1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trích 3.500 tỷ đồng để Petro Việt Nam xây dựng… chủ công

(Dân trí) - Việc Chính phủ đề nghị trích 3.500 tỷ đồng thu ngân sách để lại cho tập đoàn dầu khí Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên xác nhận, khoản tiền đó đã công khai, đầu tư cho doanh nghiệp để xây dựng đơn vị kinh tế nhà nước chủ công.

50% lợi nhuận để lại công khai
 
Nói về khoản tiền 3.500 tỷ đồng để lại cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam), Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết đó là 50% số lợi nhuận được giữ lại của đơn vị. Nhưng nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc giữ lại như thế là không đúng, thưa ông?
 
Cách đây 3 năm phần lớn số tiền để lại cho đơn vị Quốc hội không để mắt đến. Nhưng từ 3 năm trở lại đây thì năm nào Petro Việt Nam cũng phải báo cáo Quốc hội.
 
Báo cáo chi tiết từng khoản thu được bao nhiêu trong phần khai thác dầu chung giữa mình với Malaysia, bao nhiêu đưa vào cân đối, bao nhiêu quản lý qua ngân sách, phương thức quản lý thế nào, đầu tư vào đâu…
 
Giờ mình muốn xây dựng một vài đơn vị kinh tế, trong đó nhà nước là chủ công phải mạnh thì mới có hiệu lực tốt nên có chủ trương thế.
 
Trích 3.500 tỷ đồng để Petro Việt Nam xây dựng… chủ công  - 1
Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên (Ảnh: Việt Hưng).
 
Các đại biểu thắc mắc ở khía cạnh khoản để lại 50% lợi nhuận cho doanh nghiệp đó không biết theo quy định nào. UB thường vụ nên chăng cần tổ chức giám sát để xem xét việc thực hiện này có đúng không?
 
Khoản này công bố công khai mà.
 
Vậy còn việc Petro Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 3 tỉ USD mà không thông qua Quốc hội thì sao, thưa ông?
 
Quốc hội chỉ quản lý trong trường hợp doanh nghiệp đầu tư, sử dụng quy mô tiền tới mức ấy nhưng trong đó, số vốn Nhà nước phải chiếm từ 20% trở lên. Còn doanh nghiệp tự đầu tư, tự kinh doanh, tự hợp vốn, tự chịu trách nhiệm… là việc của họ. Ở đây trong khoản tiền đó có 1 phần vốn nhà nước nhưng chưa đến 20%.
 
Giám sát trường đại học mượn thầy “chạy sô”
 
Nói đến hoạt động giám sát, chương trình năm 2010 Quốc hội sẽ hướng lĩnh vực, đơn vị nào?
 
Có 2 nội dung nhắm tới. UB thường vụ đã chọn, dự kiến và trình ra Quốc hội, chắc Quốc hội cũng đồng ý. Nội dung giám sát tối cao thứ nhất là xoay quanh vấn đề thực hiện quy định chính sách pháp luật về việc thành lập trường, đầu tư và chất lượng đào tạo trong hệ cao đẳng, đại học, sau ĐH.
 
Hiện nay dư luận xã hội rất bức xúc về việc thành lập trường, nâng cấp trường thành đại học nhiều quá. Trường thành lập rồi nhưng thầy vẫn đi mượn, lên lớp giảng cứ chạy sô như đi hát; điều kiện giảng dạy thì không đủ, giáo trình, phòng thí nghiệm không đảm bảo.
 
Chất lượng đào tạo thì quá rõ, có khi cấp ba đã học bổ túc lên đến Đại học tại chức, Thạc sỹ tại chức, tiến sỹ cũng… tại chức, kèm theo cả một đội ngũ "chào mào".
 
Chuyên đề giám sát thứ hai cho năm tới là thủ tục hành chính trong quan hệ với dân và doanh nghiệp.
 
Cách thức giám sát có hướng nào đổi mới thay vì vẫn làm chung chung mà vừa qua như nhiều đại biểu cho rằng, quyền của Quốc hội không được tôn trọng, đặc biệt trong việc kích cầu. Giám sát cũng chỉ còn mang ý nghĩa “đáo qua” việc làm… đã rồi của Chính phủ?
 
Quốc hội cũng đang bàn để sao giám sát chủ yếu là để tìm cách tiếp cận, đi vào gốc lõi vấn đề, nhìn nhận sự việc thật khách quan. Phát biểu trong lúc điều hành phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, tôi có nói ý là phải để các bộ trưởng tự trả lời và xã hội tự đánh giá.
 
Rõ ràng phải giải thích tại sao có việc chi vượt, chi nhiều… trong đó rất chú ý quy trình, thủ tục thẩm quyền.
 
Vậy sao Quốc hội vẫn giữ quan điểm không tiến hành giám sát gói kích cầu trong khi trước kỳ họp, có tới hơn chục đoàn đại biểu kiến nghị rất quyết liệt?
 
Vấn đề này Ủy ban kinh tế đã giám sát và báo cáo gửi đến từng đại biểu. Việc đó cũng không đến tầm cỡ Quốc hội phải xem xét. Quốc hội đã chọn phạm vi giám sát rộng hơn, có tầm ảnh hưởng lớn hơn.
 
Có phải việc giám sát không mang lại hiệu quả, giám sát xong rồi để đấy vì hiện vẫn chưa có cơ chế xử lý hậu giám sát?
 
Đúng là sau mình phải sửa luật. Theo quy định hiện nay các cơ quan dân cử giám sát mang tính khuyến nghị, các cơ quan chịu trách nhiệm thấy đúng thì phải thực hiện, nếu không thực hiện đúng, tồi tệ thì phải có thiết chế về miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tuy nhiên chúng ta chưa thực hiện quyết liệt việc này.
 
P. Thảo