1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tranh luận quanh đề xuất giới hạn họ tên dài không quá 25 chữ cái

(Dân trí) - Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái là đề xuất Bộ Tư pháp đưa ra trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội sáng 12/5. 25 chữ cái đủ cho 5 từ - nhiều ý kiến cho là phù hợp.

Trình dự án luật trước UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường xin ý kiến riêng về nội dung quyền đối với họ, tên và chữ đệm của công dân.

Tổng hợp các ý kiến góp ý cho thấy, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái.

Tranh luận quanh đề xuất giới hạn họ tên dài không quá 25 chữ cái

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường xin ý kiến riêng về nội dung quyền đối với họ, tên và chữ đệm của công dân.

Lập luận của đề nghị này là việc đặt họ, tên và chữ đệm, tuy là một quyền nhân thân của cá nhân, nhưng Nhà nước cũng cần phải đề ra những quy định cần thiết để định hướng cho việc cá nhân thực hiện quyền này.

Thứ hai, thực tiễn thi hành pháp luật ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, việc đặt họ, tên và chữ đệm có nhiều trường hợp không phù hợp với "tập quán, thuần phong mỹ tục" của Việt Nam như quá dài, không thuần Việt mà cơ quan đăng ký hộ tịch phải đăng ký, không có lý do để từ chối.

Thứ ba, quy định trên là để đồng bộ với quy định có liên quan của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Theo đó, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam và người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam.

Chính phủ thấy rằng, ý kiến nêu trên là hợp lý, cũng phù hợp với ý kiến của đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Luật Hộ tịch, nên đã chỉ đạo bổ sung nội dung nêu trên vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

Tuy nhiên, kết quả lấy ý kiến nhân dân cũng phản ánh nhiều ý kiến khác cho rằng, quyền đối với họ, tên và chữ đệm là một trong những quyền nhân thân của cá nhân. Dự thảo bộ luật không nên quy định quá nhiều hạn chế việc thực hiện quyền này.

Thẩm tra nội dung này, UB Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái cần phải được thuyết minh rõ và thuyết phục hơn. UB này cũng băn khoăn khi Bộ luật Dân sự hiện hành chỉ quy định "họ và tên" còn dự thảo bộ luật sửa đổi lại bổ sung phần chữ "đệm” trong quy định về quyền đối với họ, tên và chữ đệm.

Việc sử dụng "họ và tên” đã trở thành thông dụng, thay đổi bổ sung này có cần thiết hay không, có dẫn tới việc phải thay đổi các loại giấy tờ, văn bản hành chính hay không, cơ quan thẩm tra nêu hàng loạt câu hỏi.

Nêu thực tế có người họ, tên dài đến ba, bốn chục chữ cái, rất khó khi làm hồ sơ và khó cho nhiều giao dịch, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nên khống chế không quá 25 chữ cái. Ông Hiển lập luận, 25 chữ cái thì tính cả họ, tên, đệm cũng đủ đến 5 chữ. Tên 5 chữ là rất dài rồi.

Nhìn nhận ở góc độ khác, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lại cho rằng, tên như các nghệ sỹ hiện nay đảo họ lên trước (như Thanh Bùi), ghép tên nước ngoài (như Kathy Uyên) mặc dù người có tên như vậy vẫn sinh ra tại Việt Nam, cha mẹ đều là người Việt… xã hội vẫn chấp nhận được thì không cần luật điều chỉnh vì đây là quyền của công dân đã quy định trong Hiến pháp.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng bình luận, luật nên duy trì quy định ghi họ và tên của mỗi người như hiện tại, không cần sửa đổi. Tên dài ngắn, hay dở của một người không ảnh hưởng đến vấn đề an toàn xã hội, cộng đồng nên không thể giới hạn trong 20 hay 25 chữ cái. Nhà nước chỉ có thể khuyến khích vận động người dân là đặt tên không quá phức tạp để gây rắc rối về các thủ tục giấy tờ.

Giải thích thêm về nội dung này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Bộ luật sửa đổi đưa vào quy định về ghi cả họ, tên và chữ đệm vì thực tế việc thay đổi chỉ một chữ đệm cũng dẫn đến việc truy xuất ra những người khác nhau. Rất nhiều trẻ em bố mẹ đặt chữ đệm là “văn” là “thị” nhưng khi lớn lên, ý thức hơn về ý nghĩa tên gọi của mình thì mỗi người có nhu cầu thay đổi chữ đệm rất nhiều. Vậy nên rất cần quy định về chữ đệm trong Bộ luật.

P.Thảo