Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói về 6 sứ mệnh của báo chí giai đoạn mới
(Dân trí) - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, báo chí tác động đến mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống, động cơ của xã hội và các tầng lớp nhân dân, làm thay đổi nhận thức, hành động của tổ chức, cá nhân.
Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Sự kiện có sự tham dự của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cùng hơn 700 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, Chính Phủ, Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các cơ quan báo chí, quản lý báo chí…
Đây là lần thứ 2 trong vòng 6 năm qua, TPHCM đăng cai tổ chức sự kiện rất có ý nghĩa đối với hoạt động báo chí của cả nước.
Báo chí tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực
Trong năm 2022, trước những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo và nhiều rủi ro, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đã đưa ra những mục tiêu, phương hướng cho lĩnh vực báo chí. Trong đó, nền báo chí phải hướng tới và bám sát tính cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Ngoài ra, các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua đã nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh của báo chí trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, hội nghị Trung ương 6 vừa diễn ra cũng bàn về việc vừa ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, vừa phát huy vai trò của nhân tố con người, tức là đội ngũ báo cáo viên, phóng viên đối với hoạt động báo chí.
"Chúng ta có sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, sứ mệnh của dân tộc, sứ mệnh của tuổi trẻ thì sứ mệnh của báo chí cũng rất hệ trọng, cao cả, đã được Đảng giao phó. Toàn bộ hoạt động báo chí đều tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng trên tất cả lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, văn hóa và góp phần xây dựng, bảo vệ tổ quốc, đối ngoại", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa phân tích, hoạt động báo chí sẽ tác động đến mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống, động cơ của xã hội và các tầng lớp nhân dân. Báo chí cũng có thể làm thay đổi nhận thức, hành động của từng tổ chức, cá nhân.
Sứ mệnh đầu tiên được Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề cập là việc định hướng dư luận. Đây là điều được phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Báo chí là một trong những lực lượng tiên phong, đi đầu, giúp tạo ra sự đồng thuận cao ở nhiều lĩnh vực.
Sứ mệnh tiếp theo là báo chí cần trở về với thực tiễn, phản ánh thực tiễn toàn diện, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, báo chí cần đi vào những điểm mới, điểm khó, vùng sâu vùng xa để đồng hành cùng nhân dân, dân tộc.
"Sắp tới, hội nghị của Trung ương và kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ tập trung bàn về các vấn đề lớn, trọng tâm, trọng điểm như quy hoạch quốc gia, các vấn đề liên quan đất đai, các chiến lược chính sách lớn. Báo chí cần tiếp tục bám sát thực tiễn đối với các vấn đề này", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ.
Ngoài ra, lực lượng báo chí cần tập trung việc phát huy dân chủ, gắn với trách nhiệm, kỷ cương để luôn đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích quốc gia, vì lẽ sống cao cả. Báo chí cần hướng tới văn hóa, hướng tới chân - thiện - mỹ, tôn vinh sáng tạo của nhân dân trong thời kỳ mới và khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.
Trong sứ mệnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ phản biện xã hội, các cơ quan báo chí cần phản biện đúng thực tiễn để đưa đường lối đi vào thực tế, khắc phục điểm nghẽn, giúp ý Đảng gần lại với lòng dân.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh đến sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên tất cả lĩnh vực. Bên cạnh đó, báo chí cần là lực lượng đồng hành và tiên phong trong nhiệm vụ tuyên truyền thông tin đối ngoại.
Đồng hành cùng an sinh xã hội là lợi thế của báo chí
Trong số các nhiệm vụ được đề ra nhằm hướng tới các sứ mệnh cao cả của báo chí, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhắc tới việc báo chí cần đồng hành cùng công tác an sinh xã hội. Đây là điều cần thiết để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường.
"Tính ưu việt, cao cả của chế độ ta là đồng hành với an sinh xã hội. Đây là lợi thế của báo chí mà chúng ta đã làm tốt. Tôi biết nhiều cơ quan báo chí đã quan tâm, đồng hành với công tác an sinh xã hội bằng cách tặng cờ Tổ quốc, ủng hộ tiền cho nhân dân ở biển đảo, biên giới, chung tay chăm sóc người nghèo, bệnh nhân Covid-19", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói và đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng mong muốn ngành báo chí cần sớm hình thành đề án tổng thể kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đề án cần hướng tới những mục tiêu cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng nhân văn, hiện đại chứ không dừng lại ở một đề án mang tính chất kỷ niệm thông thường.
Trong đó, đề án phải có tầm nhìn, xem xét lại lịch sử 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam và thể hiện trách nhiệm của báo chí hiện tại và gửi gắm gì cho mai sau. Đề án cần hướng tới mục tiêu tổng thể là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách viết báo của Bác Hồ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị các cơ quan cần sớm tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, băn khoăn trong việc quy hoạch, quản lý, phát triển báo chí. Việc này cần gắn với thực hiện Nghị quyết của Trung ương về xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
"Ví dụ một tỉnh 300.000 dân, 400.000 dân với tỉnh 1 triệu dân hay mười mấy triệu dân như Hà Nội và TPHCM thì nền báo chí ra sao, không thể đánh đồng. Chúng ta cần tính toán nhiều điểm, từ đó sơ kết, đánh giá, gắn với thực hiện tốt đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí", ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác được đại diện các cơ quan báo chí đề cập nhiều lần là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực báo chí. Ông Trương Trọng Nghĩa nhận định, đây là vấn đề "trên dưới đã đồng lòng" khi được nhất trí cao từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo cùng các cơ quan báo chí. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các bên cần thực hiện khẩn trương vấn đề này.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương liệt kê 3 nguồn lực chính để phát triển báo chí trong giai đoạn hiện nay là con người, ứng dụng công nghệ và tài chính. Đây là những nguồn lực cần đồng hành, lan tỏa, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần tập trung việc xây dựng các tổ chức Đảng. Ông Nghĩa nhấn mạnh, tinh thần chung là lĩnh vực nào cũng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và việc chấp hành pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Báo chí và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan quản lý, cơ quản chỉ đạo.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị nền báo chí cần làm trong sạch bộ máy, đặc biệt các tờ báo lớn, có uy tín cần đặc biệt lưu ý. Trong vấn đề này, địa phương, quần chúng, các phóng viên chân chính cần phát huy vai trò để phát hiện, đấu tranh nhằm loại bỏ những trường hợp lợi dụng báo chí, danh nghĩa báo chí để làm những việc vi phạm pháp luật, đạo đức nghề báo.