1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trang sử bi tráng của một cây đa

Một ngày đầu xuân năm 1998, người dân làng Gia Bình (xã Gio An, huyện Gio Linh, Quảng Trị) thấy một vị chỉ huy mang quân hàm thiếu tướng cùng một số đồng đội cứ đi quanh gò đất phía bắc làng Gia Bình như tìm kiếm một vật gì.

Vị tướng cứ băn khoăn vì gò đất này xưa có một cây đa cổ thụ cao hàng chục mét, tán xòe rợp một vùng rộng lớn, nay chỉ còn lơ thơ những chồi cây dại... Trận đánh của đơn vị ông diễn ra ở đây vào mùa xuân 1968.

 

Ông là thiếu tướng, phó tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân VN Nguyễn Huy Hiệu (1998) và nay là thượng tướng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông về lại chiến trường xưa trồng lại những cây đa vào những nơi chứng kiến sử làng.

 

Cây đa huyền thoại

 

Một cây đa cổ thụ như hàng vạn cây đa vẫn mọc khắp nơi, nhưng cây đa ở góc làng Gia Bình lại khắc vào tâm khảm những chiến sĩ của trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh những mảnh ký ức bi tráng với những trận đánh sau mùa xuân Mậu Thân.

 

Chúng tôi ngược hướng từ Dốc Miếu lên làng Gia Bình, xã Gio An. Ngay từ đầu làng, hỏi cây đa ông Nguyễn Huy Hiệu trồng hầu như ai cũng biết. Anh Nguyễn Văn Phúng, cán bộ văn hóa xã, đưa chúng tôi ra phía bàu Gia Bình.

 

Sau bảy năm kể từ ngày được trồng, cây đa mới đã lên biếc xanh vạm vỡ buông những chùm rễ cắm sâu vào lòng đất bazan vùng đồi Gio Linh. Cạnh cây đa mới trồng, một loạt ba cái bàn  thiên hướng trông ra bàu nước.

 

Theo lời kể của cụ Nguyễn Nậy năm nay đã hơn 80 tuổi, khi đánh mặt trận Gio Cam (Gio Linh và Cam Lộ), quân giải phóng đóng  ngay làng Gia Bình, cây đa trở thành đài quan sát về phía Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang, Bãi Chùa, Bãi Dâu, các đồi 544, 425... là các cứ điểm quân sự quan trọng nằm dọc quốc lộ 1 từ cầu Hiền Lương trở vào, dày đặc tuyến phòng thủ của địch ở mảnh đất địa đầu “vùng 1 chiến thuật”.

 

Từ “đài quan sát cây đa” này, anh em điều chỉnh tầm hướng cho pháo binh rót đạn vào mục tiêu, các lực lượng trinh sát bộ binh, đặc công... đều lợi dụng cái “đài quan sát” tự nhiên mà theo dõi nhất cử nhất động của địch.

 

Phía tây Gio Linh, vùng trên này ta làm chủ, địch chỉ bám trục đường phía dưới, biết cây đa cổ thụ làng Gia Bình chính là một “đồng minh” của quân giải phóng nên không ngày nào địch không nã pháo, dội bom hòng đánh gục cây đa.

 

Lạ thay, bom đạn đến thế, lần lượt từng cành lớn, cành nhỏ bị mảnh bom phạt ngang như dao chém, chồi không kịp nảy sinh, thân chi chít mảnh đạn pháo, nhưng thân cây đa vẫn trơ ra thách thức. Hàng trăm chiếc rễ buông chùm cắm vào lòng đất thi gan với bom đạn.

 

Cụ Nậy bảo: “Cây đa làng Gia Bình coi vậy mà thiêng, chẳng trách ông bà có câu: thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”.

 

Cây đa - đài quan sát ấy - dẫu đạn bom chà đi xát lại vẫn góp chút công lao của mình vào những trận đánh trên chiến trường Gio Cam cho đến ngày giải phóng Quảng Trị 1972, khi ấy cây đa mới ngã xuống.

 

Cây đa Gia Bình đã viết nên huyền thoại từ ghi nhớ của một người lính. Anh là Lê Bá Dương, nguyên là lính tiểu đoàn 2 của trung đoàn 27 (sau này là trung đoàn Triệu Hải), kể rằng những người lính của trung đoàn suốt những năm tháng ấy cho đến sau này vẫn không thể quên những ngày ở mặt trận bắc đường 9, chiến trường Gio Cam và cây đa Gia Bình - nơi hàng trăm đồng đội của anh đã nằm lại.

 

Những người lính của tiểu đoàn Nghệ An đỏ vẫn còn nhắc mãi về sự hi sinh anh dũng của liệt sĩ Cao Như Thiêm. Trong trận đánh ngày 26-3-1968, Cao Như Thiêm bắn đến viên đạn cuối cùng và sa vào tay địch.

 

Tra khảo dụ dỗ anh không được, giặc đã cột anh vào gốc đa Gia Bình và xả đạn vào anh. Trước lúc ngã xuống, anh Cao Như Thiêm còn hô vang: “Đảng Lao động muôn năm, Bác Hồ muôn năm”. Bắn chết anh, địch dùng xăng đặc đốt xác anh thành tro, tan hòa vào đất đai Gia Bình.

 

Anh Lê Bá Dương kể rằng trong một trận đánh trước đó ở cao điểm 16, nhiều chiến sĩ của trung đoàn 27 hi sinh cũng bị giặc dùng xăng đốt thành tro.

 

Những thân xác đồng đội hòa vào đất đai mưa nắng ấy đã khiến anh sau ngày hòa bình, cứ vào dịp 27-7 là lặn lội về chiến trường xưa để thả những cành hoa tưởng niệm đồng đội trên những khe suối, nguồn sông bởi biết tìm đâu ra mộ phần đồng đội để hương khói.

 

Cũng ngay tại gốc đa Gia Bình này, cả một ban chỉ huy của trung đoàn Sông Dinh bị lãnh nguyên một quả đạn pháo, ban chỉ huy trung đoàn bảy người không còn ai vẹn nguyên thi thể... Và cứ thế, mỗi lần Lê Bá Dương về vùng đất này, chúng tôi lại được nghe từ ký ức chiến trận của anh hàng chục câu chuyện bi tráng.

 

Những câu chuyện ngỡ như đã chìm khuất trong cái khốc liệt của chiến tranh, chìm đi bởi khi ấy sống chết mất còn gang tấc, rồi một ngày hiện về rờ rỡ tươi nguyên và ấm nóng như những dòng nước mắt lặng lẽ trên má anh.

 

Sau khi tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng đồng đội, những cựu binh của trung đoàn về trồng lại cây đa, bà con trong thôn hết lòng chăm bẵm cho cây. Làng cũng quyết định dời đình làng Gia Bình về cạnh cây đa, trông ra bàu nước khoáng đạt phía trước.

 

Ngay cạnh gốc đa này xưa kia có một giếng nước xếp bằng đá, một trong hàng chục cái thuộc hệ thống giếng cổ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa của Quảng Trị.

 

Cái giếng cổ cạnh cây đa có tên là giếng Đìa bị một quả bom đánh lấp, mấy chục năm qua đất đai đã phủ lên chiếc giếng cổ kia. Nhưng cụ Nậy bảo: “Mạch nước của giếng xưa vẫn chảy bên dưới lòng đất, áp tai xuống đất sẽ nghe thấy”.

 

Anh Phúng cũng bảo làng Gia Bình đang có kế hoạch tôn tạo lại cái giếng cổ xếp đá như xưa với nguồn nước mát lành để tưới tắm cho cây đa chứng tích ngày càng ngời xanh sắc lá.

 

Dân làng cũng đang cố gắng dành dụm để cất một đình làng khang trang tại đây, không chỉ thờ thành hoàng, tiên linh của làng mà còn để thờ hàng trăm người lính đã nằm lại đất Gia Bình này, những người như Cao Như Thiêm, Nguyễn Hoàng Quế... và bao nhiêu liệt sĩ mà thân xác đã tan vào sắc đỏ bazan để giờ đây cuộc sống mới đang đơm hoa kết trái trên bom đạn hôm qua, sau bao nhiêu máu xương gửi lại...

 

Theo Lê Đức Dục
Báo Tuổi trẻ