1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Truy” bằng chứng về việc sử dụng tấm lợp fibro xi măng gây ung thư

Cuối tháng 10 vừa qua, buổi hội chẩn, đọc phim trong chương trình khám bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động cho công nhân ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng năm 2015 lại được tổ chức tại Bệnh viện Xây dựng. Đây là năm thứ 7 liên tiếp hoạt động này được thực hiện…

Chương trình hội chẩn do Hội đồng hội chẩn bệnh nghề nghiệp gồm đông đảo các GS, bác sỹ, chuyên gia y tế đầu ngành về X-Quang và bệnh nghề nghiệp của cả nước thực hiện.

Cụ thể, năm 2015, hơn 1.400 công nhân làm việc trực tiếp tại 20 cơ sở sản xuất tấm lợp fibro xi măng được khám bệnh, chụp XQ, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp, xét nghiệm… để kiểm tra tình hình sức khỏe. Những người lao động làm việc trong các dây chuyền sản xuất tấm lợp như nhóm công nhân nghiền, trộn, xé bao và đổ amiăng (loại sợi tổng hợp đóng 10% trong nguồn nguyên liệu sản xuất tấm lợp), nhóm công nhân xeo, cán, cắt, bốc dỡ, phân loại sản phẩm, nhóm công nhân vận hành lò hơi, cơ khí, nghiền giấy, nghiền xi măng… đều được kiểm tra, hội chẩn.

PGS.TS Trần Thị Ngọc Lan - chuyên gia cao cấp về bệnh nghề nghiệp - Bộ Y tế (bìa trái) tham gia Hội đồng hội chẩn năm 2015.
PGS.TS Trần Thị Ngọc Lan - chuyên gia cao cấp về bệnh nghề nghiệp - Bộ Y tế (bìa trái) tham gia Hội đồng hội chẩn năm 2015.

Việc khảo sát môi trường lao động bao gồm đánh giá về vật lý, đo nồng độ bụi hóa học, hàm lượng bụi sợi amiăng tại 20 cơ sở sản xuất tấm lợp này, nồng độ bụi hô hấp ở cả khu vực xé bao, nghiền amiăng, trộn nguyên liệu, xeo cán, tạo sóng, dõ khuôn và bãi sản phẩm đều chỉ dao động ở mức 0,5-1 mg/m3 không khí, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 4 mg/m3 như quy định của Bộ Y tế.

Về nồng độ bụi sợi amiăng tại các cơ sở sản xuất này, ở các khu vực tiến hành đo, thấp nhất là ở bãi sản phẩm, không có bụi sợi, cao nhất là ở khu xé bao, nghiền amiăng, nồng độ là 0,37 sợi/ml, thấp hơn tiêu chuẩn 0,5 sợi/ml trong 1 giờ Bộ Y tế quy định.

Đại diện cơ quan nghiên cứu - TS Lê Thị Hằng, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng cho biết, hội đồng chuyên môn thống nhất kết luận, các mẫu đo bụi hô hấp và nồng độ bụi sợi amiăng đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động. Các cơ sở sản xuất tấm lợp đã chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động, triển khai đồng bộ các biện pháp về tổ chức lao động, các biện pháp về kỹ thuật, giám sát môi trường lao động và sức khỏe người lao động.

Được biết, hiện tại, hầu hết các dây chuyền sản xuất tấm lợp fibro ximăng đều thực hiện với quy trình khép kín, bao amiăng thậm chí không cần xé, dỡ mà cả bao nguyên liệu đều được đưa vào máy nghiền cả vỏ bao.

Chương trình khám bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động cho công nhân sản xuất tấm lợp fibro xi măng đã được Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) triển khai trong 7 năm qua (2008-2014). Kết quả hội chẩn phim chụp X-Quang, chụp cắt lớp (64 lớp) với các công nhân ngành sản xuất này trong thời gian đó cũng cho thấy, chỉ một ca bệnh duy nhất được phát hiện năm 2010 liên quan đến amiăng là trường hợp bị bụi phổi (chiếm 0,2%). Các nghiên cứu không ghi nhận ca bệnh nào khác, nhất là bệnh ung thư trung biểu mô phổi như nhiều người đã lo ngại.

Với số lượng hơn 3.600 công nhân tham gia chương trình khám, chữa bệnh này (những người tiếp xúc trực tiếp với amiang trắng trong sản xuất), kết quả hội chẩn 6 năm liên tiếp được công bố từ Hội đồng đọc phim cho thấy, không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiang trắng.

Kết quả nghiên cứu của một đề tài khoa học cấp nhà nước từ năm 2002 – 2003 trên các đối tượng này cũng cho thấy, 98% người lao động được khám, chụp phổi đều bình thường, 2% (tương đương 20 người) có những hình ảnh bất thường thể hiện trên phim X-Quang, trong đó có 4 ca được xác định bị bụi phổi amiăng thể nhẹ, 4 ca bụi phổi silic thể nhẹ, 9 ca có hình ảnh thâm nhiễm cần theo dõi lao… Không có ca bệnh ung thư trung biểu mô phổi nào được ghi nhận. Đây cũng là kết quả chung trong dữ liệu thống kê suốt 20 năm Bệnh viện Xây dựng thực hiện nghiên cứu bệnh nghề nghiệp trên nhóm người lao động làm việc trong ngành xây dựng.

Sự thật về con số 107.000 người chết vì amiăng mỗi năm

Ngoài ra, Cục quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế đã tiến hành triển khai đề tài nghiên cứu cấp bộ “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiang ở những người tiếp xúc” trong 2 năm 2010 - 2011. Nghiên cứu này được thông qua Hội đồng Y đức của Bộ Y tế. Kết quả phỏng vấn tìm tiền sử nghề nghiệp liên quan đến amiang ở 447 trường hợp vào nhập viện tại 6 bệnh viện tham gia nghiên cứu cho thấy, có 46 trường hợp được chẩn đoán ung thư trung biểu mô màng phổi.

Tuy nhiên, 39 mẫu bệnh phẩm của những người được chẩn đoán ung thư trung biểu mô sau đó được lựa chọn gửi sang Bệnh viện Hiroshima (Nhật Bản) phân tích thì các chuyên gia Nhật Bản xác định, chẩn đoán 8 trường hợp có bệnh ung thư, nhưng không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng.

TS.Lê Thị Hằng - GĐ Bệnh viện Xây dựng khẳng định, việc quy hết các trường hợp ung thư trung biểu mô ở Việt Nam là do phơi nhiễm với amiang trắng là không khách quan.
TS.Lê Thị Hằng - GĐ Bệnh viện Xây dựng khẳng định, việc quy hết các trường hợp ung thư trung biểu mô ở Việt Nam là do phơi nhiễm với amiang trắng là không khách quan.

Trao đổi về việc dư luận hiện vẫn hết sức lo lắng với thông tin về khả năng bị ung thư khi sống dưới mái nhà sử dụng tấm lợp fibro ximăng, TS Hằng phân tích: “Ngay cả với những công nhân tiếp xúc trực tiếp với amiăng trắng hàng ngày, trong suốt hàng chục năm làm việc cũng chưa phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiang trắng. Do vậy, việc quy hết các trường hợp ung thư trung biểu mô ở Việt Nam là do phơi nhiễm với amiang trắng là không khách quan”.

Bà Hằng nhấn mạnh, quy trình thăm khám, được tuân thủ theo quy trình của Bộ Y tế, trong đó có khám sức khỏe toàn diện, đo chức năng hô hấp, chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp phổi, xét nghiệm máu. Khi có kết quả, các chuyên gia đầu ngành về phổi, dịch tễ học… cùng phối hợp để xác định bệnh và hội đồng cùng thống nhất đánh giá, chưa có trường hợp công nhân tại các cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng ami ăngtrắng có nhóm bệnh ung thư phổi, ung thư biểu mô phổi.

Nói về con số 107.000 người chết mỗi năm vì amiăng mà tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng công bố khiến dư luận thực sự lo lắng, bà Hằng chỉ rõ, số liệu đó chưa phân biệt giữa nhóm amiăng màu (amiang amphibole - nâu và xanh) đã bị cấm sử dụng tuyệt đối trên toàn thế giới với amiăng trắng (chrisotyl) được sử dụng trong sản xuất tấm lợp fibro ximăng hiện nay.

Cũng tại buổi hội chẩn đọc phim cuối tháng 10 vừa qua, nói về khuyến cáo gửi lên Chính phủ về việc “cấm” amiăng trắng, PGS.TS Trần Thị Ngọc Lan, chuyên gia cao cấp về bệnh nghề nghiệp - Bộ Y tế chỉ rõ, đây là một chất có khả năng gây ung thư, nếu loại bỏ hoàn toàn được khỏi đời sống là tốt nhất. Tuy nhiên, có rất nhiều chất gây ung thư tồn tại trong môi trường sống mà phải chấp nhận ở ngưỡng nhất định để kiểm soát chứ không thể loại bỏ hết, chẳng hạn như ánh sáng mặt trời, phóng xạ, thuốc lá, cá muối… có thể gây ung thư, nhưng vẫn được sử dụng có nhận thức.

“Amiăng tồn tại trong thiên nhiên và vì thế nên nó có một ngưỡng nhất định trong môi trường. Tuy nhiên, qua theo dõi, chưa có kết luận chắc chắn về bệnh ung thư liên quan đến amiang… chưa có dấu hiệu như một số thông tin nói là gây ung thư nghiêm trọng” - PGS.TS Lan phân tích.

Amiăng tồn tại dưới dạng sợi tự nhiên trên 2/3 bề mặt vỏ trái đất từ hàng nghìn năm qua. Môi trường không khí, đất và nước đã chứa một lượng amiang trắng nhất định. Tuy nhiên, qua theo dõi, chưa có ghi nhận nào về trường hợp mắc ung thư trung biểu mô liên quan đến amiang trắng, và cũng chưa có kết luận khoa học nào về rủi ro nghiêm trọng đến sức khỏe do amiang trắng gây ra.

P.T