1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Triệu phú thương binh trên vùng “đất chết”

(Dân trí) - Trong chiến tranh, mảnh đất Hải Lăng (Quảng Trị) đã hứng chịu hàng chục vạn tấn bom đạn. Nơi từng được xem là “vùng đất chết” ấy, hôm nay đang hồi sinh từng ngày nhờ sự cống hiến của đôi bạn thương binh cần cù, vượt khó.

Ngày trở về khốn khó...

 

Về xã Hải Sơn (Hải Lăng, Quảng Trị), hỏi nhà anh Cảm“cụt”, thế nào cũng nhận được lời khen: “Hắn giỏi lắm, cụt nguyên cái chân mà ngày mô cũng chống nạng lên đồi cuốc cuốc, trồng cây…”. Nhà anh Trần Văn Cảm nằm mãi cuối thôn Tân Điền, một ngôi nhà mới khang trang còn thơm mùi vôi vữa.

 

Anh Cảm đang loay hoay kê lại chiếc bàn dùng để tiếp khách. Pha ấm trà ngon mời khách, anh kể cho chúng tôi nghe về quãng đời làm lính của mình. Năm 1983, anh nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi. Tháng 6 năm ấy, anh được lệnh sang chiến trường Campuchia chiến đấu. Trong thời gian chiến đấu ở đây, anh không may vướng phải bẫy mìn của bọn Pônpốt và bị thương nặng.

 

Năm 1986, anh Cảm được chuyển về điều trị ở TPHCM, phải cưa bỏ chân trái do bị thương quá nặng. Mãi đến năm 1990, anh mới về lại quê nhà ở thôn Tân Điền. Lúc anh lên đường chiến đấu, người vợ mới cưới đang mang thai đứa con đầu lòng. Biệt tăm gần 10 năm, anh trở về với thân thể không còn lành lặn, vợ chồng, cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi.

 

Sum họp gia đình với đôi bàn tay trắng và thân thể tật nguyền, anh Cảm nghĩ cách xoay sở cuộc sống để vợ con bớt khổ.

 

Người thương binh Nguyễn Văn Trường sinh năm 1962, cùng ở huyện Hải Lăng, cùng nhập ngũ và sang chiến trường Campuchia một đợt với anh Cảm. Cuối năm 1985, anh Trường cùng đồng đội đi trinh sát, chạm mặt lính Pônpốt và giao tranh với chúng trên sông Sê pôn. Anh dính đạn của địch, bị thương nặng ở chân phải.

 

Năm 1985, anh được chuyển về điều trị TP Hồ Chí Minh. Về quê không lâu, anh cưới vợ là chị Lê Thị Lượm. Cuộc sống của gia đình thương bình này cũng khó khăn bội phần khi những đứa con lần lượt ra đời.

 

Làm giàu trên đồi hoang

 

Năm 2001, trong dịp tình cờ, anh Cảm và anh Trường gặp nhau, thấu hiểu hoàn cảnh của nhau nên họ kết thành bạn tri kỉ. Thế là một người thương binh 1/4 cụt chân trái, một người thương binh 2/4 cụt chân phải “hợp tác làm ăn”.

 

Khi những mảnh đất đồi màu mỡ ngày càng ít đi, hai quả đồi trọc trơ trọi khô cằn “không ai thèm ngó” là đồi Đá Giăng - Hồ Hiểm nằm giáp ranh giữa hai xã Hải Trường và Hải Sơn được hai anh để ý và quyết định làm đơn xin chính quyền cấp cho làm ăn.

 

Từ đó, mỗi buổi sáng tinh mơ, người ta thấy hai anh thương binh Cảm và Trường cơm đùm mắm muối dìu nhau lên đồi, cày cuốc, khai hoang đến tối mịt mới về.

 

Giống như tên gọi, đồi Hồ Hiểm - Đá Giăng đầy hiểm trở, đá sỏi và um tùm lau lách. Đôi tay hai anh thương binh đã chặt không biết bao nhiêu bụi cây dại, những đôi bàn tay chai sần đã không ít lần rướm máu. Các anh không nghỉ, dù ngày nắng hay ngày mưa, hai thương binh cứ nhường nhau việc nhẹ, tranh phần nặng hơn.

 

Anh Cảm cho biết, sau mấy năm khai hoang, cải tạo, 17ha đồi trọc đã biến thành trang trại, phần lớn diện tích được họ trồng keo lai, keo tai tượng; ngoài ra còn xen canh thêm gần 1ha sắn, 5 mẫu lạc, nuôi thả trâu bò... “Lấy ngắn nuôi dài mãi đến giờ, cũng không ngờ mới ngày nào thôi mà bây giờ bọn tui đã có một trang trại khang trang thế này. Đất đồi Hố Hiểm - Đá Giăng bây giờ như tấc đất tấc vàng rồi...”, anh Trường hồ hởi khoe.

 

Đường lên đèo Hồ Hiểm - Đá Giăng bây giờ không còn cảnh vừa đi vừa phát cây dại nữa, mà bạt ngàn một màu xanh thẫm của rừng keo, tít tắp kéo dài qua mấy quả đồi, xen lẫn màu xanh mởn của hoa màu... mấy chú bò thong dong gặm cỏ bên triền đồi, một cảnh sắc thật no ấm và yên bình. Đó là kết quả lao động không mệt mỏi của hai người thương binh tật nguyền không đầu hàng số phận…

 

Không bằng lòng với thực tại, anh dự định sắp tới sẽ đào ao nuôi cá bên bờ suối, thuần dưỡng nuôi heo rừng nữa. Hình như với các anh, mọi dự định chỉ mới bắt đầu.

 

Theo dự tính của hai anh, trong vài năm nữa, 17ha rừng keo này sẽ cho thu lợi 400-500 triệu đồng. Anh Cảm còn “bật mí”, tới đây anh sẽ tìm mua và thả nuôi heo rừng trong trang trại vườn đồi của mình. Trước mắt, anh sẽ thả thử nghiệm khoảng 30 con. Đây là một ý tưởng thú vị, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu thành công, ngoài ra còn góp phần giảm nạn săn bắn heo rừng trong tự nhiên.

 

Lê Mai