1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trẻ nghèo mưu sinh “quên” tuổi thơ

(Dân trí) - Là trẻ nhỏ nhưng các em chưa từng biết đến những thứ gọi là đồ chơi đúng nghĩa, ngày Tết Thiếu nhi càng xa vời, thay vào đó là những tháng ngày lao động vất vả ở độ tuổi chưa kịp cắp sách đến trường…

Những ngày này, trẻ em nhiều nơi trên cả nước luôn được cha mẹ đưa đi chơi, mua sắm đủ thứ quà, háo hức chờ một ngày Tết Thiếu nhi thật vui vẻ. Trong khi đó, những đứa trẻ vùng cao ở Gia Lai vẫn cặm cụi mưu sinh với đủ loại công việc nặng nhọc, nguy hiểm.
 

Trẻ nghèo mưu sinh “quên” tuổi thơ - 1
 
Trẻ nghèo mưu sinh “quên” tuổi thơ - 2
Thân cò lặn lội từ tuổi còn chưa được đến trường (Ảnh: Thiên Thư)

 

Dọc dòng sông Yun, đoạn qua xã Ia Ke, huyện Phú Thiện, Gia Lai những ngày này luôn nhộn nhịp bởi những đứa trẻ của làng Plei Tang, xã Ia Ke đến mưu sinh. Mặc cho cái nắng gay gắt hay những cơn mưa bất chợt của thời tiết nơi cao nguyên, những đứa trẻ mới lên 5, lên 6 vẫn hì hụp dưới dòng nước.

 

Để kiếm thức ăn cho gia đình 6 người, 2 chị em Tơi (6 tuổi) và Mới (4 tuổi) người J’rai, hàng ngày phải ra sông xúc tép, ốc và tất cả những con côn trùng dưới lớp bèo lục bình mang về nấu ăn. Trọ trẹ những câu tiếng Kinh, Tơi cho biết nếu vào “mùa” đến trường thì 1 buổi Tơi đi học, buổi còn lại 2 chị em Tơi phải ra đoạn sông này để kiếm đồ ăn cho cả gia đình.
 
Trẻ nghèo mưu sinh “quên” tuổi thơ - 3
Cậu nhóc này phải đứng 1 mình trên bờ chờ chị vớt tép (Ảnh: Thiên Thư)

 

Đang lụi hụi vớt đám lục bình để tìm kiếm những con côn trùng, Hniu cho biết em năm nay sẽ được lên lớp 1. Nhà em có 3 chị em, bố mẹ phải đi làm rẫy từ sáng sớm, chị gái bận đi giữ bò, nên Hniu vừa phải kiếm đồ ăn cho gia đình vừa phải giữ đứa em trai 2 tuổi. Hàng ngày mỗi khi đi làm, Hniu thường gùi em theo, khi xuống đến sông Hniu để em lang thang chơi 1 mình trên bờ, còn Hniu thì xuống sông làm việc, đến hết buổi lại gùi em về.

 

Vừa mới “tốt nghiệp” trường mầm non, thân hình còn chưa kịp cứng cáp nhưng cậu bé Nui đã phải oằn vai gùi cậu em trai kế của mình. Nui cho biết, cha mẹ đi rẫy nên em phải trông nom cậu em trai gần 2 tuổi.
 
Trẻ nghèo mưu sinh “quên” tuổi thơ - 4
Nui cả ngày giữ em cho cha mẹ (Ảnh: Thiên Thư)

 

Hỏi đến Tết Thiếu nhi, đám trẻ nghèo cười khúc khích không hiểu. Chuyện về đám lục bình, những con tôm con tép, một bữa ăn đủ no, một buổi được tới trường… gần gũi và dễ hiểu với các em hơn.

 

Đó là hoàn cảnh trẻ nghèo vùng cao. Nhưng ngay giữa TP Cần Thơ, hình ảnh trẻ bươn bả mưu sinh cũng không quá xa lạ. Sáng 1/6, dạo một vòng quanh thành phố Cần Thơ, chúng tôi vẫn bắt gặp những em nhỏ đi bán vé số, bé đánh giày, nhặt rác,… lầm lũi làm công việc hàng ngày.

 

Cô bé Phạm Mỹ Tuyền (8 tuổi) chưa được đi học ngày nào, hôm nay bị cuốn hút vào các trò chơi và bộ đồ đồng phục bắt mắt của các bạn cùng lứa mà quên mất công việc bán vé số của mình. Cùng đi bán vé số với Tuyền còn có em Tô Thanh Phương vốn là nạn nhân trong một vụ nổ hố ga, em Trần Ngọc Ẩn, người may mắn đang được theo học tới lớp 4 ở trường tiểu học Kim Đồng…
 
Trẻ nghèo mưu sinh “quên” tuổi thơ - 5
Những cậu bé bán vé số ở TP Cần Thơ (Ảnh: Ngô Nguyễn)

 

Phương bùi ngùi: “Em cũng muốn đi học lắm nhưng vì tai nạn nổ hố ga làm em cụt tay trái, tay phải thì co quắp hết các ngón. Cha mẹ em không có tiền nên em phải đi bán vé số thôi!”.

 

Tại bến Ninh Kiều, chúng tôi gặp các em nhỏ lặng lẽ ngồi trên những băng ghế đá ngóng khách du lịch để bán những con càu càu (thắt bằng lá dừa), lon đậu phụng luộc,…

 

Bé Dương Mỹ Ngọc (8 tuổi) đang mời mấy ông khách Tây đi du thuyền chơi bằng mấy câu tiếng Anh học lỏm. Ngọc vừa học xong lớp 3 trường tiểu học Hưng Phú, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, vì chuyện cơm áo nên đến hè Ngọc lại theo bà ngoại “hành nghề” bắt khách du lịch cho các du thuyền để ăn %.

 

Xóm nhà trên sông sau lưng chợ Cái Khế có hơn 30 chiếc tàu, ghe neo đậu thường xuyên. Trên mỗi ghe luôn có 1, 2 em nhỏ từ 3 - 7 tuổi hồn nhiên chơi đùa trên mui tàu. Ngày này, chỉ cần một quả bóng bay đã khiến các em vui rồi.
 
Trẻ nghèo mưu sinh “quên” tuổi thơ - 6
(Ảnh: Ngô Nguyễn)

 

“Ở giữa thành phố nhiều cháu còn chưa biết đến ngày 1/6 thì những em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa càng lạ lẫm hơn với ngày Tết của các cháu! Mong sao 1-2 năm tới các cơ quan chức năng tổ chức riêng một sân chơi cho các em nhỏ đường phố, các em đi bán vé số, đánh giày, nhặt rác,... để ngày Tết Thiếu nhi thật sự là ngày vui của tất cả các em nhỏ!” - Bác Tư, chủ vựa dừa ở chợ Cái Khế, bày tỏ!

 

Thiên Thư - Ngô Nguyễn