“Trận thua danh giá” của giáo sư
Những ai có mặt tại buổi đối thoại chiều 8/11 của GS Đặng Hùng Võ với người dân Văn Giang thì mới cảm nhận được sức nóng cũng như những trạng thái cảm xúc thực sự của nó.
Trước buổi đối thoại, người dân Văn Giang đã kéo lên đông nghịt, ngồi la liệt ở dọc gốc cây, bãi cỏ đường Nguyễn Chí Thanh. Cuối cùng thì ban tổ chức cũng chỉ có thể mời khoảng 30 người dân đại diện vào cuộc đối thoại.
Trong cuộc đối thoại, đã nhiều lần, “chuyên gia đất đai” Đặng Hùng Võ đã phải “toát mồ hôi” vì chất vấn của Luật sư Trần Quang Hải và nông dân Văn Giang. Có thể thấy rằng, về luận điểm, căn cứ luật thì khó ai trong buổi đối thoại (kể cả luật sư) có thể “thắng” được ông Đặng Hùng Võ. Tuy nhiên, nỗi bức xúc, thiệt hại của người dân đã khiến cho một người nổi tiếng rõ ràng, chặt chẽ và khoa học như ông Võ cảm thấy phần trách nhiệm của mình.
Buổi đối thoại xoay quanh 2 tờ trình mà ông Đặng Hùng Võ khi còn là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường đã trình lên Chính phủ với nội dung thu hồi đất ở Văn Giang năm 2004 (số 14/TTr-BTNMT và 99/TTr-BTNMT). Người dân Văn Giang cho rằng những quyết định này quá vội vàng và chưa tính đến lợi ích của người dân. “Mang tiếng” là “đổi đất lấy hạ tầng” nhưng các chủ dự án đã xây nhà chia lô, xây biệt thự bán lấy lãi nhưng hạ tầng thì vẫn chưa thấy đâu, người dân bị thu hồi đất chưa thấy cái lợi gì, đường sá thì vẫn thế.
Giữa buổi đối thoại, phải đến 4 lần những người dân Văn Giang đòi GS Đặng Hùng Võ phải nhận sai và xin lỗi. Và cũng chừng đó lần, GS Đặng Hùng Võ với khí chất của một nhà khoa học đã “kiên cường” bảo vệ luận điểm của mình. Cái cách mà ông “bám trụ” giải thích, khiến người nghe hết sức “nể”.
Cho đến khi luật sư đại diện cho người dân Văn Giang chỉ đúng những thứ ông thiếu sót như: Thẩm quyền, thời gian gửi tờ trình lên Chính phủ…, vị giáo sư này cũng không giải thích nhiều, không “cãi chày cãi cối”, đổ cho “trách nhiệm tập thể”. Ông chỉ xin thêm thời gian để trình bày tư liệu và hứa sẽ có bài phân tích, giải thích kỹ.
Điều cốt yếu dẫn đến việc “giáo sư đất đai” Đặng Hùng Võ “chịu thua”trong cuộc tranh luận này có lẽ chính là những sự thiệt hại người dân phải hứng chịu do sự thiếu sót của ông. Cái cách ông xin lỗi người dân cũng làm người ta nể phục.
Trên thực tế, có không ít vị chức sắc khi có sai sót thì lẩn tránh, không dám giáp mặt với người dân, hoặc chờ đến khi về hưu là “biệt tăm” coi như “hạ cánh an toàn”. Cách mà GS Đặng Hùng Võ dám đối thoại, dám bảo vệ quan điểm của mình trước đám đông và dám xin lỗi, nhận trách nhiệm về sai sót của mình khiến người dân không những không xem ông là tội đồ mà rất kính trọng và chia sẻ.
Bản thân luật sư Trần Quang Hải, người bảo vệ quyền lợi của dân Văn Giang sau buổi đối thoại cũng chia sẻ với phóng viên rằng: “Chỉ riêng việc GS Đặng Hùng Võ nhận lời đối thoại, chúng tôi đã rất kính trọng. Lại thêm việc ông xin lỗi thì với người dân Văn Giang, ông đã là người hùng, mặc dù sai sót của ông đã gây ra không ít thiệt hại”.
Thế mới biết, đôi khi người dân khiếu kiện kéo dài chưa chắc đã phải vì quyền lợi, đôi khi họ chỉ cần 1 lời giải thích, sự minh bạch và 1 lời xin lỗi.
Nhiều người cứ lầm tưởng rằng lời xin lỗi sẽ làm cho mình kém cỏi hơn nhưng có những lời xin lỗi làm cho người ta sáng giá hơn nhiều. Tiêu biểu là việc GS Đặng Hùng Võ từ “tội đồ” trở thành “người hùng” trong lòng dân Văn Giang và ông đã có một “trận thua danh giá”.
Lời xin lỗi, tưởng chừng đơn giản, nhưng trong xã hội chúng ta lại đang khó vô vàn.
Theo Hoàng Thắng
Năng lượng mới