Hà Nội:
Truy tố 10 cán bộ địa chính biến rừng thành đất ở
(Dân trí) - Trong 3 năm, gần 10.000 m2 đất lâm nghiệp tại địa bàn xã Đông Xuân và Minh Trí - Sóc Sơn - Hà Nội đã được cấp giấy chứng nhận để thành đất thổ cư cho 7 hộ gia đình. Sự việc bị phát hiện và 10 cán bộ địa chính bị truy tố trước pháp luật.
Theo kết qủa điều tra của Công an TP.Hà Nội, năm 2002, huyện Sóc Sơn triển khai xét cấp GCNQSDĐ ở cho các hộ dân theo Quyết định 65/2001/QĐUB ngày 29/8/2001 của UBND TP.Hà Nội. Quyết định 65 quy định rõ điều kiện đất ở, đối tượng, trình tự thủ tục để cấp GCNQSDĐ. Theo đó, đất phải là đất ở và đất ao vườn liền kề khu dân cư nông thôn thuộc địa giới hành chính của xã. Việc cấp GCNQSDĐ phải được Hội đồng xét duyệt thông qua với hồ sơ đầy đủ, sau đó phải có tờ trình báo cáo UBND huyện phê duyệt, thẩm định lại tính chính xác rồi trình chủ tịch ký.
Kết qủa điều tra đã làm rõ được 7 hồ sơ do các bị can làm giả để cấp GCNQSDĐ theo quyết định 65.
Tiêu biểu là việc cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Trần Hoàng Đông. Tháng 4/2003, bà Lê Thị Nhung (trú tại số 10 Hàng Buồm - Hoàn Kiếm) mua 3510m2 đất tại khu Ban Tiện của ông Trần Hoàng Đông trú tại thôn Gò Gạo, xã Minh Trí. Đây là diện tích đất do gia đình ông Đông khai hoang làm kinh tế mới từ khoảng năm 1985. Khi mua, bà Nhung yêu cầu làm giấy GCNQSDĐ mang tên mình. Ông Đông đã nhờ Dương Đoàn Thịnh - cán bộ giao thông thủy lợi xã Minh Trí viết nội dung đơn xin chuyển nhượng, hợp đồng chuyển nhượng và vẽ trích lục bản đồ thửa đất. Thịnh đã đưa hồ sơ cho Trần Minh Gần, cán bộ địa chính xã Minh Trí, xác nhận. Sau đó, ông Đông xin chữ kí xác nhận của ông Trần Văn Thảo, phó chủ tịch xã. Và Lê Minh Ban, cán bộ địa chính xã huyện đã làm giấy CNQSDĐ bà Nhung.
Ngày 14/10/2003, UBND huyện đã cấp giấy CNQSDĐ cho ông Đông và bà Nhung. Kết quả xác minh cho thấy Hội đồng xét duyệt xã Minh Trí đã không tổ chức họp xét cấp giấy CNQSDĐ này. Khu Ban Tiện chưa có bản đồ địa chính, chưa đủ điều kiện xét cấp giấy CNQSDĐ. Diện tích đất trên không thuộc bản đồ đất ở của xã. Tại cơ quan điều tra, ông Đông khai đã đưa Thịnh 25.000.000 đồng trong việc nhận làm hồ sơ này.
Như vậy, sai phạm đã rõ. 3510m2 đất rừng "khai hoang" đã biến thành đất nhà gọn ghẽ và nhanh chóng. Ngoài hộ nhà ông Trần Hoàng Đông, còn 6 cuốn "sổ đỏ" được cán bộ địa chính xã làm giả hồ sơ để cấp giấy CNQSDĐ sai đối tượng với tổng diện tích đất lên tới 9132m2.
Thao tác quen thuộc của cán bộ xã là lập trích lục bản đồ đưa phần đất lâm nghiệp, đất khai hoang làm kinh tế vào diện tích đất ở của xã, giả chữ ký, con dấu, tài liệu để xác định đất thổ cư đã đủ điều kiện chuyển nhượng để bán cho những người có hộ khẩu tại nội thành Hà Nội.
Việc làm giả hồ sơ "sổ đỏ" có sự cấu kết chặt chẽ từ cán bộ xã như Dương Đoàn Thịnh, Phùng Minh Gần - cán bộ xã Minh Trí, Dương Văn Thêm - cán bộ địa chính Minh Phú tới cán bộ huyện như Nguyễn Xuân Hào - trưởng phòng địa chính nhà đất, Nguyễn Văn Hạnh, Tạ Đình Bằng, Vũ Hùng Thắng - cán bộ địa chính huyện Sóc Sơn. Việc cấp "sổ đỏ" sai quy định cũng được sự "đồng tình" của lãnh đạo xã như Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí Trần Văn Thảo. Và với liên minh ấy, nhiều diện tích đất lâm nghiệp của huyện Sóc Sơn đã thành đất tư để buôn đi bán lại.
Với những hành vi phạm tội bị phát giác, Nguyễn Xuân Hào đã bị đề nghị truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", Dương Đoàn Thịnh bị đề nghị truy tố về tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", 8 bị can Trần văn Thảo, Phùng Minh Gần, Dương Văn Thêm, Nguyễn Văn Tung, Tạ Đình Bằng, Vũ Hùng Thắng, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Hạnh bị đề nghị truy tố tội "giả mạo trong công tác".
Phương Thảo