1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hải Dương

Trên 20 vạn du khách đến Côn Sơn - Kiếp Bạc trước ngày khai hội

(Dân trí) - Sáng mai 6/2, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh - Hải Dương) sẽ chính thức được khai mạc. Tính đến trước ngày khai hội đã có trên 20 vạn du khách đổ vể trẩy hội. Mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được hoàn tất.

Tại các ngả đường dẫn về khu di tích nườm nượp trai gái, trẻ già náo nức du xuân. Ở chùa Côn Sơn và Đền thờ Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, từng đoàn du khách trang nghiêm thắp hương chiêm bái. Nhiều hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian được tổ chức. Mặc dù lượng người đông nhưng không gian khu di tích luôn được giữ gìn phong quang, sạch sẽ. Các hàng quán được bố trí đúng nơi quy định. Lực lượng vệ sinh thường trực thu gom rác. Hệ thống loa nhắc nhở du khách cảnh giác với các hành vi lôi kéo, tăng giá, ép giá, trộm cắp... 

Trên 20 vạn du khách đến Côn Sơn - Kiếp Bạc trước ngày khai hội - 1
Trên 20 vạn du khách đến Côn Sơn - Kiếp Bạc trước ngày khai hội 6/2 (Giằm tháng Giêng).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Khắc Minh - Trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Phải đến rằm tháng giêng mới bước vào hội chính song ngay từ những thời khắc đầu năm mới Côn Sơn - Kiếp Bạc đã tấp nập người hành hương du xuân. Để đáp ứng nhu cầu đi lễ và hái lộc đầu xuân của nhân dân, ngay từ đêm giao thừa, tại hai di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc, Ban Quản lý di tích đã phát 10 nghìn cành lộc. Từ ngày mồng 1 Tết đến nay, trung bình mỗi ngày di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đón trên 1 vạn du khách đến tham quan, ngày cao điểm, lên tới 3 vạn khách”.

Trên 20 vạn du khách đến Côn Sơn - Kiếp Bạc trước ngày khai hội - 2
Trung bình mỗi ngày khu di tích Côn Sơn - Kiếp bạc đón từ 1 đến 3 vạn du khách.

Lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay diễn ra từ ngày 6 đến ngày 14/2 (tức 15 đến 23 tháng giêng). Trong đó trọng hội là các ngày từ 6/8 (tức từ 15-17 tháng giêng). Lễ hội năm nay nhằm tưởng niệm 678 năm ngày mất của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334-2012), tôn vinh công đức to lớn của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm trong sự nghiệp thống nhất tôn giáo, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của đông đảo nhân dân cả nước. Đây là kỳ lễ hội tiếp tục duy trì những nội dung đã đạt được trong quá trình triển khai đề án quy hoạch lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc thành lễ hội quốc gia.

Trên 20 vạn du khách đến Côn Sơn - Kiếp Bạc trước ngày khai hội - 3
Hành hương về Côn Sơn - Kiếp Bạc dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân là nét đẹp văn hóa.

Để lễ hội diễn ra an toàn, ý nghĩa, ngay từ trước Tết, Ban Tổ chức lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã thành lập các tiểu ban an ninh trật tự, xã hội, nội dung tuyên truyền, tài chính hậu cần và đoàn kiểm tra liên ngành với hơn 100 thành viên. Từ ngày 22/1 (tức 29 Tết), Công an thị xã Chí Linh, phường Cộng Hòa, Công an các xã Hưng Đạo, Lê Lợi và lực lượng bảo vệ khu di tích đã tổ chức tuần tra, kiểm soát nhằm bảo vệ cổ vật, đồ thờ, công trình kiến trúc trong di tích; phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn giao thông; ngăn chặn các hiện tượng trộm cắp, các hành vi lừa đảo, trá hình qua các trò chơi cá cược, đánh bạc. Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra hoạt động của các hộ bán hàng, kinh doanh nhà nghỉ, yêu cầu các hộ ký cam kết không chặt chém, ép giá, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. 

Trên 20 vạn du khách đến Côn Sơn - Kiếp Bạc trước ngày khai hội - 4
Phong cảnh hữu tình tại Côn Sơn - Kiếp Bạc khiến ai cũng muốn có một tấm ảnh lưu niệm.

Các bãi đỗ xe cũng được mở rộng, các điểm thu phí được bố trí hợp lý, linh hoạt để tạo thuận tiện cho du khách về dự hội. Để thu hút đông đảo du khách thập phương trẩy hội, quảng bá hình ảnh lễ hội, Ban Tổ chức đã phối hợp với một số công ty quảng cáo thiết lập hệ thống biển, bảng quảng cáo, tuyên truyền ở khu di tích; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh lễ hội. Ngoài ra, tại khu vực di tích còn tổ chức triển lãm, giới thiệu về truyền thống lịch sử của dân tộc, thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh và giới thiệu về cảnh quan khu di tích…

Tiếp tục duy trì các nghi lễ truyền thống đã được phục dựng, năm nay, lễ hội sẽ có các hoạt động văn hóa lớn: Lễ dâng hương tại Đền thờ Trần Nguyên Đán, Đền thờ Nguyễn Trãi; Lễ khai mạc hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc; Lễ dâng hương tưởng niệm 678 năm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả. Đặc biệt, năm nay nội dung các nghi lễ như: Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc Linh Từ, Lễ đàn Mông Sơn thí thực được hoàn chỉnh thêm về nghi thức, chất lượng.

Trên 20 vạn du khách đến Côn Sơn - Kiếp Bạc trước ngày khai hội - 5
Mọi công tác chuẩn bị cho lễ khai hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã sẵn sàng.

Các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật cũng phong phú hơn so với các năm với biểu diễn trống hội, vật, chọi gà, cờ tướng, cờ người, rối nước, hát quan họ, viết thư pháp… Tại di tích Kiếp Bạc, tuy không phải mùa lễ hội chính nhưng cũng có nhiều hoạt động được tổ chức như lễ dâng hương, khai hội mùa xuân tưởng niệm 712 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật. Đến nay, toàn bộ công tác chuẩn bị đã hoàn tất chờ ngày khai hội. 

Chương trình lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc mùa xuân:

- Sáng 6-2 (15 tháng giêng), lễ dâng hương tại Đền thờ Trần Nguyên Đán, Đền thờ Nguyễn Trãi.

- Sáng 7-2 (16 tháng giêng), lễ khai hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, dâng hương tưởng niệm 678 năm ngày mất Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả.

- Sáng 8-2 (17 tháng giêng), lễ tế trên núi Ngũ Nhạc Linh Từ.

- 19 giờ ngày 8-2, lễ đàn Mông Sơn thí thực.

- Ngày 14-2 (23 tháng giêng), lễ giỗ Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả.

- Các trò chơi dân gian: vật, chọi gà, cờ tướng, cờ người, rối nước ... được tổ chức trong cả 3 ngày trọng hội.

Thế Cường - Đinh Ngọc