Bình Định:

Trưởng công an xã nhờ người đi học để lấy bằng giả

(Dân trí) - Là trưởng công an xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ, Bình Định), ông Đoàn Văn Hoài lại nhờ người đi học, thi để rồi nhận bằng đại học giả. Sự việc gây dư luận không tốt tại địa phương, nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn "lúng túng" trong việc xử lý.

Ngày 17/5, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã yêu cầu UBND xã Mỹ Chánh Tây tổ chức kiểm điểm ông Đoàn Văn Hoài, Trưởng công an xã này vì liên quan đến việc ông Hoài nhờ người đi học để lấy... bằng đại học giả (!).

Thời gian gần đây dư luận địa phương xôn xao về chuyện ông Đoàn Văn Hoài, Trưởng công an xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) đã bỏ tiền tham gia khóa học từ xa, nhưng lấy phải bằng đại học giả. Sự việc này được phát hiện từ năm 2016, chính quyền địa phương đã vào cuộc xác minh, nhưng đến nay ngành chức năng xã huyện, lúng túng trong xử lý.

Bản photo bằng đại học giả mang tên ông Đoàn Văn Hoài
Bản photo bằng đại học giả mang tên ông Đoàn Văn Hoài

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) cho rằng, trước đây ông Đoàn đã giữ chức vụ trưởng công an xã theo Nghị định 09. Tuy nhiên, sau này áp dụng theo Nghị định 92 đối với 7 chức danh chuyên môn phải có trình độ chuyên môn phù hợp mới cơ cấu vào. Riêng đối với trưởng công an xã thì ít nhất phải có bằng trung cấp công an hoặc trung cấp luật, nhưng hiện ông Hoài chưa có. “Cái này liên quan đến đảng viên, công tác cán bộ, cơ cấu, quy hoạch của cả ban thường vụ của xã… Sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo cho đồng chí Bí thư Đảng ủy xã để có hướng chí đạo cụ thể, chứ để lùm xùm mãi cũng không hay” - ông Mỹ nói.

Trong khi đó, ông Đoàn Văn Hoài, Trưởng công an xã Mỹ Chánh Tây thừa nhận sự việc ông nộp tiền nhờ người đi học hộ nhưng chẳng may lấy phải bằng đại học “giả” là có thật.

Theo ông Hoài, năm 2010, ông được một người giới thiệu đi học lớp đào tạo từ xa với hình thức vừa làm, vừa học tại trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chính Minh. Sau khi học xong, ông được cấp bằng Cử nhân luật kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia, ông Hoài không phải dự lớp, dự thi mà chỉ nộp vào 8 triệu đồng tiền học để lấy bằng.

“Hồi đó, họ (người giới thiệu - PV) nói tôi chỉ cần gửi trước 8 triệu đồng thì không cần đi học. Sau khi nộp tiền, tôi phát hiện khóa học này không có thật, nên không đưa tiền nữa. Mãi đến năm 2014, khi cầm tấm bằng đại học đi photo để bổ sung thủ tục vào hồ sơ ngành, tôi mới phát hiện đó là bằng giả, nên tôi đã bỏ đi, chứ chưa nộp vào hồ sơ. Tuy nhiên, không hiểu sao tấm bằng giả photo lại được nhiều người phát tán ra bên ngoài” - ông Hoài cho hay.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho biết: “Tôi đã có công văn chỉ đạo UBND xã thực hiện các bước quy trình kiểm điểm để xử lý kỷ luật đối với ông Hoài. Hiện tại, huyện vẫn chưa đưa ra hình thức xử lý vì chờ xã. Trường hợp của ông Hoài, phải có hình thức kỷ luật, nhưng trước mắt là giao cho xã làm trước 1 bước”.

Theo ông Dũng, đầu tháng 4/2016, dư luận tại địa phương bắt đầu xôn xao “tố” ông Hoài dùng bằng đại học giả. Thời điểm ấy, ông Hoài đang là đại biểu dự kiến ứng cử Hội đồng nhân dân xã Mỹ Chánh Tây. Tuy nhiên, khi kiểm tra hồ sơ ứng cử lại không có bằng giả đó nên không có cơ sở để xử lý. “Hiện nay, khi trả lời báo chí ông Hoài thừa nhận việc “mua” bằng giả thì chúng tôi có sở để xử lý. Mặc dù, ông Hoài chưa sử dụng bằng cho mục đích công chức gì nhưng việc cán bộ đi “mua” bằng là không đúng. Sắp tới, huyện sẽ xử lý nghiêm trường hợp này” - ông Dũng cho hay.

Doãn Công