1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Trong xử lí tham nhũng, đừng để... mất tất”

(Dân trí) - “Mục đích chính trong xử lý tham nhũng là thu hồi lại tài sản. Nếu đưa ra hình phạt hình sự thật nặng mà không tạo điều kiện cho người ta khắc phục sai phạm thì đồng nghĩa với việc mình mất tất”, Tổng Thanh tra Chính phủ, Trần Văn Truyền trả lời phỏng vấn.

Thưa ông, báo cáo của Chính phủ nhận xét, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra tham nhũng là tương đối tốt, nhưng báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, vẫn còn sự né tránh, chưa quyết liệt?

So sánh với những năm trước đây, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu có chuyển biến hơn, xử lý rõ hơn. Trước đây xử ít hơn và chủ yếu là xử lí hành chính rất nhẹ nhàng, giờ nhiều hơn và năm nay đã có trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.

Quốc hội đánh giá còn né tránh là vì xem xét một số sự việc cụ thể, xử lý chưa đúng độ, chưa đủ liều lượng. Còn đánh giá chung của Chính phủ thì thấy có sự tiến bộ hơn, thể hiện sự chuyển biến rõ nét hơn.

Vậy ông đánh giá thế nào về việc xử mức án treo quá nhiều trong các vụ án tham nhũng (37%) và điều này có mâu thuẫn với quyết tâm chống tham nhũng?

Nguyên tắc luật của ta là vi phạm đến đâu xử đến đó, mức độ nghiêm trọng của tội phạm đến đâu, đưa ra hình phạt tương ứng đến đó. Vừa qua ta xử phần lớn các đối tượng là người ở cấp thực hành, trong đó có nhiều cán bộ ở cấp phường xã, quản lý dự án cụ thể nên mức độ của vi phạm rất nhỏ.

Thứ 2, trong pháp luật hình sự của ta có đưa ra những yếu tố để xem xét giảm nhẹ hình phạt như tự giác báo cáo để nộp lại tài sản đã vi phạm hoặc xét đến nhân thân cũng có cân nhắc để lượng hình cho phù hợp.
 
“Trong xử lí tham nhũng, đừng để... mất tất” - 1
Tổng Thanh tra Chính phủ, Trần Văn Truyền

Trong xử lý tham nhũng, mục đích chính là làm sao thu hồi lại tài sản đã bị chiếm đoạt. Nếu đưa ra hình phạt hình sự thật nặng mà không tạo điều kiện cho người ta khắc phục sai phạm thì đồng nghĩa với việc mình mất tất.

Khi người ta nhận ra lỗi lầm và chấp nhận nộp lại, ta cũng có thể xem đó là một yếu tố để có thể cân nhắc…

Là người đứng đầu cơ quan chủ trì, tham mưu cho Chính phủ trong đề án quà biếu, quà tặng nộp lại, ông đánh giá thế nào về việc có hơn 200 cán bộ nộp lại quà biếu với tổng số tiền là hơn 60 triệu đồng? Con số này phản ánh điều gì?

Ở góc độ trợ giúp cho Chính phủ quản lý việc này, tôi cũng xem kết quả trên là một bước tiến bộ, bởi trước đây rất khó tập hợp được con số. Nay tập hợp được thì tôi cũng nghĩ, một là địa phương đã quan tâm, hai là những người liên quan đến lĩnh vực này cũng đã thấy rõ trách nhiệm phải báo cáo, nộp lại quà tặng.

Con số này có thể chưa đúng với thực tế nhưng dù sao đi nữa cũng đã thấy một điều là có sự chuyển biến ý thức của một bộ phận cán bộ công chức là phải nộp lại quà tặng... Sau này ta tiếp tục xem xét để có biện pháp thúc đẩy, đánh giá thêm.

Theo ông, con số này phản ánh bao nhiêu phần trăm thực tế?

Tôi vẫn nói chưa phản ánh được thực tế vì đương nhiên có một số người họ chưa báo cáo, chưa nộp lại. Nhưng thực tế là bao nhiêu thì tôi cũng chưa có thước nào đo được.

Cho đến thời điểm này, một số vụ án như PMU18, PCI  phần còn lại là về mảng tham nhũng. Vậy, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đốc thúc việc này thế nào?

Vụ PMU18 cũng đã tiếp tục xử mảng tiếp theo. Quá trình xét xử cũng chỉ còn vài trục trặc về mặt kỹ thuật thôi chứ nội dung vụ án cũng đã được đưa ra, đã truy tố, truy xét trách nhiệm của những người liên quan trong quản lý.

Nhưng như tôi đã nói, vụ án này là một loại án phức tạp, gồm nhiều mảng, nhiều người, có nhiều hành vi tội phạm nên phải phân ra để tiến hành điều tra. Vấn đề nào rõ rồi thì xử vấn đề đó, còn lại phải tiếp tục điều tra.
 
Còn vụ PCI, thưa ông?

Vụ PCI, khởi tố trước nhất để xử lý trách nhiệm về việc lạm dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, từ đó có động cơ vụ lợi, tức cũng có dấu hiệu tham nhũng. Còn phần liên đới với nước ngoài phải chờ tiến hành điều tra riêng vì đây là lĩnh vực khác mà phía Nhật Bản cung cấp rất nhiều tài liệu.

Ta chưa có điều kiện để tiến hành nhanh việc dịch thuật tài liệu này, kể cả thuê chuyên gia. Nhưng đến nay cơ bản đã dịch thuật xong. Các cơ quan chức năng còn phải xem xét để tiến hành khai thác các yếu tố có dấu hiệu phạm tội trong đó. Nguyên tắc của Luật hình sự Việt Nam là phải tìm cho được chứng cứ.

Còn tài liệu phía bên kia lấy từ nguồn là lời khai báo của nhân viên phía họ. Tuy nhiên, họ chỉ khai với cơ quan chức năng của họ là có đưa tiền, nhưng chứng cứ của việc đưa tiền này ở đâu, đưa cho ai, đưa như thế nào thì phải điều tra rõ ràng chứ không thể chỉ dựa vào lời khai báo của họ rồi kết luận phía bên mình là có nhận.

Chứng cứ là điều kiện bắt buộc phải có trong kết luận của pháp luật hình sự Việt Nam. Vậy nên dù thực tế họ có khai trước các cơ quan điều tra của họ là như thế nhưng chưa có chứng cứ, ta chưa thể kết luận được.

Thưa ông, trong vụ PCI ngoài vấn đề tài liệu nước ngoài thì tiến độ điều tra của cơ quan điều tra trong nước như thế nào?

Thời gian qua các cơ quan vẫn tập trung vào việc dịch thuật tài liệu bởi vì người ta cung cấp tài liệu, phải dịch thuật thì mới tiến hành các bước tiếp theo được.

Nhưng trên cơ sở đó, chúng ta có tiến hành thu thập những chứng cứ từ phía mình…?

Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này bởi vì đó là việc của cơ quan điều tra. Theo nguyên tắc, trong quá trình điều tra người ta không tiết lộ tất cả những thông tin đó.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)