1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2011)

Từ Cảng Sài Gòn Bác đi tìm hình của nước

(Dân trí) - Bến cảng Sài Gòn (nay là Bến Nhà Rồng) một ngày giữa năm 1911, cách đây vừa đúng 100 năm, đã để lại một dấu ấn không phai mờ trong ký ức mỗi người dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh...

Nhà Rồng là một trong những công trình kiến trúc được thực dân Pháp xây dựng khá sớm ở Sài Gòn nhằm phục vụ mục đích khai thác thuộc địa, có tên là cảng Sài Gòn. Tòa nhà này có kiểu dáng mô phỏng kiển trúc Tây Âu thế XIX nhưng trên nóc lại đắp những con rồng theo kiểu phương Đông. Vì thế người Sài Gòn sau này gọi tòa nhà này là Nhà Rồng và bến cảng nơi có tòa nhà là Bến Nhà Rồng.
 
Từ Cảng Sài Gòn Bác đi tìm hình của nước - 1
Cảng Sài Gòn xưa, nơi người thanh niên tên Ba bắt đầu cuộc hành trình lịch sử trong vai một người đầu bếp (ảnh tư liệu)

 

Nhà Rồng và Bến Nhà Rồng ngày nay là một di tích lịch sử quý giá gắn với tình cảm thiêng liêng của mỗi người Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc.

 

Trong bài báo “Đến thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản Nguyễn Ái Quốc” đăng trên tạp chí Ngọn lửa đỏ Liên Xô số ra ngày 23/12/1923, nhà báo Ôman-đen-sơ-tan đã ghi lại lời kể của Bác Hồ: “Vào tuổi 13, lần đầu tiên tôi đã được nghe những từ Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái… Thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Đây chính là những suy nghĩ ban đầu dẫn đến chuyến ra đi lịch sử vào giữa năm 1911 (5/6/1911) của anh Ba phụ bếp, sau này là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Vào đầu năm đó, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời trường Quốc học Huế vào Nam dạy học ở Trường tư thục Dục Thanh (Phan Thiết) do một nhóm văn thân yêu nước sáng lập. Đây là nơi người thanh niên giàu nghị lực lưu lại và dạy học một thời gian ngắn trước khi vào Sài Gòn. Đến Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành càng thấy rõ, dù ở Nam kỳ thuộc địa hay Trung kỳ bảo hộ, Bắc kỳ thuộc địa - nửa bảo hộ, ở đâu nhân dân cũng bị đọa đày, khổ nhục. Điều đó càng thôi thúc Người lên đường sang Âu, Tây để xem nhân dân các nước ấy làm thế nào mà trở nên độc lập, hùng cường, rồi sẽ trở về “giúp đỡ đồng bào” đánh đuổi thực dân Pháp.

 

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Ba, xin vào làm phụ bếp cho một tàu buôn có tên là Đô Đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vi-lơ (Amiral Latouche Trêville) thuộc hãng vận tải Hợp Nhất của Pháp. Con tàu ngẫu nhiên được gắn tên mình vào sự nghiệp của người anh hùng giải phóng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh. Bến cảng Sài Gòn khi ấy trở thành nơi xuất phát của cuộc hành trình vĩ đại tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, mà nói theo cách nói của nhà thơ Chế Lan Viên là cuộc hành trình “Đi tìm hình của nước”.

 
Từ Cảng Sài Gòn Bác đi tìm hình của nước - 2
... và Bến Nhà Rồng nay (Ảnh: Lao Động)
 

Rồi từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh, từ sự tìm thấy “con đường giải phóng” đến cuộc đấu tranh thắng lợi để giải phóng dân tộc và giai cấp, bẻ gãy gông xiềng thực dân - phong kiến, giành độc lập, tự do vẫn còn là chặng đường dài đầy gian nan, thử thách, nhưng dưới sự dìu dắt lãnh đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đã đoàn kết một lòng, không quản ngại hy sinh, liên tiếp giành thắng lợi vẻ vang, mở ra những trang sử huy hoàng trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam ta.

 

Cảng Sài Gòn một ngày giữa năm 1911, cách đây vừa đúng 100 năm, đã để lại một dấu ấn không phai mờ trong ký ức mỗi người dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh...

 

Phạm Thành Nghi (sưu tầm)