Quảng Nam:

“Trắng tay” vì cho con đi du học tự túc

(Dân trí) - Tin vào viễn cảnh tươi sáng khi cho con đi du học, hàng chục hộ dân lâu nay chỉ quen việc chân lấm tay bùn không ngần ngại vay hàng trăm triệu đồng để đưa con sang Nhật Bản. Đến khi con họ xuất ngoại mới vỡ lẽ thực tế không như lời hứa.

Đó là chuyện xảy ra ở vùng biển xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

Nghe lời tư vấn như rót mật vào tai, ông Trần Minh Hùng (trú thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) đã quyết định vay mượn tiền cho con trai út làm các thủ tục cần thiết để sang đất nước mặt trời mọc du học theo hệ “vừa học vừa làm”.

Em Võ Thanh Trung kể với phóng viên về việc qua Nhật du học
Em Võ Thanh Trung kể với phóng viên về việc qua Nhật du học

Sau khi đăng ký xong, con trai ông tên Trần Văn Thiên (SN 1992, vừa học xong THPT) được tham gia lớp học tiếng Nhật tại Đà Nẵng. Lúc đầu đóng vào 8 triệu đồng tiền học, sau đó đóng thêm 10 triệu đồng để thi tiếng Nhật. Để thực hiện ước mơ đổi đời cho con, vợ chồng ông Hùng không ngần ngại đi vay ngân hàng hàng chục triệu đồng. Đến ngày lên đường sang Nhật du học, gia đình ông Hùng phải đóng đủ 190 triệu đồng cho phía công ty tư vấn du học.

Còn gia đình ông Võ Nhỏ (cùng trú thôn Bình Tân, xã Bình Minh) có một người con trai duy nhất là Võ Thanh Trung (SN 1991) cũng với ước mơ đổi đời, nên đã đi vay ngân hàng và người quen số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng để Trung xuất ngoại du học.
 
Bà Trịnh Thị Minh Nguyệt (mẹ của Trung) kể lại hoàn cảnh của gia đình
Bà Trịnh Thị Minh Nguyệt (mẹ của Trung) kể lại hoàn cảnh của gia đình

“Khi đi vay tiền để cho con đi du học, gia đình tôi rất tin tưởng vào lời hứa của người quen làm ở công ty tư vấn du học là sẽ tìm việc làm để thằng Trung vừa học vừa làm nhằm trang trải cuộc sống và dành dụm tiền gửi về cho vợ chồng tôi trả nợ”, bà Trịnh Thị Minh Nguyệt (SN 1967), vợ ông Nhỏ nói với chúng tôi.

Tuy nhiên, sau khi xuất ngoại du học, cả Thiên và Trung và nhiều bạn cùng đi khác đều ngỡ ngàng khi thực tế không như lời hứa trước đó của công ty tư vấn du học. Sau 3 tháng qua bên Nhật nhưng không có việc làm, trong khi tiền mang theo đã hết, các du học sinh phải trốn học đi ra ngoài tìm việc làm nhằm trang trải cuộc sống.
 
Hồ sơ nhập học của em Võ Thanh Trung
Hồ sơ nhập học của em Võ Thanh Trung

Trò chuyện với chúng tôi, em Võ Thanh Trung cho biết, chuyến đi của em gồm 25 bạn, trong đó có 9 bạn ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam), còn lại là các bạn ở khu vực phía Bắc. Khi đến Tokyo (Nhật Bản), 10 bạn (gồm 2 nữ và 8 nam) được bố trí ở chung 1 phòng, trong khi căn phòng chỉ có thể chứa 3-4 người.

“Tiền phòng bên đó giá khoảng 70.000-80.000 yên, nhưng phía công ty du học thu của chúng em 180.000 yên/người. Khi chúng em có ý kiến thì một đại diện của công ty du học bên Nhật mới nói chúng em cứ ở tạm rồi tính tiếp”, Võ Thanh Trung cho biết.

Cũng theo lời của Trung thì do phía công ty tư vấn du học không tìm việc làm cho các du học sinh như lời hứa trước đó nên em và các bạn đều bỏ học, ra ngoài làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống.

“Vì không có giấy tờ hợp pháp và do không biết nhiều tiếng Nhật nên chúng em rất khó khăn để đi tìm được việc làm. Như em, đi tìm được việc đóng cơm hộp cho họ bên đó mỗi giờ được nhận 9.000 yên nhưng cũng chỉ làm được 14 ngày, sau đó em bị đuổi. Không được đi làm nữa, em phải gọi về nhà nhờ gia đình gửi tiền qua sinh sống”, Trung nói.

Vì cuộc sống ở Tokyo quá đắt đỏ, các bạn không ai tìm được việc làm ổn định để nuôi sống bản thân nên một thời gian sau chịu không nổi chi phí, một số “du học sinh” đã gọi điện nhắn gia đình gửi tiền sang mua vé máy bay về nước, kết thúc gần 1 năm mang tiếng “du học sinh Nhật Bản”.
 
Ông Trần Minh Hùng (bố của Thiên) cho biết: Thiên đã đi làm ăn xa để phụ giúp với gia đình trả nợ
Ông Trần Minh Hùng (bố của Thiên) cho biết: Thiên đã đi làm ăn xa để phụ giúp với gia đình trả nợ
 
Từ ngày các “du học sinh” bỏ học về nước, các chủ nợ liên tục đến nhà đòi tiền nên các gia đình cũng khốn đốn vì không biết lấy tiền đâu trả nợ. Nhiều người phải viết giấy hẹn khất nợ. Có người bán đất, có người bỏ ra Đà Nẵng làm thuê kiếm tiền trả nợ.

Bà Trịnh Thị Minh Nguyệt (mẹ của em Trung) cho biết, bà chỉ còn mỗi căn nhà cấp 4 cũ nát đang ở, chồng dù bị bệnh nhưng vẫn phải đi câu mực khơi kiếm tiền trả nợ. Bà đang tính vài ngày nữa sẽ ra Đà Nẵng kiếm việc làm thuê làm mướn mà trả dần. Còn bà Đặng Thị Họp (mẹ của Thiên) cho biết, sau khi các chủ nợ đến đòi nợ, vợ chồng bà đã phải bán miếng đất bên nhà được 90 triệu đồng để trả bớt một phần nợ.

Các nạn nhân cho biết, người tổ chức lừa đảo đưa người đi du học tên Trần Văn Nhân Vũ (trú tại thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam). Khi tiếp xúc với người dân, Vũ xưng là cán bộ Công ty tư vấn du học quốc tế Phúc Sơn chi nhánh miền Trung (đường Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Vì Vũ cũng là người cùng xã nên khi nghe nói qua Nhật vừa học vừa làm với thu nhập hấp dẫn nên người dân đã xiêu lòng.

Qua địa chỉ người người dân cũng cấp, chúng tôi ghé vào một căn nhà trên đường Phan Đăng Lưu (Đà Nẵng) thì được chủ nhà cho biết, Công ty Phúc Sơn đã trả mặt bằng từ nửa năm trước, không biết họ chuyển đi đâu. Cán bộ tên Vũ cũng đã tắt máy điện thoại, không thể liên lạc. Vài tháng gần đây, chủ nhà cũng tiếp xúc với nhiều người đến hỏi thăm về công ty này.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch xã Bình Minh - ông Trần Công Minh - cho biết, ông đã nghe thông tin về vụ các du học sinh Nhật ở địa phương mình bị lừa đảo. Tuy nhiên, do các gia đình tự túc việc du học của con em họ, không thông qua chính quyền địa phương nên địa phương không nắm rõ tình hình.

“Sắp tới chúng tôi sẽ cử cán bộ chuyên trách xuống các gia đình có con đi du học để nắm cụ thể việc này rồi mới tìm hướng giải quyết được”, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết.

Công Bính