1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trọn một lời thề

(Dân trí) - Yêu nhau, dù đến cả cái nắm tay cũng chưa dám nhưng đằng đẵng bao nhiêu năm trời, bà vẫn đợi người lính ấy trở về. Bà bảo, lời thề với lính thiêng liêng lắm. Ông tin bà nên bà không thể phụ ông.


Tình yêu trên đường ra trận

Ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể Nhà máy điện Vinh được bà Nguyễn Thị Thanh Mai (SN 1947, trú phường Trường Thi, Tp Vinh, Nghệ An) mua lại của một người khác. Hơn 20 năm qua, bà sống thui thủi một mình trong gian nhà đã xuống cấp tứ bề. Bà bảo, đến cái tuổi này, chẳng còn sợ gì nữa, chỉ sợ, một sáng mai nào đó bà không thức dậy được nữa mà không ai biết. Nhưng đó là chuyện của ngày mai, còn bây giờ, bà không cô đơn. Bà đã có ông ở bên cạnh sau mấy mươi năm chia xa.

Năm 1967, 20 tuổi, cô gái xinh đẹp Nguyễn Thị Thanh Mai (quê xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) gia nhập đội nữ dân quân, bảo vệ xóm làng. Cũng trong năm đó, một đơn vị bộ đội dừng chân ở quê Mai luyện tập để bổ sung vào chiến trường miền Nam. Các anh bộ đội còn trẻ lắm, cũng mười tám đôi mươi như Mai cả. Trong nhóm chiến sỹ trẻ ở nhờ nhà Mai có Phạm Khắc Vũ (SN 1945, quê Liên Sơn, Kim Bảng, Hà Nam).

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai nay đã gần 80 tuổi...
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai nay đã gần 80 tuổi...

Cô nữ dân quân và anh lính công binh sớm nảy nở tinh yêu đôi lứa. “Ngày đó tình yêu trong sáng lắm. Hai người yêu nhau mà không dám nói, không dám cả cầm tay. Đang nói chuyện với nhau mà các anh lính khác vào trêu là ú té chạy vì xấu hổ. Anh sang nhà hàng xóm chơi tôi cũng nhớ quay quắt nên sang tìm. Mà hình như người ta nói, yêu nhau thì có linh tính với nhau. Tôi vừa bước ra sân thì anh ấy về, bảo nhớ quá. Tình yêu đầu đời nó đẹp đẽ, thủy chung, son sắt lắm con ạ”, bà cười ngượng ngùng như thủa còn con gái.

Tình yêu của hai người cứ như cây bén rễ vào đất. Anh Vũ biên thư về gia đình, kể về cô người yêu đẹp người đẹp nết. Mai cũng vững tin hơn trong tình yêu khi bố mẹ hai bên đều biết và vun vén cho tình cảm hai người. Một ngày giáp Tết Mậu Thân, đơn vị của Vũ được lệnh hành quân gấp vào chiến trường.

“Trước khi đi, anh ấy đưa cho tôi một chiếc nhẫn khắc hình trái tim và một chiếc lược khắc hai con chim bồ câu quấn quýt. Cả hai thứ đó đều gò bằng mảnh máy bay. Anh Vũ bảo, kỳ này anh ra đi, không biết đến bao giờ mới trở về. Hai vật này sẽ là vật đính ước giữa hai người. Mang nhẫn vào tay cho tôi, anh ấy nói “Đợi anh về em nhé. Ngày chiến thắng, anh sẽ về”. Tôi tặng anh ấy chiếc khăn mùi xoa rồi trả lời: “Anh đi mạnh giỏi, chiến đấu tốt. Em sẽ đợi anh về”. Anh ấy ra đi rồi không bao giờ quay trở về nữa…”, bà khóc, giọt nước mắt đau đớn đến tận cùng.

Và nỗi đau gần nửa thế kỷ vò võ chờ chồng đi chiến trận không về.
Và nỗi đau gần nửa thế kỷ vò võ chờ "chồng" đi chiến trận không về.

Ông vào trận chiến nhưng chưa bao giờ nguôi tình cảm nhớ nhung gửi về hậu phương qua những cánh thư. Đến cuối năm 1969 thì bà không còn nhận được thư của người yêu nữa. Một dự cảm không lành nhưng bà vẫn cố động viên mình chắc tại ông bận chiến đấu hoặc thư từ thất lạc. Rồi chiến tranh kết thúc, bao nhiêu người lính đã trở về nhưng người yêu của bà vẫn không thấy quay lại thực hiện lời hứa năm xưa. Bà chết lặng khi biết, ông đã hi sinh ở chiến trường khu 5 từ năm 1969.

Em vẫn chờ, vẫn đợi…

Chia tay ông lên đường ra trận được 2 năm thì bà cũng ra Bắc theo học một lớp về giao thông. Ngày ấy, bà cao ráo, xinh đẹp nên bao nhiêu “vệ tinh” vây quanh. Bao nhiêu người đã đến nhưng bà đều lắc đầu từ chối bởi lời thề với người lính Phan Khắc Vũ. Rồi đến khi biết ông không bao giờ trở về nữa, tuổi cũng không còn ít, bao nhiêu người khuyên bà nên tìm một chỗ dựa, bà chỉ biết khóc thầm.

“Cũng có khi tôi nghĩ mình phải lấy chồng để còn có chỗ nương tựa khi về già nhưng mỗi lần định đến với ai đó lại nhìn thấy ánh mắt hờn giận của anh. Anh về trong giấc mơ, trách móc sao lại không giữ lời thề. Tôi thấy có lỗi với anh ghê gớm. Anh đã tin tưởng và yêu thương mình đến thế, sao mình có thể phụ được anh?”, giọng bà xa xăm như đang nói với ai đó chứ không phải trò chuyện với chúng tôi.

Người lính ấy ra trận với lời hẹn ước: Đợi anh về em nhé, ngày chiến thắng anh sẽ về.
Người lính ấy ra trận với lời hẹn ước: "Đợi anh về em nhé, ngày chiến thắng anh sẽ về".

Bà quyết định không bao giờ lấy chồng. Bà không muốn ông phải buồn. Bà không muốn lời thề nguyện bị phai nhạt. Gần nửa thế kỷ trôi qua, bà sống âm thầm, lặng lẽ với tình yêu nguyên vẹn của mình. Bà lập bàn thờ ông trong căn nhà nhỏ của mình. Ông đã về, không phải bằng hình hài mà bằng sương khói. Dẫu vậy, với bà đó là cả một niềm an ủi lớn lao. Dù chưa thành vợ, thành chồng nhưng bà tự xem mình như người vợ của ông. Ngày lễ, ngày Tết, ngày thống nhất non sông, ngày thương binh, liệt sỹ, bà lại thắp hương lên bàn thờ ông, cứ thế ngồi rì rầm nói chuyện với ông như thể ông đang ngồi bên cạnh.

“Nếu ngày ấy chúng tôi kịp làm đám cưới trước khi anh lên đường thì biết đâu giờ tôi đã có một đứa con để nương tựa. Làm người phụ nữ, ai không mong có người đàn ông của mình bên cạnh, để được yêu thương, để được hờn giận thậm chí là để được cãi giận, để được đánh đòn con...”, bà bật khóc. Giọt nước mắt tủi phận chảy dài.

Người lính ấy ra trận với lời hẹn ước: Đợi anh về em nhé, ngày chiến thắng anh sẽ về.
Nhưng ông không trở về để thực hiện lời ước nguyện. Bà lập bàn thờ ông và tự nhận mình là người vợ thờ chồng.

Bao nhiêu đêm, trong giấc mơ, ông về hàn huyên với bà. Tỉnh dậy, bà chỉ biết khóc. Chiếc giường rộng trở nên quạnh quẽ khi chỉ có một chiếc gối. Bao nhiêu lần bà khóc, bao nhiêu lần bà trách cứ ông không về, để bà cô quạnh giữa đời. Khóc rồi, lau nước mắt lại thấy nỗi đau lớn hơn gấp vạn lần. Bà thương ông bao nhiêu thì cũng tủi phận mình bấy nhiêu…

Tấm ảnh duy nhất của ông, trải qua bao nhiêu năm trời, ngấm không biết bao nhiêu nước mắt của bà nên không còn rõ nét. Tấm ảnh duy nhất của ông được bà phục chế làm ảnh thờ. Hai kỷ vật của ông trước khi lên đường, qua năm tháng chiến tranh, qua mấy lần chuyển nhà bà đã làm thất lạc, không còn giữ được nữa. Nhưng tình yêu của ông vẫn vẹn nguyên trong bà, không có gì thay đổi được.

Sau chiến tranh, bà tìm về quê ông ở Hà Nam. Ngoài đó chỉ có mộ gió của ông vì xương cốt của ông vẫn chưa tìm được. Bao nhiêu tiền tích trữ cả đời, bà dốc hết đi tìm ông. “Bà tìm được ông rồi con ạ, bà xây nhà mới cho ông, gắn cả tên lên nữa. Tối đó ông về, cứ ngắm mãi nhà mới bà xây cho ông” - bà cười, nụ cười mãn nguyện.

Gần 50 năm, người phụ nữ này đã giữ trọn lời thề với người lính trước ngày ra trận.
Gần 50 năm, người phụ nữ này đã giữ trọn lời thề với người lính trước ngày ra trận.

Sống mũi tôi chợt cay cay. Nơi bà tìm được ông không phải là nơi ông hi sinh như trong giấy báo tử bởi bà phải nhờ đến nhà ngoại cảm. Nhưng điều đó cũng chẳng còn quan trọng nữa, miễn là trong lòng bà, ông đã về…

Hoàng Lam