Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Việt Nam luôn hoan nghênh nhà đầu tư EU
(Dân trí) - Chiều 7/4, tại Hà Nội, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp và làm việc với ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện Châu Âu. Tham gia buổi làm việc có Ngài Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, hai bên đã cùng nhau trao đổi về chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; việc đàm phán đang diễn ra, khả năng kết thúc đàm phán sắp tới và việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Quang cảnh buổi tiếp Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện Châu Âu
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, trong thời gian qua, quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và EU phát triển rất tốt đẹp, trong đó, hợp tác thương mại - đầu tư là lĩnh vực nổi bật với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA) đã được ký kết, việc hai bên ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) sẽ là cột mốc quan trọng, đưa quan hệ hai bên lên một tầm cao mới. Trên cơ sở đó, “khẳng định Việt Nam luôn hoan nghênh các nhà đầu tư, doanh nghiệp EU trong những lĩnh vực mà EU có lợi ích thực sự và sẵn sàng dành cho EU cam kết thuận lợi nhất có thể. Việt Nam dành ưu tiên cao nhất cho đàm phán Hiệp định EVFTA và tin tưởng một Hiệp định FTA toàn diện, cân bằng và chất lượng cao sẽ mang lại lợi ích thiết thực nhất cho doanh nghiệp và người dân hai bên”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh .
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tiếp Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện Châu Âu
Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện Châu Âu Bernd Lange cảm ơn Ban Kinh tế Trung ương đã dành thời gian tiếp. Chuyến thăm và làm việc của Đoàn có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là diễn ra trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cũng như đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Nhấn mạnh vai trò của Nghị viện Châu Âu với việc quyết định nói “có” hay “không” với EVFTA, ông Bernd Lange đánh giá qua các vòng đàm phán gần đây cho thấy tiến triển hết sức tích cực. “Tôi tin tưởng rằng Việt Nam sớm có một lộ trình cải cách tích cực trong nền kinh tế để có thế kết thúc EVFTA, một Hiệp định toàn diện, mang lại những lợi ích to lớn cho cả hai bên”, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế nói.
Đánh giá cao kết quả các vòng đàm phán gần đây, ông Bernd Lange khẳng định EU luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam, vì vậy Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện Châu Âu sẽ hết sức lưu ý đến các đề nghị của Việt Nam, trong đó có việc EU tích cực xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam cũng như sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA). Ông bày tỏ tin tưởng FTA giữa EU và Việt Nam sẽ sớm được ký kết vì Hiệp định này là một Hiệp định toàn diện, mang lại những lợi ích to lớn cho cả hai bên, là cơ sở để EU và Việt Nam hợp tác sâu rộng và hiệu quả. Ông Bernd Lange đánh giá cao những cam kết và lộ trình rõ ràng mà Việt Nam đưa ra trong quá trình đàm phán và triển khai Hiệp định này sau khi được ký kết và phê chuẩn.
Tiến trình đàm phán EUFTA - Tháng 10 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đã tuyên bố sẽ khởi động đàm phán với Liên minh Châu Âu sau khi hoàn tất các công việc chuẩn bị. - Ngày 26 tháng 6 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Cao Ủy Thương mại EU Karel De Gucht đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Hai bên thống nhất EVFTA sẽ là một Hiệp định toàn diện, tiêu chuẩn cao, cân bằng phù hợp với các quy định của WTO và đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và EU. - Ngày 13 tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ba-rô-sô đã có buổi hội đàm thống nhất các định hướng lớn để kết thúc đàm phán EVFTA. - Đến nay, Việt Nam và EU đã hoàn tất 12 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên giữa kỳ. Phiên đàm phán 12 vừa diễn ra từ ngày 23-27 tháng 3 năm 2015 tại Hà Nội |
Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện Châu Âu (EP) là một cơ quan quan trọng của EP, có trách nhiệm giám sát các chính sách ngoại thương của EU, bao gồm cả việc ký kết và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác bên ngoài, trong đó có Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) |
Thanh Liêm