Trắng đêm "săn" cá chình sông Cái
Cá chình - loài "danh ngư" thường xuất hiện dày trên khúc sông Cái trải dài từ đập Tam Giang đến kè Bình Thạnh thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nghề xúc chình đã hình thành.
Cá chình đã từng là nguồn thực phẩm quan trọng từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại. Một cái ao đầy cá chình lúc ấy là biểu tượng của sự giàu có. Giờ đây, loài "danh ngư" này thường xuất hiện dày trên khúc sông Cái trải dài từ đập Tam Giang đến kè Bình Thạnh thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Tháng 4, có khi cả ngàn người dân chen chân, dầm mình suốt đêm dọc theo đôi bờ khúc sông này để thu "lộc" chình giống.
Trắng đêm trên "dòng sông cá chình"
Màn đêm buông xuống. Chuông nhà thờ Mằng Lăng ngân vang giữa không gian xóm làng tịch mịch, yên ả bên dòng sông Cái. Đây cũng là lúc hàng trăm người dân, có cả già, trẻ, gái, trai kéo nhau về bãi cát Bình Phú, Hội Phú và đập Tam Giang tung bọt trắng xóa. Ánh đèn pin rọi nhấp nháy dày trên khúc sông thơ mộng. Mọi người vào vị trí đã "xí chỗ" trước đó, bắt đầu hì hục dưới làn nước lạnh ngập đến đầu gối hoặc tới bụng để xúc chình.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã An Thạch – nói với tôi: Thường thì mùa khai thác cá chình giống từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch năm sau. Nhưng ba mùa trước cá thưa thớt, năm nay cá xuất hiện khá muộn và khá dày. Hằng đêm có hơn 300 người dân xúc cá chình, cao điểm có cả ngàn người dân đứng chen chúc xúc chình dọc hai bên bờ sông. Nhiều cán bộ xã cũng tham gia xúc chình để cải thiện đời sống kinh tế gia đình...
22 giờ đêm dưới chân đập Tam Giang, hàng chục người dân vẫn còn sục sạo xúc chình. Phương tiện xúc cá chình chỉ là tấm lưới mùng chừng 1 x 2 mét đính vào hai thanh tre hoặc gỗ tròn, một sợi xích nhỏ hoặc chì buộc theo chiều dài tấm lưới để giữ lưới được căng.
Nghề xúc chình giống khá đơn giản nhưng phải có hai người nắm giữ thanh cây ở hai đầu lưới, khom người xúc một đầu lưới xuống nước rồi kéo lên. Sau đó, một người bật đèn pin rọi vào lưới, người kia quan sát thấy có cá chình thì dùng vợt nhỏ xúc, chuyển vào xô đựng.
Cá chình giống nhỏ như cây kim may hay cây tăm, thỉnh thoảng mới có con to bằng đầu đũa và chúng bơi ngược dòng sông. Dân ở đây ví cá chình giống trên sông Cái như món "lộc" trời ban tặng hằng năm.
Anh Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1968, ở Hội Tín, xã An Thạch) tay xúc chình, miệng nói: "Chúng tôi như mèo rừng, ngày ngủ đêm thức, dù tay chân mỏi rã rời, tê cóng nhưng phải nhẫn nại chịu đựng cái lạnh canh thâu với trên sương, dưới nước, có khi mưa gió ào ào, để xúc chình giống. Đêm nào có "lộc", gặp luồng cá chình thì làm liên tục đến 5 giờ sáng cũng được 800-1.000 con, bán được vài triệu đồng. Nếu chỉ xúc vài tiếng thì mỗi cặp (hai người) trung bình được từ 200-300 con; song cũng có rất nhiều người không gặp luồng cá và chỉ xúc được vài chục con/đêm".
Dù phải dầm lạnh canh thâu, nhưng bù lại "săn" cá chình giống có đêm kiếm được tới vài triệu đồng.
Hiện giá chình giống hạ từ 3.000 đồng xuống còn 2.000 đồng/con, nhưng vẫn còn cao hơn gấp đôi so với năm trước, nên bà con có thu nhập khấm khá.
Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Hội Tín) nói: "Có đêm, tui cùng một người khác xúc nhiều nhất được 400 con. Tính ra mỗi vụ "lộc" chình giống, trừ chi phí, tui cũng kiếm được 20 triệu đồng, hơn hẳn tiền công đi làm thuê, làm mướn ở vùng nông thôn này!".
Sau một đêm thức trắng "săn" cá chình giống trên sông Cái, ngày mới, bà con lại hồ hởi đem bán tại 2 cơ sở thu mua ở thôn Hội Tín. Nhiều người dân ở đây, như các anh Nguyễn Ngọc Dũng, Nguyễn Tấn Khảnh, bà Nguyễn Thị Hoa, chị Võ Thị Linh... đã "xúc" lên tiền triệu trong một đêm "săn" chình giống.
Chị Phạm Thị Phụng - người chuyên thu mua chình giống - cho biết: "Những ngày sau bão số 1, cá chình giống xuất hiện "rộ" trên sông Cái, bình quân tôi thu mua được hơn 10.000 con/đêm, đóng thùng ôxy vận chuyển đi tiêu thụ ở các đại lý lớn tại TPHCM và Đà Nẵng".
Người "khai sinh" nghề xúc chình giống
Hai đêm "ăn sương", lặn lội ở Phú Hội, Hội Tín, tôi lần tìm ra manh mối và gặp được "thủy tổ" nghề xúc cá chình giống trên sông Cái. Ông tên Nguyễn Văn Lam - SN 1954, quê gốc Nghệ An, năm 1987 vào định cư ở Hội Tín, xã An Thạch. Hơn 25 năm gắn bó với công trình Trạm thủy nông Tam Giang (nay là Văn phòng đại diện Trạm thủy nông Tuy An), ông Lam am tường nhiều loài thủy đặc sản sinh sống trên dòng sông Cái.
Đêm trong ngôi nhà ba gian cũ kỹ ở gần đập Tam Giang, ông Lam nhớ lại bên tách trà: "Hơn 10 năm trước, cùng với tôm càng, cá sảnh, ba ba, cá vược, cá mương, nguồn cá chình hoa (Anguilla marmorota), dân địa phương gọi là cá chình bông, trên sông Cái dồi dào vô kể, nhiều con to 5-7kg.
Cá chình giống thì thân nhớt, trông giống con rắn và bơi lúc nhúc như giun; tuy nhỏ nhưng chúng rất khỏe, có thể trườn lên thân đập cao 1-2m. Lúc ấy, cá chình giống không ai mua nên không có giá trị.
Sau mỗi mùa mưa lũ và mỗi lần đóng cống xả cát đập Tam Giang, tôi lấy xô xúc cá chình hàng chục kilôgram đem nấu... cho heo ăn.
Từ những năm 2002-2003, tôi là người đầu tiên trong cả nước xúc cá chình giống để bán cho các nhà khoa học ở Viện Sinh học nhiệt đới tại TPHCM, Trường Đại học Nông lâm TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang (nay là viện)... để nuôi thử nghiệm.
Thời điểm ấy, chình giống bán 400.000 đồng/kg (khoảng 6.000-8.000 con). Mỗi lần đóng thùng bán từ 10-15kg cá chình giống, thu 4-6 triệu đồng.
Sau khi nuôi thử nghiệm thành công, các viện nhân rộng phong trào ương nuôi cá chình hoa trong ao hồ ở một số tỉnh miền Trung và miền Nam.
Và khi có "đầu ra", người dân sinh sống ở ven sông đã đổ xô làm nghề xúc cá chình giống để cung ứng cho người nuôi cá chình thương phẩm trong cả nước. Từ đó, "danh ngư" cá chình giống sông Cái nổi tiếng khắp nơi.
Vì công việc quản lý đập Tam Giang, mấy năm sau tôi "giải nghệ" nghề xúc và mua chình giống đem bán. Còn dân cả làng An Thổ, Bình Hòa (xã An Dân), Hội Phú (xã An Ninh Tây), Hội Tín (xã An Thạch) ở ven sông Cái đã hình thành nghề chuyên nghiệp khai thác cá chình giống.
Bây giờ, không chỉ hành nghề ở địa phương, sau mùa mưa bão, họ còn kéo nhau đi xúc cá chình trên sông Đà Rằng (TP.Tuy Hòa), các sông ở tỉnh Bình Định, Khánh Hòa...".
Nguy cơ tuyệt chủng
Theo các nhà khoa học, cá chình là loài di cư, cá mẹ đẻ ở biển sâu, cá con sau khi nở trôi dạt vào bờ biển, cửa sông và lớn lên trên sông. Khi trưởng thành, cá lại di cư ra biển sâu để đẻ.
Cá chình ngoài tự nhiên chỉ phân bổ ở một số con sông ở miền Trung, như sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Hương (Thừa Thiên - Huế), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), sông Cái, sông Ba (Phú Yên), đầm Châu Trúc (Bình Định)...
Hiện chưa có nước nào nghiên cứu thành công việc sinh sản nhân tạo cá chình. Trong khi, cá chình là loài thủy đặc sản cao cấp, thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng rất cao và còn là một vị thuốc bổ dưỡng. Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia... là thị trường tiêu thụ cá chình rất sôi động và giá cả cao ngất ngưởng từ 70 - 100USD/kg; riêng Nhật Bản phải nhập thêm hàng chục ngàn tấn cá chình/năm.
Tại Việt Nam, nông dân cần số lượng lớn cá chình giống để thả nuôi ao hồ và giá cá chình thương phẩm liên tục tăng cao, 450.000 - 500.000 đồng/kg. Chính "hấp lực" này khiến người dân ở miền Trung nói chung, ở ven sông Cái, tỉnh Phú Yên nói riêng, không chỉ tận thu cá chình giống, mà còn ồ ạt hành nghề châm điện tận diệt cá chình thịt trên các sông, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng loài cá này.
Không phải ngẫu nhiên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây đã ký quyết định phê duyệt Đề án "Bảo tồn các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020", trong đó có việc bảo tồn cá chình, đặc biệt là cá chình hoa trên sông ở tỉnh Phú Yên và Thừa Thiên - Huế. Đã đến lúc ngành chức năng Phú Yên và nhiều địa phương có cá chình sớm có giải pháp quản lý và hướng dẫn cho người dân khai thác hợp lý cá chình giống trên sông Cái, nhằm bảo vệ nguồn lợi này được bền vững, lâu dài.
Theo Lưu Phong
Lao động