1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Trở về sau 28 năm mất tích

Sau 28 năm “làm” liệt sĩ, anh Hải đột ngột trở về tìm lại gia đình. Người anh cả yêu cầu anh cởi áo ra để xem vết sẹo trên vai trái do anh em đánh nhau lúc nhỏ, và vết sẹo đã chứng minh anh Hải còn sống.

Năm 1980, anh Nguyễn Thanh Hải, SN 1962, ngụ xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo - Tiền Giang, lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Trong một trận đánh, tiểu đoàn của anh Hải hy sinh rất nhiều. Sau nhiều tháng đợi chờ nhưng vô vọng, nhiều người bạn đã viết thư về gia đình Hải báo tin anh đã hy sinh trong trận đánh đó. Họ còn cho biết anh Hải đã bị sụp hầm rồi mất tích, khó có khả năng sống sót.

 

Cho đến ngày quân tình nguyện VN về nước, vẫn không có tin tức gì về anh Hải. Nhiều đồng đội của Hải lại tìm đến gia đình, xác nhận Hải đã hy sinh. Từ ngày đó, bà Phạm Thị Huyện, mẹ anh Hải, lập bàn thờ con. Cứ vào ngày 26/9 hằng năm - ngày mà một người anh của Hải mất - bà lại cúng cơm cả hai anh em vì cho rằng Hải đã hy sinh.

 

Đến năm 2002, anh Hải chính thức được công nhận liệt sĩ. Từ đó đến nay, hằng tháng mẹ anh Hải được trợ cấp tiền chế độ liệt sĩ đối với anh Hải.

 

“Má ơi, con nè!”

 

Đúng 15 giờ ngày 14/1, một người đàn ông dẫn theo một phụ nữ cùng 2 cháu bé nhiều lần đi qua đi lại khu vực ấp Thạnh Hòa, xã An Thạnh Thủy, hỏi tìm nhà bà Huyện. Đó chính là anh Hải. Nhiều người dân ở xóm không còn nhận ra anh.

 

Đến nhà bà Huyện, anh cất tiếng kêu lớn: “Có ai trong nhà không?”. Từ sau bếp, bà Huyện bước lên, nhưng cũng chưa nhận ra con mình. Anh Hải kêu toáng lên: “Má ơi, con, Hải nè!”. Người mẹ già vẫn bán tín bán nghi vì lâu nay cứ đinh ninh con mình đã chết. Hàng chục người hàng xóm cũng không tin rằng anh Hải còn sống trở về.

 

Ông Nguyễn Văn Nhơn, anh cả của anh Hải, cũng không dám tin rằng em mình còn sống. Mãi đến khi ông yêu cầu anh Hải cởi áo ra để xem vết sẹo trên vai trái mà lúc nhỏ hai anh em đánh nhau để lại, cả nhà mới ôm nhau òa khóc.

 

Anh Hải cho biết, đơn vị của anh đóng quân tỉnh Kokong - Campuchia. Năm 1984, trong một trận đánh ở đồi 336, tiểu đoàn của anh đi trước để mở đường thì chẳng may bị sụp hầm. Anh Hải cũng bị sụp hầm bất tỉnh. Đến khi tỉnh lại, anh chỉ biết nhắm đường mà đi tới, lạc đến tận Thái Lan và bị cơ quan chức năng nước này bắt giữ hơn 3 tháng.

 

Sau khi ra trại, anh Hải tìm về nơi đơn vị đóng quân, nhưng tất cả đều đi mất. Không có tiền và cũng không biết đường về nhà, anh Hải đã sống chung với một phụ nữ người địa phương, đến nay đã có 8 người con, lớn nhất 24 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi.

 

Ngay sau khi trở về nhà sau 28 năm mất tích, anh Hải đã đến UBND xã An Thạnh Thủy để trình báo sự việc mình đã bị mất tích. Bà Phạm Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Thủy, cho biết hiện xã đang xúc tiến các thủ tục rút công nhận liệt sĩ đối với anh Hải.

 

Theo Minh Sơn

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm