1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Trốn công sở đi sắm Tết

Mới 15 giờ chiều 24/1, nhưng Hạnh, nhân viên một Cục thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã lục tục khăn gói ra về. Lườm trước lườm sau xem có sếp nào để ý, Hạnh và một chị cùng phòng nhanh nhảu phóng xe đi mất.

Bình thường, Hạnh được tiếng là chăm chỉ, thường xuyên đến sớm lấy báo và dọn phòng. Nhưng Tết này, vì là dâu mới, có quá nhiều thứ phải lo, nào là mua quà biếu mẹ đẻ, mẹ chồng, rồi thực phẩm cho 3 ngày Tết nên mấy hôm nay Hạnh cứ thấp thỏm chờ lương thưởng để đi mua sắm. Cũng may, cơ quan nằm ngay trung tâm thủ đô, Hạnh chỉ tranh thủ đi khoảng 2 tiếng là sắm đủ.

Cùng trốn khỏi phòng với Hạnh còn có chị Dung. Thực phẩm ngày Tết, rồi quà cho đằng nội, đằng ngoại, chị Dung đã sắm từ chủ nhật. Điều khiến chị thấp thỏm, muốn trốn sếp về sớm là phải đi Tết thày cô chủ nhiệm của 2 đứa con. "Không đi không được, nếu đi buổi tối thì e khó tìm đường. Thôi đành tranh thủ cuối năm, công việc hành chính chẳng có gì, để đến thẳng trường học", chị Dung tâm sự.

Không chỉ cánh phụ nữ bớt xén 8 tiếng vàng ngọc của cơ quan đi lễ Tết, cánh đàn ông cũng trốn. Anh Tùng, cán bộ Học viện hành chính cho hay, sáng 24/1 cũng đã tranh thủ dạo một vòng thị trường. "Hai vợ chồng có rất nhiều người cần biếu quà, nhưng đến giờ này vẫn chưa mua được gì. Không nhanh chân thì mấy hôm nữa ôm toàn đồ dởm", anh Tùng giải thích cho lý do trốn một tiếng rưỡi để đi mua 5 túi quà. Mua xong, sợ mang về cơ quan sếp trông thấy, anh Tùng gửi nhờ tại một quán cà phê quen biết, chiều tạt qua lấy.

Tình trạng nửa cuối buổi chiều các công sở vắng tanh vì nhân viên tấp tểnh đi mua sắm Tết hoặc biếu quà, là khá phổ biến. Đó cũng là lý do khiến các siêu thị, trung tâm thương mại đông nghịt khách. Các tuyến đường trung tâm như Hàng Bài, Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng... luôn trong tình trạng ùn tắc. Thậm chí, mới 10h sáng 24/1, song nhà để xe với sức chứa 3.000 chiếc của siêu thị BigC đã bị xe máy, xe đạp choán hết 2/3 diện tích.

Trong siêu thị BigC, ngoài những bà, cô ở nhà nội trợ thì thấp thoáng có cả công chức văn phòng. Đặc điểm của họ là ăn mặc rất chỉnh tề và mua rất nhanh. Vào đến siêu thị là họ xông thẳng tới quầy hàng cần mua, chứ không dạo lòng vòng. "Thực sự cũng muốn dạo xem hàng lắm, nhưng chỉ nhờ người khác làm hộ có một tiếng, nên phải mua thật nhanh", chị Hoài, nhân viên hành chính một Trung tâm nghiên cứu ở Hà Nội, vừa dứt lời đã chạy vội sang quầy mứt Tết.

Việc nhân viên cắt xén thời gian làm việc để đi lễ Tết không phải lãnh đạo cơ quan không biết, nhưng đa số cho qua. Có nhiều lý do, một phần vì nhiều công sở đã khoán đầu việc cho nhân viên, không quản lý khắt khe giờ làm việc. Một lý do nữa, theo giải thích của Phó phòng tuyên truyền, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, ông Cao Nhất Phiến, thì Tết tính theo âm lịch là cuối năm, nhưng dương lịch lại đầu năm. Các cơ quan hành chính thường bận rộn vào cuối năm dương lịch, phải hoàn tất các báo cáo để còn tổng kết, quyết toán. Dịp Tết Nguyên đán chỉ là bắt đầu triển khai các kế hoạch của năm mới nên không khắt khe về thời gian.

Và một lý do muôn thuở, song lại rất dễ được các sếp chấp nhận khi nhân viên tranh thủ tạt đi mua sắm hoặc lễ Tết, đó là cả năm có mỗi ngày Tết, cũng phải để cho nhân viên hoàn thành nghĩa vụ với gia đình. "Nếu gia đình không vui, nhất là trong ngày đầu xuân thì họ cũng không thể làm việc tốt", một sếp phân trần. Tuy nhiên, vẫn sếp này cho rằng, với các công việc đòi hỏi sự có mặt thường xuyên của nhân viên (tất nhiên là 8 tiếng hành chính) như văn thư, thủ quỹ, kế toán thì không thể trốn. Nếu trốn cũng dễ bị phát hiện và nhắc nhở. Nếu vi phạm nhiều lần có thể bị xem xét, cuối năm xếp loại kém, tiền thưởng bị cắt giảm.

Theo Hồng Khánh
VnExpress