Trẻ chưa có khai sinh: đăng ký ở đâu?
Triển khai khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, các cơ quan hữu trách đã phát hiện còn rất nhiều trẻ em tại TPHCM chưa có giấy khai sinh. Vì sao có tình trạng này, làm sao để đảm bảo cho các trẻ đều có giấy khai sinh?
Bà Trịnh Thị Bích - trưởng phòng hộ tịch, lý lịch tư pháp, quốc tịch, Sở Tư pháp TPHCM - cho biết:
Chúng tôi vẫn đang thực hiện kế hoạch đăng ký khai sinh hàng loạt cho trẻ dưới 16 tuổi chưa có khai sinh tại TPHCM theo đề án 278 của Bộ Tư pháp để đảm bảo quyền được khai sinh của các trẻ em. Tính đến tháng 8/2004 (tổng kết kế hoạch nêu trên), đã có hơn 27.000 trẻ chưa có khai sinh được làm khai sinh.
Theo khảo sát của chúng tôi vào cuối năm 2004, còn 585 trẻ chưa có khai sinh, trong đó có 205 trẻ sống trong các cơ sở nuôi dưỡng, nhà mở, mái ấm, sở đã có danh sách chuyển về cho tư pháp địa phương để cấp khai sinh (tuy nhiên con số mà Sở Y tế đưa ra tại cuộc họp ngày 30/5/2005 là khoảng 5.000 trẻ dưới 6 tuổi chưa có khai sinh - PV).
Chúng tôi đã triển khai kế hoạch cho cán bộ tư pháp xã phường phối hợp với nhiều cơ quan liên quan như công an, hội phụ nữ xuống tổ dân phố rà soát, lập danh sách những trẻ chưa có khai sinh, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể để cấp khai sinh cho trẻ. Việc cấp khai sinh đồng loạt cho những trẻ chưa có khai sinh theo đề án của Bộ Tư pháp vẫn còn được thực hiện đến năm 2008.
Phải đăng ký cho trẻ chưa có khai sinh như thế nào, thưa bà?
Trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ trước tiên thuộc về cha mẹ của trẻ. Ngay khi trẻ được sinh ra, cha mẹ phải có trách nhiệm đến UBND phường, xã nơi người mẹ thường trú (hoặc tạm trú theo qui định của pháp luật) để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
Trường hợp trẻ lớn rồi mà vẫn chưa có khai sinh thì cha mẹ có thể đến UBND phường xã để làm thủ tục khai sinh trễ hạn. Nếu trẻ mồ côi hoặc cha, mẹ bỏ đi thì người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ (như ông bà, cô dì, chú bác hoặc các cơ sở nuôi dưỡng trẻ) sẽ phải đứng ra để làm khai sinh cho trẻ tại địa phương nơi người nuôi dưỡng cư trú.
Theo Tuổi trẻ