1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trẻ vạn đò: Đói nghèo và khát chữ

(Dân trí) - Ở cái tuổi ban ngày được cắp sách đến trường, đêm đến được ngon giấc trong vòng tay mẹ cha; nhưng với những đứa trẻ nghèo ở khu tái định cư vạn đò Kim Long (TP Huế), cả ngày lẫn đêm là một chuỗi mưu sinh cực nhọc; đi học là một giấc mơ xa xỉ...

Muôn nẻo đường mưu sinh

 

Một ngày mới của những đứa trẻ xóm vạn đò là bắt đầu theo cha mẹ đi hút cát sạn trên sông hoặc là mò cua bắt hến ở những khúc sông cạn. Ngày nào may mắn kiếm được nhiều, chúng sẽ được cha mẹ cho ít “vốn” để mua vé số bán.

 

Tý là một cậu bé trông nhỏ hơn nhiều so với cái tuổi 12 của mình, khoe hồn nhiên: “Ngày nào cháu cũng theo cha mẹ đi hút cát sạn trên sông Hương đến tối mịt mới về. Cháu ướt cả ngày, mùa hè thì mát còn mùa đông thì lạnh lắm”. Bố mẹ Tý cười: “Cháu cũng đã làm được gì đâu, cũng chỉ giúp bố mẹ những công việc nhẹ nhàng thôi. Phải đưa chúng đi vì sợ ở nhà lại chơi lêu lổng”.

 

Bằng tuổi Tý nhưng với Châu, mỗi ngày là một cuộc vật lộn mưu sinh thực sự. Châu theo mẹ mò hến trên sông, ngày nào may mắn cũng kiếm được 15 ngàn đồng. Có những ngày mẹ ốm đau, một mình Châu lặn lội trên sông, vừa lo ăn, vừa lo thuốc thang cho mẹ. Em nghẹn ngào: “Cháu bị đỉa cắn suốt, tối về thì ngứa, nhiều đêm không ngủ được mà chỉ lo gãi thôi”.

 

Cô bé Hương thì ngày nào cũng ngược xuôi bán vé số và báo. Thu nhập một ngày “đắt hàng” của em cũng chừng 15.000 đồng. “Có ngày cháu cũng bán được nhiều nhưng đi bộ nhiều mệt lắm chú à!”, Hương nói.

 

Ở làng vạn đò, cuộc mưu sinh không tạm ngừng khi đêm xuống. Có những bóng nhỏ vẫn tất bật khi người khác đang ngủ say. Đó là những đứa trẻ bán hạt dưa, đậu phộng,… tại các quán cà phê đêm.

 

Thu, một cô bé có vẻ người đậm đà nhưng nhanh nhẹn tại quán cà phê T.N, em khoe: “Tối nay cháu đã bán được hơn 10 bì hạt dưa rồi!”. Nói dứt lời, cô bé chạy biến, chừng 10 phút sau quay lại vui vẻ giải thích: “Cháu phải chạy trốn bà chủ quán không bà ấy mắng chết vì cháu vào bán trong quán của họ”.

 

Một đêm khác, khi đó chừng 23h, tôi ngồi nhậu ở quán sát cầu Trường Tiền, cũng bắt gặp những đứa trẻ bán đậu phụng rong. Thấy tôi tỏ ý thương cảm trước những câu nằn nì: “Mua hộ con mấy bì đi để con còn về ngủ”, bà chủ quán cảnh báo: “Những đứa trẻ như vậy ở đây nhiều lắm. Có đứa chịu khó làm lụng, nhưng cũng có đứa tinh quái xin tiền, lừa khách”.

 

Còn tôi, tôi chỉ thấy có một điểm chung giữa các em: quá nghèo, phải bươn chải mưu sinh khi tuổi đời còn quá nhỏ và cùng chung một ước mơ giản dị: mong một ngày được cắp sách đến trường.

 

Gian nan tìm con chữ

 

Để thực hiện giấc mơ đi học, trẻ nghèo vạn đò cậy nhờ vào lớp học tình thương buổi tối. Đều đặn mỗi tối, trường Tiểu học số 1 Kim Long tổ chức những lớp học tình thương ê a tiếng học bài con trẻ. Đứng lớp là “cô giáo” Nguyễn Thị Hạnh, người đã có hơn 30 năm đứng trên bục giảng của những lớp học tình thương.

 

Để có lớp học như ngày hôm nay, cô Hạng đã phải đi từng nhà, thuyết phục những gia đình nghèo cho con em đến lớp. Với sự giúp đỡ của trường Tiểu học số 1 Kim Long, “trường học” tình thương của cô Hạnh đã có 4 lớp học với hai bậc tiểu học và THCS.

 

Cô Hạnh tâm sự: “Các em có cuộc sống vất vả nên tôi đã vận động các em đến đây, chúng đều rất ngoan. Ngày các em phải theo bố mẹ đi làm, phải làm thuê nhưng tối đều đến đây để học bài”.

 

30 năm đứng lớp, cô Hạnh chưa một lần nhận tiền học phí của các em. Trước đây, lớp học của cô được tạo lập trên cơ sở của dự án PLAN. Nhưng từ tháng 6/2006, dự án này đã kết thúc, sự tồn tại của lớp giờ chỉ nhờ vào sự quan tâm giúp đỡ của trường Tiểu học số 1 Kim Long, nên việc học tập của các em cũng gặp nhiều khó khăn.

 

Vẫn là một cái kết buồn, như lời một người dân vạn đò tâm sự: “Được chuyển lên định cư ở đất liền nhưng chúng tôi không có việc làm ổn định nên vẫn phải sống nhờ vào con thuyền lênh đênh trên sông nước, không có điều kiện lo cho con cái học hành. Cái đói cái nghèo, vẫn theo đuổi những hộ dân vạn đò”.

 

Viết Lam