” cho người khác làm điều này. Vụ án mà ông Lợi bị khởi tố là một ví dụ điển hình khi cả người nhận hối lộ và đưa hối lộ cùng với những người được cho là đồng phạm với hành vi “đưa hối lộ” bị bắt.

Ảnh hưởng đến tố giác, chống tham nhũng

Vụ án rồi sẽ được làm sáng tỏ bởi các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều mà dư luận rất quan tâm là liệu khởi tố, bắt giam một người có “thành tích” trong hoạt động chống tham nhũng, được người dân ghi nhận thì có ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích người dân tham gia đấu tranh, tố giác nạn tham nhũng hay không?

Tôi nghĩ là có và ảnh hưởng sâu. Điều 6 Luật Phòng chống tham nhũng quy định: “Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng”. Và luật này cũng quy định các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm: “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng” và người tố cáo cũng được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế rất hiếm có những công dân đứng ra nhận nhiệm vụ khó khăn này. Thường khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, họ thỏa hiệp với nó theo nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”. Mặt khác, khi họ đứng ra tố cáo, như đã nói, không chỉ nguy hiểm cho bản thân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến kết quả công việc mà họ đang thực hiện. Bởi nhà nước chưa có một cơ chế gì khả thi để bảo đảm rằng người tố giác tham nhũng được bảo vệ an toàn về tính mạng, sức khỏe, công việc và số phận pháp lý. Tất cả chỉ tồn tại trên lý thuyết. Vậy trong khi chúng ta chưa thật sự khuyến khích người dân tham gia vào công tác đấu tranh, tố giác tham nhũng thì có một công dân nào đó nhiệt huyết với nó, đáng lẽ nhà nước phải lập tức khen thưởng và có biện pháp bảo vệ họ. Tôi nhận thấy chưa có trường hợp nào được nhà nước quan tâm và ứng xử như vậy cả.

Trong khi đó, chưa biết có căn cứ vững chắc hay không, việc khởi tố, bắt giữ một người có nhiệt tâm với hoạt động phòng chống tham nhũng chắc chắn sẽ làm thui chột ý thức đấu tranh với tham nhũng, vốn rất “mong manh” này.

Điều tra chưa xong

Trao đổi với phóng viên vào ngày 9-4, thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết cơ quan điều tra vẫn chưa hoàn tất kết luận điều tra vụ ông Trần Minh Lợi (SN 1968; ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bị bắt để làm rõ hành vi đưa hối lộ. Trong khi đó, theo đại tá Lương Ngọc Lếp - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông - sau khi hoàn tất điều tra, cơ quan công an sẽ tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ nội dung vụ việc.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã phản ánh, chiều 22-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt khẩn cấp ông Trần Minh Lợi để làm rõ hành vi cùng một số người dân đưa hối lộ cho một trinh sát hình sự để chạy tại ngoại cho các nghi can đánh bạc.

Ông Lợi được dư luận biết đến qua nhiều vụ tố cáo cán bộ nhà nước, công an tham nhũng, sai phạm và đã có nhiều người bị xử lý theo đơn tố cáo của ông.

C.Nguyên

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP HCM)

Theo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm