Quảng Nam:
Trở về sau 22 năm bị bán sang Trung Quốc
(Dân trí) - 22 năm trước, trong một lần buôn hàng chuyến bà Bậu bị đánh thuốc mê, đến khi tỉnh dậy thì biết mình đang ở xứ người. Rồi bà bị bán "làm vợ" người ta nơi đất khách. Cắn răng chịu đựng làm lụm vất vả 22 năm nay, khi đã có điều kiện, bà đã tìm đường về nhà…
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo huyện Hiệp Đức xác nhận thông tin một người dân trên địa bàn vừa trở về sau 22 năm được coi là “mất tích”. Đó là bà Phạm Thị Bậu (SN 1966, trú thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam).
Theo thông tin gia đình cung cấp, bà Bậu trước đây đã kết hôn với một người đàn ông ở tỉnh Quảng Ngãi và có hai đứa con. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình không hạnh phúc do chồng bà thường say xỉn và gia đình khó khăn nên bà dắt con về nhà mẹ ruột ở thị trấn Tân An (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) để sinh sống.
Để mưu sinh, hàng ngày bà Bậu đi từ nhà ra Huế buôn bán trái cây trên những chuyến xe đò rách nát. Trong một lần đi buôn, xe đò bị chết máy giữa đèo Hải Vân nên bà Bậu xuống đường uống nước. Lúc này có một người phụ nữ đến bắt chuyện và vỗ vai, sau đó bà Bậu như người mộng du, việc gì cũng nghe theo người phụ nữ này.
Lúc tỉnh, bà Bậu sợ hãi khi mọi người xung quanh đều nói thứ tiếng mà bà không hiểu. Khi ấy, một người phụ nữ nói bằng tiếng Việt cho biết: “Mày bị bán sang Trung Quốc rồi”. Người phụ nữ cho bà Bậu biết bà bị đánh thuốc mê rồi đưa sang Trung Quốc bán với giá 20.000 Nhân dân tệ; Nếu muốn quay về nước, bà Bậu phải trả lại số tiền này. Khi lục lại túi thì bà đã bị lấy sạch dù trước đó bà vẫn còn ít tiền.
Một lúc sau, có nhiều người đàn ông kéo đến, bà được một người đàn ông chỉ vào, rồi sau đó ông này mở túi đưa cọc tiền cho người phụ nữ quản lý. Nhận tiền xong, người phụ nữ kia quát bảo bà Bậu phải đi theo người đàn ông đó về... "làm vợ" (!?).
Không người quen, không tiền, bà Bậu được dẫn đi mãi. Cuối cùng bà được dẫn đến một ngôi nhà nhỏ thấp lè tè ở một vùng quê hẻo lánh mà bà không biết đó là đâu. Sau này bà mới biết đây là thị trấn Đại Luân, thành phố Bắc Lưu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
May mắn cho bà Bậu, người “chồng” bà tên Yang Jianfeng (SN 1972) cũng hiền lành, không đánh đập và yêu thương bà hết mực. Bà chấp nhận cảnh sống vợ chồng với người đàn ông này và sau này cũng nói được tiếng địa phương. Được ít năm, bà sinh hạ được cho ông Yang Jianfeng 2 người con.
Lâu ngày chung sống, bà Bậu cũng có tình cảm với ông Yang Jianfeng nhưng bà luôn nhớ về quê hương, nhớ người mẹ già tóc đã bạc, nhớ về hai đứa con khi mình đi vẫn còn nhỏ, nhớ bà con, người thân…. bà ao ước, một ngày nào đó sẽ được trở về quê hương.
Khi hai người con của bà với ông Yang Jianfeng đã lớn, bà cũng đã dành được ít tiền và muốn tìm về quê hương tìm người thân, mẹ ruột. Ông Yang Jianfeng cũng hiểu và khuyên bà muốn về thì để dành ít tiền.
Khi đã có đủ số tiền cần thiết, ông Yang Jianfeng theo bà về tỉnh Quảng Nam tìm gia đình. 22 năm xa quê hương giờ đã thay đổi quá nhiều, bà Bậu không tìm thấy những điều quen thuộc của ngày xưa. Cuối cùng bà cũng tìm đến nhà mẹ ruột mình sau nhiều ngày vất vả đi tìm.
Khi gặp lại nhau, cụ bà Lê Thị Ngữ năm nay đã 86 tuổi đã không nhận ra đứa con thất lạc từ lâu. Khi vào nhà, bà Bậu trình bày, kể lại cuộc lưu lạc sau 22 năm thì mẹ con ôm nhau nức nở…
Cụ Lê Thị Ngữ kể, sau khi con gái mất tích, cụ đã đi tìm nhiều nơi nhưng vẫn không thấy tăm hơi, có lúc bà nghĩ con gái mình có thể đã bị kẻ xấu giết để cướp tài sản.
Còn hai người con của mình là Lê Văn Phương và Lê Văn Bình, lúc mẹ mình mất tích chỉ từ 5-7 tuổi. Do cụ Ngữ không đủ khả năng nuôi vì già yếu nên gửi vào một trung tâm nuôi trẻ mồ côi ở Đà Nẵng. Sau đó, cả hai may mắn được một cặp vợ chồng người Canada nhận làm con nuôi và đưa ra nước ngoài. Cách đây vài năm, cả hai về thăm bà, thăm quê. Từ đó, không còn liên lạc với bà Ngữ nữa.
Được về quê hương, bà Bậu đi thăm bà con, bạn bè và dành thời gian chăm sóc mẹ già, bà chia sẻ: “Về quê thì vui rồi nhưng hai đứa con của tôi giờ không biết ở đâu. Mong sao hai đứa có đọc báo biết thì tìm về với mình chứ giờ tôi biết tìm nó ở đâu. Hy vọng một ngày nào đó, mẹ con tôi sẽ được đoàn tụ”.
Công Bính