1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chấm thi cao học ở ĐH Huế:

Từ 2 điểm nâng lên thành... 50 điểm

Từ đơn thư tố cáo liên quan đến việc “chạy” điểm môn ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh cao học vừa qua, Đại học Huế đã cho chấm kiểm tra và phát hiện: Có ít nhất 17 bài thi môn tiếng Nga được các cán bộ chấm thi “ưu ái”, “biến” từ rớt thành... đỗ!

Chấm điểm cao vì... thương

 

Mới đây, khi Đại học Huế đã tổng kết kỳ thi tuyển sinh cao học năm 2006, các thí sinh thi đỗ từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên khăn gói về Huế nhập học đã được gần một tháng, thì bất ngờ Giám đốc Đại học Huế nhận được một đơn tố cáo (có ký tên) gửi từ tỉnh Đắc Nông.

 

Đơn phản ánh: Ông Nguyễn Đức Hảo - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đắc Nông - vốn không hề biết ngoại ngữ, nhưng khi làm bài thi tuyển sinh cao học vào Đại học Huế vừa rồi lại đạt điểm rất cao về môn tiếng Nga. Một lá đơn khác, với nội dung tương tự cũng được gửi tới đích danh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân.

 

Sau khi nhận được đơn tố cáo, Đại học Huế đã cho rút bài thi của ông Nguyễn Đức Hảo ra để chấm thử lại, và thật bất ngờ, theo đánh giá của cán bộ chấm thử thì bài thi của ông Nguyễn Đức Hảo chỉ xứng đáng đạt khoảng 20 điểm (thang điểm 100), nhưng bài thi của ông lại được chấm đến... 52 điểm (điểm đủ để đỗ).

 

Thấy đơn tố cáo có cơ sở, Đại học Huế lập tức cho thành lập một tiểu ban gồm 5 người (2 lãnh đạo và 3 giáo viên môn tiếng Nga - không liên quan đến việc ra đề và chấm thi) để chấm lại bài thi của ông Nguyễn Đức Hảo, và các kết quả cho được lần lượt là: 24 điểm, 27 điểm và 25 điểm.

 

Như vậy, tính điểm trung bình của 3 người chấm thì bài thi của ông Nguyễn Đức Hảo chỉ đạt khoảng 26 điểm. Ngay lập tức, Đại học Huế cho mời hai cán bộ chấm thi môn tiếng Nga trước đó là TS Nguyễn Tình - Trưởng phòng Quản lý giáo vụ sinh viên, và Vũ Yến Sơn - giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ Huế lên để đối chất.

 

Tại đây, hai cán bộ nói trên thừa nhận bài thi của ông Hảo không xứng đáng với điểm 52, nhưng vì... thương học trò, và vì muốn Đại học Huế có lớp (ý là tuyển cho đủ chỉ tiêu - NV) nên mới cho điểm như thế (!?).

 

Tiếp theo, Đại học Huế yêu cầu tiểu ban nói trên chấm kiểm tra tiếp 18 bài tiếng Nga có điểm đạt trên 50 và dưới 60, và kết quả không thể nào tin được: Có đến 16/18 bài đạt điểm dưới 50, trong đó có những bài làm chỉ được 15 điểm, thậm chí chỉ... 2 điểm, nhưng lại chấm thành... trên 50 điểm.

 

Có đường dây “chạy” điểm?

 

Bộ GD-ĐT đã photocopy, mang ra Hà Nội hơn 60 bài thi tiếng Nga và Anh để chấm kiểm tra.

 

Sau khi nhận được đơn tố cáo như trên, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã bút phê vào đơn, yêu cầu Đại học Huế phải kiểm tra, làm rõ.

 

Đồng thời, Vụ Sau đại học đã cử 3 cán bộ vào làm việc với Đại học Huế và đã photocopy hơn 60 bài thi cao học môn tiếng Nga và Anh trên 50 điểm và dưới 60 điểm, mang ra Bộ để thành lập hội đồng chấm phúc tra.  

Trong lá đơn gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Giám đốc Đại học Huế như đã dẫn, nội dung tố cáo ngoài chuyện ông Nguyễn Đức Hảo không biết ngoại ngữ nhưng thi vẫn được 52 điểm, còn có một vấn đề nghiêm trọng khác.

 

Đơn viết (đại ý): Tôi xin thông báo để các ông, bà biết, hiện ở Đại học Huế đang có một đường dây chạy điểm môn ngoại ngữ khi thi vào cao học, dưới 3 hình thức: Giáo viên cho biết trước đề; thí sinh đánh dấu vào bài rồi sẽ có người chấm điểm cao; thí sinh cứ làm bài rồi sẽ có người đánh tráo bài. Đây là một đường dây đã hoạt động nhiều năm.

 

Đặc biệt, nhiều học viên khi thi cao học nếu không biết tiếng Anh thì cứ đăng ký thi tiếng Nga, vì tiếng Nga dễ... “chạy” điểm hơn tiếng Anh, mà cụ thể là trường hợp của ông Nguyễn Đức Hảo...

 

Trả lời câu hỏi có hay không một đường dây chạy điểm môn tiếng Nga - đã hoạt động nhiều năm theo như đơn tố cáo - một lãnh đạo có trách nhiệm của Đại học Huế nói: “Hiện tại, chưa thể kết luận được là có hay không. Tuy nhiên từ những dấu hiệu của việc kiểm tra các bài thi, có thể khẳng định là các giáo viên chấm bài đã cho điểm khống”.

 

Liên quan đến vụ việc, chiều 5/10, Đại học Huế đã tổ chức một cuộc họp để bàn cách xử lý. Chủ trương của Đại học Huế là ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Với các thí sinh, sau khi có kết quả chấm lại của Bộ GD-ĐT, ai đỗ, ai rớt phải trả về đúng vị trí.

 

Trước mắt, Đại học Huế sẽ cho chấm lại hết túi bài thi môn tiếng Nga, để kiểm tra xem còn có thêm trường hợp nào từ rớt “biến” thành đỗ nữa không.  

Theo Hoàng Văn Minh
Lao Động