Quảng Trị:
Trò chuyện cùng nữ tuyên truyền viên quả cảm ngày ấy
(Dân trí) - Bà là một nữ tuyên truyền viên có nhiệm vụ móc nối với cơ sở để tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ về đóng quân và hoạt động trong những năm kháng chiến...
Bà là Nguyễn Thị Lụt (82 tuổi), hiện ở phường 3, Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Hồi ức những năm tháng ác liệt
Chúng tôi gặp bà Lụt trong những ngày đất nước đang sôi sục kỷ niệm 37 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nữ tuyên truyền viên ấy nay đã bước sang tuổi 82 nhưng vẫn còn khỏe và khá minh mẫn. Giữa tiết trời nắng tháng Tư, những dòng hồi ức về những ngày tháng ác liệt hơn 60 năm qua chợt hiện về trong tâm trí bà.
Năm 17 tuổi bà Lụt đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia cùng dân quân du kích chống giặc ngoại xâm. Cấp trên thấy bà nhanh nhẹn, hoạt bát nên bổ sung vào Đội tuyên truyền viên cứu quốc Đông Hà, đảm nhận trách nhiệm liên lạc với cơ sở để cán bộ, chiến sĩ ta về đóng quân và hoạt động; nghe ngóng diễn biến hoạt động của địch để bộ đội ta bàn cách đối phó với địch.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, dù phải sống trong vùng bị địch tạm chiếm, nhưng bà vẫn vừa đảm nhận công việc vận động, tuyên truyền người dân đứng lên chống địch, vừa tham gia tiếp tế thương thực, đạn dược cho bộ đội.
Với “tinh thần thép” và lòng quả cảm, ngày ngày bà thường đến các cơ sở tạp hóa mua các loại từ giấy pô-luya, giấy ram, giấy tây... cùng một số nhu yếu phẩm để chuyển ra cho bộ đội ta dùng. Đến khi bị địch phát hiện, bắt giữ và dùng cực hình để tra tấn nhưng bà vẫn không hề khai báo. Chỉ trong hai năm 1948 – 1949, cô gái chưa đầy hai mươi tuổi Nguyễn Thị Lụt đã hai lần bị địch bắt ngay tại cửa hàng, dù không có chứng cứ nhưng mỗi lần bị bắt, chúng đều giam giữ bà rất lâu, có khi tới gần nữa năm.
Sau 1945, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ngôi nhà của bà trở thành cơ sở nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ bộ đội lẫn công an trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ. Công việc ấy nhiều lúc gặp nhiều khó khăn và có thể hy sinh tính mạng nếu bị địch phát hiện, nhưng với một lòng kiên trung vì Tổ quốc, bà đã chấp nhận để nuôi và chăm sóc cán bộ, chiến sĩ được an toàn.
“Lúc đó khoảng 10h ngày 20 tháng 5 năm 1962, tôi và ông Nguyễn Đằng là cán bộ Tỉnh uỷ Quảng Trị được tôi nuôi giấu trong nhà, đang bàn về phương án chống địch thì tên trung đội trưởng của địch là Hồ Mạnh gọi: “Chị Lụt đang nói chuyện với ai đó?” Lúc ấy mặt tôi tái lét, chân tay run cả lên, nhưng vẫn cố trấn tĩnh trả lời: “Tui đập đuổi mấy con chuột cắn bồ lúa của tui chứ tui biết nói chuyện với ai đây”. Rồi hắn lại vào nhà, lúc ấy ông Đằng ở trong buồng cách có phên liếp nhưng may mà ở trong ấy tối chỉ có thể nhìn ra chứ không nhìn vào được. Không thấy gì nên hắn ngồi một lúc rồi đi ra. Nghĩ lại lần ấy nếu hắn bắt gặp được cả hai thì không biết chuyện chi xảy ra”, bà Lụt kể lại một kỷ niệm đáng nhớ cho lớp hậu sinh.
Những năm hoạt động từ 1947 - 1971, bà Lụt bị bắt giam đến mười hai lần, từ Ty cảnh sát đến các nhà lao ở Quảng Trị. Những lần ấy bà đều tham gia họp bàn với cán bộ tỉnh ủy về kế hoạch đánh lui quân địch, rải truyền đơn kêu gọi người dân đứng lên phá ách kìm kẹp của địch để tự giải phóng mình... Mỗi lần bị bắt đều bị kể địch sử dụng thủ đoạn tra tấn hết sức dã man nhưng bà vẫn cắn răng không chịu khai nửa lời.
Bà kể: “Có lúc bị bắt, chúng trói hết tay chân tôi, lúc đó thấy tôi đang mang thai chúng liền dọa, nếu mày không khai bọn tau sẽ đánh cho văng con ra ngoài luôn. Nghe vậy tôi sợ lắm nhưng nghĩ lại, vì cách mạng mình hy sinh cũng chẳng sao. Thấy không thể lấy được thông tin gì, chúng bỏ đói bọn tôi mấy ngày mới cho về”.
Người chị cả của tiểu đoàn anh hùng
Trong 81 ngày đêm của trận chiến diễn ra tại Thành cổ Quảng Trị, Tiểu đoàn K3 Tam Đảo anh hùng (mật danh của Tiểu đoàn 3, Đơn vị H46, Đoàn B46) với hơn 300 chiến sĩ của Tiểu đoàn cộng với 3 lần được bổ sung quân (hơn 1.000 chiến sĩ), đối đầu với quân địch trong trận đánh khói lửa.
Trong trận ấy, hai bên giành nhau từng tác đất trong Thành cổ, thậm chí từng chỗ cắm cờ, đã có hàng ngàn chiến sĩ là sinh viên các trường Đại học đã ngã xuống, trong số ấy có nhiều chiến sĩ thuộc tiểu đoàn K3 Tam Đảo.
“Tôi còn nhớ rất rõ lần ấy, Chính trị viên phó của tiểu đoàn Lê Binh Chủng đưa tôi và con gái là Nguyễn Thị Loan lúc đó còn nhỏ, đến giới thiệu với tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến: Đây là mẹ con chị Lụt, cơ sở CM của ta ở Đông Hà. Lần đó, tôi thấy mấy chiến sĩ tội quá, mặt mũi nhem nhuốc, ai nấy đều hớt ha hớt hải chạy đi tìm đồng đội mình khi vừa kết thúc một trận chiến sinh tử, tôi vừa khóc vừa lau mặt, vuốt mắt cho liệt sĩ Thao - đại đội phó đại đội 9. Sau đó, tiểu đoàn K3 được cấp trên bố trí ngay trong nhà tôi, suốt thời gian ấy tôi cùng con gái phải làm công việc vận chuyển các chiến sĩ hy sinh giao cho tiểu đoàn 3 ở cao điểm 30 rồi ngày đêm thay nhau chăm sóc và băng bó cho các chiến sĩ bị thương”. Giọng bà Lụt chùng xuống như muốn che dấu đi những dòng nước mắt khi hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh ác liệt
Sau khi kết thúc trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tiểu đoàn K3 với quân số lên tới hàng nghìn người thì nay chỉ còn lại 42 người may mắn sống sót. Hầu hết bây giờ mỗi người sống một nơi, bà cũng không biết trong số ấy những ai còn sống, ai đã mất. Nhưng mỗi khi có dịp trở về thăm lại chiến trường xưa, những chiến sĩ ngày ấy không quên ghé nhà thăm bà. Những lúc đó, là dịp để bà và những cựu chiến binh tâm sự cùng nhau để ôn lại những kỷ niệm ngày xưa.
Với những thành tích có được, bà Lụt vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chiến thắng hạng nhất, Huân chương giải phóng hạng ba, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, và nhiều kỷ niệm chương khác.
Chiến tranh đã lùi xa 37 năm, nhưng những hồi ức về một thuở cầm súng vẫn nguyên vẹn trong tâm trí bà Lụt. Do quá trình bị địch bắt giam và tra tấn nên đến nay những vết thương vẫn âm ỉ, hành hạ bà mỗi khi trái gió trở trời. Có lúc tưởng chừng bà ngã quỵ vì thân thể đau nhức nhưng và vẫn gượng dậy để sống vui cùng con cháu.
Hiện bà đang ở với gia đình người con gái lớn, có dịp sum vầy cùng con cháu để kể cho chúng nghe về những kỷ niệm một thời chiến đấu gian khổ, những tình cảm giữa cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Bà luôn xem đó là bài học thiết thực dạy dỗ con cháu về lòng biết ơn những người đã hy sinh tính mạng, hạnh phúc của mình cho hòa bình hôm nay.
Nguyễn Đặng – Đăng Đức