Trình Quốc hội chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2025
(Dân trí) - Bảo vệ môi trường và việc phát triển, sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhân lực chất lượng cao, là hai nội dung giám sát sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội.
Dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được cho ý kiến tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 23/4.
Báo cáo nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu bối cảnh năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2026-2031. Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước.
Vì là năm cuối nhiệm kỳ, theo ông Cường, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.
Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát tối cao 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2025.
Cụ thể, có 3 chuyên đề được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, để lựa chọn 2 chuyên đề trình xin ý kiến Quốc hội.
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Chuyên đề 2: Việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển du lịch.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ phiếu, quyết định chọn chuyên đề 1 và chuyên đề 2 để trình Quốc hội.
Trên cơ sở này, Quốc hội sẽ lựa chọn một chuyên đề giám sát tối cao và một chuyên đề giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện, trong năm 2025.
Theo dự kiến, Quốc hội bấm nút thông qua chương trình giám sát năm 2025 tại kỳ họp thứ 7, diễn ra tháng 5 tới.
Báo cáo trước đó về hoạt động giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, ông cho biết hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật.
"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp cho những người được lấy phiếu tín nhiệm thấy rõ mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành tốt hơn trọng trách được Đảng, nhân dân và Quốc hội tin tưởng giao phó", ông Cường nói.
Theo ông, đây là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ.
Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới.
Các vấn đề chất vấn được lựa chọn bám sát thực tiễn, "đúng", "trúng" những vấn đề "nóng", bức xúc nổi lên, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Một trong những điểm mới trong hoạt động giám sát chuyên đề cũng được ông Cường đề cập, là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong giai đoạn triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp bất thường lần thứ 5.