Trồng cây “chạy” đền bù
Khi nhà nước triển khai các dự án phải thu hồi đất, người dân lại tranh thủ trồng cây, sửa nhà, xây nhà… để đòi tiền đền bù. Chuyện “bi hài” đó đã và đang diễn ra khá phổ biến ở Quảng Ninh.
Từng có câu chuyện “cười ra nước mắt”: ở một huyện miền núi nọ, khi được tin nhà nước làm đường quốc lộ qua làng và ngày mai cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm đếm cây trồng để đền bù, thế là chỉ sau một đêm quanh khu vực dự án bỗng mọc lên những vườn cây ăn quả lâu niên trên vùng đất vốn trước toàn sỏi đá. Nhưng không như thông tin ban đầu mà mãi đến một tuần sau cán bộ kiểm đếm mới xuất hiện, vậy là ôi thôi những vườn cây ăn quả đồng loạt rụng lá héo rũ. Khỏi phải nói cũng hiểu vì sao cây lại “lăn đùng” ra chết, báo hại cho khổ chủ “tiền mất tật mang” vì mua cây giống, thuê người trồng cuối cùng vẫn phải chịu tiếng gian, mà không thu được đồng đền bù nào.
Dự án mở rộng kho xăng dầu K130 vẫn chưa được triển khai do người dân khiếu nại đền bù chưa thoả đáng.
Gần đây, khi Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K130 (Công ty Xăng dầu B12) thực hiện Dự án mở rộng kho xăng dầu 130 tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác GPMB và kiểm đếm cây trồng. Ông Đỗ Phúc Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật dự án của Xí nghiệp kể: Khu vực dự án của Xí nghiệp vốn là đất trồng rau, trồng lúa được giao khoán cho các xã viên HTX Việt Thắng, phường Hà Khẩu. Từ nhiều năm trước các xã viên HTX Việt Thắng cũng không canh tác mấy, phần lớn là đất bỏ hoang. Nhưng khi biết tin Xí nghiệp mở rộng kho xăng dầu và Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố chuẩn bị kiểm đếm cây trồng, hoa màu ngay lập tức nhiều hộ dân đã tranh thủ trồng hoa và cây lâm nghiệp với mật độ dày đặc và đòi số tiền đền bù với giá không thể chấp nhận được. Thậm chí nhiều người còn thuê cả cơ sở, dịch vụ trồng cây cảnh đem các chậu ươm cây tùng la hán về để kín diện tích bị thu hồi để đòi đền bù, hỗ trợ di chuyển. Nhưng vì không nắm được quy định, chính sách của Nhà nước nên một số hộ dân đã bị “hớ” vì giá thuê cây cao hơn giá hỗ trợ di dời. Khi không được thoả mãn theo yêu cầu, nhiều hộ dân đã làm đơn khiếu nại việc đền bù cây hoa chưa đúng mật độ quy định, khiến cho tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng.
Mới đây tại phường Quang Hanh, TX Cẩm Phả, chủ đầu tư triển khai dự án Khu dân cư đô thị phía Nam đường 18A - Km8, phường Quang Hanh đã bị một số hộ dân ở khu 3, khu 4, phường Quang Hanh (Cẩm Phả) kiến nghị về đền bù các loại cây trồng không thoả đáng. Qua tìm hiểu vụ việc chúng tôi được biết đây vốn là khu đất nông nghiệp, theo hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp năm 2008 và các năm trước đó giữa HTX nông nghiệp Quang Hanh và các xã viên đã xác định rõ loại đất giao khoán là đất trồng lúa, trồng màu, không giao cho mục đích khác, hiện tại chỉ được sử dụng để giâm, ươm tạm thời cây lâm nghiệp chứ không phải là vườn ươm cây lâm nghiệp.
Theo quy định của ngành Lâm nghiệp, cự ly giãn cách khi ra ngôi đối với các loại cây trên có chiều cao hơn 1m thì khoảng cách từ cây nọ đến cây kia phải từ 1,2-1,5m; cây có chiều cao dưới 50cm thì cự ly cây ra ngôi trên luống tối thiểu phải đạt 0,5-0,7m. Rõ ràng đất ở đây được quy định là trồng cây nông nghiệp, nhưng khi biết nhà nước chuẩn bị thực hiện dự án, một số hộ dân đã cố tình trồng cây lâm nghiệp sai quy định với mật độ dày đặc để đòi đền bù. Theo các cán bộ của Trung tâm phát triển Quỹ đất Cẩm Phả mô tả, khi kiểm đếm cứ 1m2 có tới 117 cây, với mật độ này thì phải gọi là “vãi mạ” chứ không phải là trồng cây nữa.
Tình trạng người dân trồng cây để “chạy” đền bù hiện khá phổ biến ở hầu hết các dự án có liên quan đến thu hồi đất, khiến cho công tác GPMB của nhiều dự án bị đình trệ, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để chấm dứt tình trạng trên các cơ quan chức năng khi làm công tác GPMB cần phải tuân thủ chặt chẽ những quy định của nhà nước, những trường hợp trồng cây sai mục đích, sai quy định cương quyết không đền bù, thậm chí còn phạt những người cố tình lợi dụng trồng cây để đòi đền bù, có như vậy mới chấm dứt được cảnh trồng cây “chạy” đền bù như hiện nay.
Theo Đặng Nhung
Báo Quảng Ninh