1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tranh luận "gắt" về vai trò của VKSND trong tố tụng hành chính

(Dân trí) - Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/10, có nhiều ý kiến tranh luận gay gắt về vai trò của VKSND trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

 


Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội.

Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội.

 

Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) do ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - trình bày cho biết nội dung liên quan đến vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng hành chính đang có 3 loại ý kiến khác nhau.

Ý kiến thứ nhất cho rằng VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Ý kiến thứ hai cho rằng, VKSND thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng hành chính.

Còn ý kiến thứ ba khẳng định trong tố tụng hành chính VKSND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp, không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng, do vậy VKSND là cơ quan tham gia tố tụng.

Theo ông Hiện, trước ngày 1/6/2015 (ngày Luật tổ chức VKSND năm 2014 có hiệu lực), Luật tổ chức VKSND năm 2002 có quy định: “VKSND có quyền hạn khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật”.

Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 2006 quy định VKSND được quyền khởi tố vụ án hành chính trong một số trường hợp nhất định. Trên cơ sở các quy định nêu trên, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 tiếp tục thể hiện VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính. Tuy nhiên, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã bỏ quy định về quyền khởi tố vụ án hành chính của VKSND mà chỉ quy định VKSND có quyền kiến nghị khởi kiện vụ án hành chính.

Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã bỏ quy định VKSND có quyền khởi tố vụ án hành chính. Vì vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, VKSND không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ án hành chính, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng hành chính nào như TAND, mà chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hành chính.

Chính vì thế, căn cứ Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014 cần xác định VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính. “Quy định như vậy là rõ ràng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của VKSND, bảo đảm cho VKSND thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014. Đồng thời, thể hiện rõ được cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực theo Hiến pháp năm 2013 giữa TAND và VKSND. Nội dung này đã được thảo luận kỹ tại nhiều cuộc họp liên ngành tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội; Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, TAND Tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam và nhiều cơ quan có liên quan đều tán thành với hướng tiếp thu: VKS là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hành chính”- ông Hiện nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý và ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, lại cùng bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất trên và cho rằng trong tố tụng dân sự, hành chính không nên phân ra cơ quan tiến hành tố tụng. “Tòa án là cơ quan thụ lý giải quyết, dân đã hòa giải được rồi, không khởi kiện nữa thì thôi chứ”- ông Đương nói.

“Chúng ta phải bình tĩnh để xem lại. Cơ quan tố tụng gồm tòa án, viện kiểm sát, công an có phải tiến hành tố tụng tất cả các giai đoạn không? Tôi đọc kỹ rồi, dự thảo luật này không sử dụng khái niệm cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cũng không ảnh hưởng gì cả, hội nhập càng rõ hơn. Tôi đề nghị trong giai đoạn hiện nay thì xem lại vấn đề này”- ông Lý bày tỏ quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Hiến pháp đã nêu rõ VKSND là cơ quan công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp. “Công tố” tức là thay mặt Nhà nước khởi tố, truy tố và tiến hành duy trì việc buộc tội trước tòa với người có tội. Cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan thay mặt nhà nước xem xét giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật.

Theo ông Lưu, việc này phải căn cứ vào Hiến pháp, nhưng chức năng nhiệm vụ của VKS không có gì thay đổi cả. “Nguyên tắc khi sửa đổi, bổ sung một luật, những vấn đề gì đã có tổng kết, chín muồi, còn ý kiến khác nhau quá thì để lại. Khi còn ý kiến khác nhau như thế này, tôi đề nghị cứ giữ như luật hiện hành”- ông Lưu đề nghị.

Giải thích thêm về chuyện này, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết giáo trình dạy học hiện nay nói rằng tố tụng là quá trình gồm điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Cơ quan chủ trì giai đoạn nào đó thì gọi là cơ quan tiến hành tố tụng. “Nhưng không phải anh làm đúng việc gì thì mới gọi là việc đó, như cơ quan điều tra không phải chỉ làm điều tra, cơ quan truy tố không phải lúc nào cũng truy tố. TAND cũng thế, không phải lúc nào cũng là cơ quan xét xử, nếu thấy không đúng thì đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, có xét xử đâu. Hơn nữa, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định ai là bị cáo, ai là bị can, ai là người có quyền lợi liên quan,...”- ông Hiện phân tích.

“Thế luật cũ sai à ?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời ông Hiện.

“Nó đúng mà”- ông Hiện đáp.

“Thế thì cứ thế mà làm thôi. Cứ theo luật hiện hành kế thừa thôi”- Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đã gọi là tranh tụng thì phải có nhiều người, người bị xét xử, người kiện, bị kiện, đại diện VKS, luật sư, trong hình sự còn có thêm điều tra, nhân chứng.

“Trong quá trình xét xử người ta thảo đi, thảo lại là bình thường mình không hạn chế được. Người bị kiện cũng có quyền tự bảo vệ mình cơ mà. Bây giờ hạn chế chỉ được nói góc này không được nói góc kia thì không đúng. Tất cả mọi người tranh tụng cuối cùng có ai được quyết ngoài tòa án đâu, chúng ta đề cao tinh thần của tất cả những người tham gia. Những người tham gia tố tụng, điều tra, VKS, tòa án, những quyền này phải được đề cao cho người ta tranh tụng, phát biểu để chất lượng vụ xét xử tốt hơn”- Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Trước ý kiến đề xuất biểu quyết để thông qua vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiện thẳng thắn: “Chúng tôi không được gì mà chúng tôi bảo vệ cái này cả. Đây là vấn đề phức tạp, phải đề Đảng đoàn Bộ Chính trị cho ý kiến về vấn đề. Đây là vì sự việc chung, đừng vì ý kiến của một cá nhân nào. Đây là Quốc hội, biểu quyết theo đa số, chúng ta phải tôn trọng điều đó”.

Thế Kha