1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trên 1.500 người thiệt mạng mỗi năm do bom mìn sau chiến tranh

(Dân trí) - Mặc dù chiến tranh đã lùi xa vài chục năm nay, nhưng hậu quả nó để lại còn rất nặng nề. Hiện nay, còn khoảng 800.000 tấn bom mìn còn sót lại ở Việt Nam, cướp đi sinh mạng của trên 1.500 người mỗi năm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (IC-VVAF) và Tổ chức Hỗ trợ nạn nhân bom mìn (CPI) đã tổ chức Hội thảo trợ giúp nạn nhân bom mìn tại Hà Nội sáng ngày 4/12.

Hội thảo trợ giúp nạn nhân bom mìn diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 4/12
Hội thảo trợ giúp nạn nhân bom mìn diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 4/12

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kiêm Phó trưởng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 504 (Chương trình Hành động quốc gia Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh), cho biết, Việt Nam là nước chịu hậu quả nặng nề của bom mìn sót lại sau chiến tranh. Từ năm 1975 đến nay, có khoảng 6.6 triệu ha đất (trên 21% diện tích đất nước) bị ô nhiễm bởi 800.000 tấn bom mìn các loại.

Hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương do bom, mìn. Trung bình mỗi năm, bom, mìn sót lại sau chiến tranh cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người và gần 2.300 người phải mang thương tật. Trong số các nạn nhân bom mìn, có tới gần 50% là trẻ em dưới 16 tuổi.

Chỉ riêng tại 6 tỉnh miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Ngãi đã có trên 22.700 nạn nhân do bom mìn.


Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh phát biểu tại hội thảo

Những con số đau lòng ấy sẽ không chỉ dừng lại ở đó mà hàng ngày trên đất nước này vẫn còn biết bao câu chuyện buồn do tàn tích chiến tranh gây ra. Cuối tháng 11 vừa qua một vụ nổ mìn thương tâm đã xảy ra tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam làm 3 học sinh đi chăn bò bị thương nặng. Một em bị mất cả hai bàn tay, hai chân.

Trước đó, cuối tháng 10, một vụ nổ mìn xảy ra tại trường THCS Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình đã khiến một nam học sinh tử vong khi cấp cứu tại bệnh viện, một nam học sinh khác bị thương nặng. Vụ nổ là do học sinh Hoàng Tuấn Vũ nhặt được một đầu nổ do chiến tranh sót lại từ bên ngoài rồi mang đến trường để chơi. Trong giờ ra chơi em Vũ mang đầu nổ ra khu vực sân thể dục, cạnh hàng rào để chơi thì bị phát nổ, khiến em Đinh Phương Nam đứng cạnh đó nên bị thương nặng. Do bị thương quá nặng nên em Hoàng Tuấn Vũ đã tử vong.

Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho biết, có tới trên 20% diện tích của Việt Nam bị ô nhiễm bởi bom mìn, đây chính là khó khăn lớn cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Ông cho rằng phải rất lâu nữa Việt Nam mới có thể rà phá hết bom mìn sau chiến tranh.

Theo Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh, trước mắt các địa phương cần tổ chức tuyên truyền cho tốt để phòng ngừa về tai nạn do bom mìn; thứ hai là cần ưu tiên rà phá những nơi ô nhiễm bom mìn nặng đồng thời kêu gọi các tổ chức tài trợ và các nguồn của quốc gia để xây dựng cơ sở vật chất như trạm y tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt vấn đề an sinh.


Nam Hằng