1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Trâu bò “cày nát” vườn cao su

(Dân trí) - Một tháng nay, hàng chục hecta cao su 3 năm tuổi ở Phong Sơn (Phong Điền, TT-Huế) đã bị trâu bò dẫm phá gãy hết cành, ngọn, chỉ còn trơ lại gốc; đẩy hàng trăm hộ dân trồng cao su rơi vào tình cảnh khó khăn.

Cao su chết, dân vỡ nợ

 

Năm 2006, nhà nước khuyến khích người dân trồng cây cao su để xoá đói giảm nghèo. Hàng trăm hộ dân ở xã Phong Sơn đã mạnh dạn vay vốn trồng cao su với tổng diện tích gần 300ha. Nhưng gần 1 tháng nay, hơn 30% diện tích cây cao su 3 năm tuổi ở Phong Sơn đã và đang bị trâu, bò phá hoại, làm gãy đổ ngổn ngang, nhiều hộ dân rơi vào tình cảnh trắng tay.

 

Ông Trần Tiến ở thôn Sơn Quả chỉ vào rừng cao su còn trơ gốc, ngậm ngùi: “Bao nhiêu vốn liếng trong nhà và tiền vay mượn ngân hàng đều đầu tư cả vào 1,5ha cao su này. Thế mà mấy ngày ni, trâu vào dẫm nát, gần một nửa số cao su đã chết trụi hết”.

 

Ông Nguyễn Dũng, một người trồng cao su, lý giải nguyên nhân: “Một tháng nay, sau khi ruộng đất đã được gieo cấy, các chủ chăn nuôi gia súc thả rong trâu vào rừng để chúng tự kiếm thức ăn. Thế là hàng trăm ha cao su và rừng kinh tế đang phát triển đã bị đàn trâu cày xéo, dẫm đạp. Nếu tình trạng này kéo dài, người dân chỉ còn biết bán nhà, bán đất mà trả nợ cho ngân hàng chứ mong chi chuyện xóa đói giảm nghèo”.

 

Cũng như nhiều hộ dân ở thôn Sơn Quả, nhiều trồng cao su ở thôn Thanh Tân, Cổ Bi… đang ở trong hoàn cảnh tương tự. “Gần 80% diện tích cao su nhà tôi đã chết. Số còn lại cũng đang ngắc ngoải, chắc rồi cũng bị trâu “nuốt” trong nay mai thôi. Công sức cả nhà bỏ ra 3 năm nay coi như công dã tràng” - chị Lê Thị Ti nghẹn ngào nói.

 

Một số hộ dân ở thôn Cứ Chánh cũng bàng hoàng sau một đêm thức dậy, thấy hơn một nửa diện tích cao su bị trâu dẫm nát. Vợ chồng ông Tuyển có gần 1,5ha cao su đã bị trâu phá tan. Gạt nước mắt, ông Tuyển thở dài: “Cao su lên cao chưa kịp mừng thì phải đứng trước nguy cơ mất trắng. Khó khăn chồng chất, lại thêm nợ nần. Đàn trâu thả rong vẫn tiếp tục phá hoại cây. Nếu chính quyền không sớm vào cuộc và có biện pháp giúp dân ngăn chặn trâu vào rừng cao su thì chúng tôi chỉ còn cách phá bỏ để trồng cây khác”.

 

Nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ mất trắng rừng cao su, đã mua dây thép gai về rào lại. Nhưng thép gai dựng lên hôm trước, hôm sau đã “biến mất”. Nhiều gia đình không còn đủ sức, đủ tiền thuê người canh giữ nên đành phó mặc cho… trời.

 

Anh Ngô Dũng ở thôn Sơn Quả bức xúc: “Cao su bị tàn phá mỗi ngày, nhưng mỗi lần đi vào rừng cao su phải mất mấy tiếng đồng hồ nên người dân không thể thường xuyên vào đó được. Trâu lại phá chủ yếu vào ban đêm nên người dân chúng tôi đành bất lực”.

 

Chính quyền chưa mạnh tay?

 

Trước thực trạng gia súc phá hoại cây cao su, UBND xã Phong Sơn đã thành lập một tổ xung kích hàng ngày kiểm tra số gia súc ở các chuồng sau 5h chiều. Sau mấy ngày kiểm tra phát hiện hầu như không có con trâu nào về ngủ tại chuồng. “UBND xã đã nhiều lần nhắc nhở, tổ chức họp vận động người dân không nên nuôi gia súc thả rong, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây kinh tế nhưng người dân vẫn không chấp hành” - ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn, cho biết.

 

Cũng theo lãnh đạo UBND xã thì hiện hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn đều có các đồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, theo các chủ nuôi gia súc trong vùng thì lượng cỏ ở các HTX rất ít, không đủ đáp ứng cho đàn trâu, bò khổng lồ của xã nên họ đành thả rong vào rừng.

 

Hiện đàn gia súc của xã Phong Sơn chiếm 1/3 đàn gia súc của huyện Phong Điền, với khoảng gần 3.000 con trâu, bò. Việc quản lý và quy hoạch đồng cỏ chăn nuôi là rất cần thiết để sớm chấm dứt tình trạng trâu bò thả rong vào rừng phá hoại vườn cao su như hiện nay.

 

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, hiện UBND xã Phong Sơn đang ra các chỉ thị và sẽ có chế tài, xử phạt hành chính đối với những chủ chăn nuôi gia súc cố tình thả rong vật nuôi vào rừng. Tuy nhiên, trong lúc rừng cao su đang bị tàn phá mỗi ngày thì hình như chính quyền vẫn còn thong dong.

 

Nam Gianh