1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trấn an người dân về “hoang tin” bị ung thư vì mái nhà lợp fibro ximăng

Các chuyên gia y tế khẳng định, theo dõi nhiều năm trên những công nhân sản xuất tấm lợp còn chưa phát hiện người bị ung thư do amiăng thì nói sống dưới mái nhà lợp bằng fibro xi măng có nguy cơ ung thư càng thiếu căn cứ.

Cùng với hoạt động khám bệnh nghề nghiệp thường niên cho người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất tấm lợp fibro xi măng (có sử dụng sợi amiăng trắng), năm 2015, Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng tổ chức nghiên cứu tình hình sức khoẻ cộng đồng tại xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những địa phương được hưởng chương trình “một bể nước, một mái nhà, một con bò” trong nỗ lực để xoá đói giảm nghèo. Tấm lợp fibro xi măng là loại vật liệu được sử dụng khi hỗ trợ người dân làm nhà ở.

Theo khảo sát, cộng đồng dân cư ở Tân Thịnh có đến gần 70% hộ dân ở trong nhà có mái lợp bằng tấm fibro xi măng (tấm lợp A-C), xấp xỉ 23% số nhà lợp bằng mái lá, chỉ có 5,3% số gia đình có nhà mái bằng (mái bê tông) kiên cố và 1,1% sử dụng ngói để lợp nhà.

TS Lê Thị Hằng, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng cho biết, những thông tin về việc uống nước hứng từ tấm lợp fibro xi măng gây ung thư, thậm chí sống dưới mái nhà sử dụng loại vật liệu này cũng có nguy cơ, không cần xét đến ngưỡng phơi nhiễm an toàn như tiêu chuẩn cụ thể Bộ Y tế ban hành gây hoang mang không nhỏ đối với người dân. Chương trình “một bể nước, một mái nhà, một con bò”, theo đó, cũng bị ảnh hưởng, giảm ý nghĩa nhân văn.

Hỗ trợ vật liệu, tấm lợp để làm nhà ở cho bà con vùng cao.
Hỗ trợ vật liệu, tấm lợp để làm nhà ở cho bà con vùng cao.

Tuy nhiên, TS.Hằng và nhóm cộng sự dẫn chứng nhiều con số, căn cứ “bác” lại quan điểm này. Nguy cơ mắc bệnh vì sử dụng nước uống hứng từ mái nhà fibro ximăng gần như là không có khi tại Tân Thịnh, gần 48% số hộ gia đình sử dụng nước sông suối và 47% số hộ dùng nước giếng trong sinh hoạt. Nước mưa chỉ được 1,4% số hộ sử dụng.

Thống kê qua nhiều năm cho thấy, tỷ suất chết do ung thư năm 2014 là 4,4 phần nghìn. Mức ngày ngang với tỷ suất tử trung bình của tỉnh Hà Giang, thấp hơn mức trung bình cả nước là 5,5 phần nghìn, càng thấp hơn so với Thái Lan (8 phần nghìn), Lào, Campuchia (7 phần nghìn).

Theo TS.Hằng, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Bộ môn dịch tễ của Đại học Y Hà Nội, Khoa Y dược của Đại học Quốc gia Hà Nội để đánh giá và thống nhất kết luận, không có sự khác biệt giữa tỷ suất chết bị ung thư và tỷ suất do tử vong chung ở xã Tân Trịnh cũng như của cả tỉnh Hà Giang.

Ngoài ra, TS.Hằng nhấn mạnh, phơi nhiễm amiăng trắng ở mức nguy hiểm, nếu có, cũng chỉ gây ra bệnh ung thư trung biểu mô phổi chứ không phải tất cả các loại bệnh ung thư đều có thể quy kết do amiăng. Qua theo dõi nhiều năm trên nhóm người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất tấm lợp fibro xi măng (những người tiếp xúc trực tiếp nhất và nhiều nhất với amiăng trắng) còn chưa phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiang trắng thì nói những người sống dưới mái nhà lợp bằng fibro xi măng có nguy cơ ung thư vì loại vật liệu này càng thiếu căn cứ.

TS.Võ Quang Diệm - Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam cũng phân tích, việc sản xuất tấm fibro ximăng và ống nước fibro ximăng chỉ chứa một lượng rất nhỏ sợi amiang trắng (từ -10%) trong đó tỷ lệ các loại vật liệu thô khác được sử dụng là ximăng 55%, tro bụi than thiên nhiên là 35%. Các sợi chrysotile (amiang trắng) được gắn kết rất chặt chẽ với hạt ximăng trong suốt quá trình sản xuất nên khó có thể bị phân tán ra môi trường bên ngoài. Hơn nữa, các nhà máy hiện nay đều sử dụng công nghệ ướt và khép kín nên hạn chế tối đa việc phát tán bụi ra ngoài môi trường. Do đó, các rủi ro về sức khoẻ cộng đồng và môi trường cũng được giảm thiểu.

Theo TS. Diệm, với những đặc tính ưu việt như độ bền cơ học và tính đàn hồi cao, chịu ma sát tốt, chống cháy, chịu được môi trường kiềm, cách điện, khó phân huỷ, ngăn cản vi khuẩn và sự tán xạ…, amiang trắng được coi là loại nguyên liệu xây dựng đầu vào hữu ích cho hơn 3.000 loại sản phẩm trên thế giới.

Loại sợi này được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm tấm lợp fibro xi măng (đặc biệt là tấm fibro xi măng dạng sóng tại các nước đang phát triển), các vật liệu cách điện, cách nhiệt, ngành ôtô, ngành hàng không, dược, dầu mỏ và hạt nhân, sản xuất vật liệu chống cháy, sản phẩm dệt may và một số ngành khác.

Vấn đề đặt ra, theo TS.Diệm là sử dụng thế nào, sử dụng có kiểm soát chứ không phải “tẩy chay” amiăng trắng khi không có căn cứ xác đáng.

Đồng tình với những quan điểm này, GS.Hoàng Đức Kiệt, Nguyên Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Hội chẩn phim X-quang chẩn đoán bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp và các bệnh liên quan cho người lao động tại cơ sở sản xuất tấm lợp fibro ximăng cho biêt, hiện nay, bệnh nghề nghiệp đáng lo ngại hơn là do bụi silic chứ không phải amiăng trắng. Môi trường tại các cơ sở sản xuất liên quan đến xi măng, than đá rất khó kiểm soát silic. Bệnh bụi phổi silic sẽ gây suy hô hấp, về sau, thông khí của phổi bị tổn thương, đọng lại trong phế nang. Còn bụi phổi amiăng ít gặp hơn nhiều do tỷ lệ người tiếp xúc ít.

Hiện amiang trắng được khai thác tại Brazil, Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Zimbabwe và Ấn Độ. Có trên 147 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng amiang trắng và các sản phẩm chứa amiang trắng, trong đó có cả các nước G8 như Mỹ, Canada, Nga… Nga đang sản xuất và sử dụng rộng rãi các loại sản phẩm từ amiang trắng như tấm sóng, tấm phẳng, ống cấp nước sinh hoạt và nước nóng, ống thoát nước, thoát rác, ống dẫn khí ga, vật liệu ma sát, vật liệu bảo ôn, vải chịu nhiệt vải chống cháy. Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… cũng đang sử dụng loại vật liệu này.

Nước Mỹ cấm amiăng từ những năm 1980 theo đề xuất của EPA, nhưng đến năm 1991, Tòa thượng thẩm Hoa Kỳ đã hủy bỏ lệnh cấm và lệnh loại bỏ dần dần amiăng. Nước Mỹ hiện nay cho phép sản xuất hoặc nhập khẩu để sử dụng khoảng gần 30 sản phẩm có chứa amiang trắng (như tấm lợp amiăng ximăng, gạch lát sàn nhựa vinyl-amiang, vải chống cháy…).

Tháng 1/2011, Tòa án Tối cao Ấn Độ bác bỏ yêu cầu của các Tổ chức phi chính phủ là cấm sử dụng tất cả các loại amiăng. Các nước Singapore, Đài Loan đã từng cấm amiăng nhưng đã rút khỏi danh sách các nước cấm từ 2010…

P.T