1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trên 50% cựu Thanh niên xung phong chưa được hưởng chế độ

(Dân trí) - Trên 50% cựu Thanh niên xung phong chưa được hưởng chế độ, trong khi đó "hầu hết chúng tôi tuổi đời đã trên 60, 70, 80…, đã chờ đợi chế độ, chính sách suốt mấy chục năm trời và chưa biết đến bao giờ nữa”

Tại buổi thảo luận tại hội trường ngày 2/11, đại biểu Nguyễn Anh Liên (Thanh Hoá) đã nêu thực trạng tồn đọng chính sách đối với Cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến để thấy thái độ bức xúc và bất cập đối với người có công nói chung đến chừng nào.
 
Trên 50% cựu Thanh niên xung phong chưa được hưởng chế độ - 1
Hơn một nửa thanh niên xung phong giờ đã tuổi cao sức yếu mà vẫn chưa được hưởng chế độ (ảnh minh họa)
 
Tính tới nay cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc được 35 năm nhưng vẫn còn hơn 17 vạn trong tổng số 35 vạn gia đình cựu Thanh niên xung phong trong kháng chiến, những vết thương chiến tranh chưa hề rời khỏi bản thân và con cháu họ.
 
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành chế độ, chính sách ưu đãi người có công song vẫn còn trên 50% cựu Thanh niên xung phong trong kháng chiến chưa được hưởng chế độ chính sách.
 
Trong đó, còn hàng ngàn gia đình liệt sỹ, hàng vạn thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc hóa học, phụ nữ cô đơn già yếu… Chờ đợi giải quyết chế độ, hàng vạn người đã lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn, cho đến khi già yếu, ốm đau, bệnh tật, tái phát vết thương cùng với di hại của chiến tranh rồi qua đời, mà vẫn chưa hề được hưởng chính sách ấy.
 
Nhiều người không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế, không được trợ cấp mai táng phí khi qua đời. Còn nhiều trường hợp thương tâm như mấy chục cựu Thanh niên xung phong nhiễm chất độc, di hại cho đến đời con, đời cháu mà vẫn chưa được giải quyết chế độ trợ cấp.
 
Điển hình là trường hợp hơn 100 thanh niên xung phong dũng cảm xông ra cứu đoàn tàu chở hàng quân sự ga Gôi, Nam Định, bị Mỹ ném bom bắn phá, một số hy sinh, một số bị nhiễm chất độc nhưng theo quy định thì Nam Định không nằm trong vùng bị Mỹ rải chất độc đioxin.
 
Ngoài ra còn hàng vạn Thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, sau năm 1975 do không có cơ quan nào là cơ quan chủ quản nên đến nay vẫn đứng ngoài diện xem xét chế độ chính sách người có công.
 
Đấy là chưa kể hiện nay dự đoán còn khoảng trên dưới 1.000 Thanh niên xung phong hy sinh trên các chiến trường, có cả biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và ở chiến trường Lào, Campuchia trong suốt mấy chục năm qua không có một cơ quan nào có trách nhiệm đi tìm kiếm, xác minh để giải quyết chính sách và cất bốc hài cốt về các nghĩa trang.
 
Thực tế, việc này chỉ có các ban liên lạc, các tổ chức hội cựu Thanh niên xung phong tự nguyện, tự túc, tự tổ chức đi tìm kiếm và cất bốc được trên 800 hài cốt đồng đội đưa về các nghĩa trang quê nhà…
 
Theo đại biểu Liên, thực trạng đau lòng này đã nhiều lần được báo cáo lên Chính phủ, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến chỉ đạo khẩn trương giải quyết, song vì nhiều lý do nên việc giải quyết chính sách chế độ đối với Cựu thanh niên xung phong còn quá chậm, trong khi số thanh niên xung phong tham gia kháng chiến giờ đã cao tuổi, sức yếu nên việc giải quyết chính sách, chế độ cho những trường hợp tồn đọng trở thành rất cấp thiết.
 
Rất nhiều cựu Thanh niên xung phong đã khẩn thiết báo cáo lên với Quốc hội rằng: "Hầu hết chúng tôi tuổi đời đã trên 60, 70, 80 rồi và đã chờ đợi chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước suốt mấy chục năm trời mà không biết bao giờ Chính phủ mới sửa đổi, mới bổ sung, mới hoàn thiện xong chế độ, chính sách.
 
Chờ ban hành xong, rồi còn phải chờ các thông tư hướng dẫn của các cơ quan chức năng, khi thực hiện thì còn phải qua các cửa ải mà lâu nay thường gặp là thái độ "vô cảm", quan liêu, quan điểm máy móc phi lịch sử của một số cán bộ công chức phụ trách lĩnh vực này”.
 
Lan Hương (ghi)