“Trại mồ côi”
(Dân trí) - Thoáng nghe tiếng bước chân lạ, đứa bé trắng bủng vội vã rời khỏi đôi tay già nua, nhem nhuốc của người “bạn” cùng phòng, lết đôi chân dị tật ra cửa, hướng đôi mắt to dị thường và vô hồn về nơi phát ra tiếng động, mếu máo gọi: “Mẹ ơi”!
Những mảnh đời hơn cả bất hạnh
Cứ mỗi lần như vậy, bà Nguyễn Thị Sen - 68 tuổi, người “bạn” cùng phòng của đứa trẻ tật nguyền ấy - lại đưa đôi bàn tay đen đúa lau những giọt nước mắt đùng đục chảy dài trên khuôn mặt nhăn nhúm, rồi cũng run rẩy đi theo đứa trẻ ra cửa đứng, dù biết chắc chẳng có ai đến đón nó.
“Con bé được gửi từ một bệnh viện, nó mới vào được 3-4 hôm nay. Chắc lúc vào viện có mẹ đi cùng, nhưng có lẽ vì nó bị tật nguyền nên người ta đã bỏ nó. Từ hôm vào đây đến giờ, nó cứ ngóng mẹ suốt, tối nào cũng khóc gọi mẹ, ngủ mơ cũng luôn miệng gọi mẹ. Tội nghiệp!”. Bà Sen chỉ nói có vậy, tránh không trách móc người mẹ đã đang tâm bỏ con.
Bà Sen sống ở đây đã 15 năm nay. Trước đó, bà cũng có chồng và hai đứa con gái. Họ sống nhờ trong ngôi nhà của người thân ở làng Khương Thượng - Hà Nội. Kể từ khi chồng mất, các con gái bà cũng lần lượt lập gia đình riêng, nhưng không đứa nào đủ sức nuôi mẹ. Nhà bị đòi lại, bà đành đi lang thang kiếm ăn khắp nơi rồi được đưa về Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật Hà Nội (thị xã Ba Vì, tỉnh Hà Tây) này. Từ đó đến nay, chưa có ai đến thăm bà.
Cùng phòng với bà còn có 3 cụ già khác và hai đứa trẻ tật nguyền, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có điểm chung là không còn chỗ để nương tựa. Không ít người cũng có hoàn cảnh tương tự như cụ Sen, con cái không có khả năng nuôi nấng, đành phải đi lang thang kiếm sống, rồi được đưa đến đây. Những đứa trẻ cũng vậy, chúng phần lớn bị tật nguyền nên bị người thân bỏ rơi ở bệnh viện, bến xe, nhà ga... Người già thường ít nhắc đến gia đình, còn bọn trẻ nhỏ thì luôn miệng gọi bố, mẹ!
“Ở đây đông lắm, trên 160 cụ, phần lớn đều già yếu, bệnh tật cùng với chừng đó trẻ tật nguyền sống chung với nhau. Cứ 5-6 người một phòng. Người còn đi lại được thì đỡ đần việc vệ sinh rồi bón cơm, cháo cho người nằm liệt. Không phải lo miếng ăn, chỗ ngủ là tốt lắm rồi. Cứ thế mà sống đến cuối đời thôi”- ông Nguyễn Văn Hỷ, 75 tuổi, sống bên cạnh phòng bà Sen tâm sự.
“Với 72 cán bộ (chủ yếu là hộ lý), chúng tôi phải chia nhau quán xuyến chăm sóc mọi nhu cầu đi lại, vệ sinh, ăn uống của 300 đối tượng này 24/24h. Đa số đều rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, không già cả, ốm đau thì cũng là trẻ em khuyết tật nên công việc cũng vất vả. Trẻ nhỏ thì khóc lóc, vật vã đòi ăn suốt ngày, người già thì nay ốm mai đau liệt giường, liệt chiếu phải phục vụ tại chỗ mà có khi vẫn bị mắng.
Dù vậy nhưng nhiều người trong chúng tôi đã gắn bó với trung tâm hàng chục năm, không quản sớm khuya, bẩn thỉu. Ngoài trách nhiệm vì đã hưởng lương (khoảng 1,5 triệu/tháng/người), ai cũng tâm niệm mình đang làm phúc, xoa dịu bớt nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh” - ông Phẩm chia sẻ.
Nâng niu mầm non bị bỏ rơi
Ở trung tâm này, ngoài mấy dãy nhà là nơi ở của người già và trẻ em tàn tật (trên 5 tuổi) còn có hai nhà trẻ chuyên chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi, bị dị tật đặc biệt.
Chúng tôi đến thăm nhà trẻ đúng lúc cô giáo Nguyễn Thị Hảo đang cho đám trẻ ăn. Một dãy ghế ngồi thiết kế đặc biệt kê sát nhau. Hơn chục đứa trẻ bị liệt, người dài thuỗn như dải khoai hoặc co dúm dó đang vắt vẻo trên ghế, cổ ngửa về đằng sau. Cô Hảo bưng một chiếc đĩa to tướng trong đó chứa loại cháo đặc đã xay nhuyễn, cầm thìa lần lượt đút vào mồm từng đứa trẻ. Tuy nhiên, nhiều đứa không chịu nuốt, cứ nhè ra ngoài, thậm chí thổi phù vào mặt người đút.
Dường như đã quen với cảnh này, cô Hảo im lặng rút chiếc khăn trong túi áo, lau miệng cho đứa trẻ, rồi mới lau đám cháo dính nhoe nhoét trên mặt mình. “Mỗi bữa ăn của đám trẻ kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Cho đám trẻ ngồi được ăn xong, tôi lại phải sang cho đám trẻ nằm ăn (bại liệt hẳn, không ngồi được). Ngày cứ 3 lần như vậy. Cho chúng ăn xong thì đi lau nhà, thay quần áo cho chúng để đem đi giặt tay, sau đó quay bằng máy cho khô” - cô Hảo kể về công việc hàng ngày của mình.
Ở nhà trẻ đặc biệt này có 4 cô giáo thay nhau túc trực ngày đêm, họ làm việc ở đây đã nhiều năm, tất cả đều đã có gia đình, con cái. Không ai trong số họ có ý định chuyển hay bỏ nghề, bởi: “Nhìn bọn trẻ tội nghiệp lắm. Chúng đã bị bố mẹ bỏ rơi phải đến đây nên chỉ còn biết trông nhờ vào các cô, nên không ai lỡ đánh mắng hay bỏ đi nữa!”.
Ở khu vực chăm sóc trẻ sơ sinh cũng vậy, 15 đứa trẻ nhỏ từ 2 ngày tuổi đến 15 tháng nằm trong một dãy cũi được xếp thẳng tắp. Đứa thì mù, đứa khoèo chân, tay hoặc có hình dạng khá bất thường... từ khi lọt lòng đã bị bỏ rơi tại các bệnh viện hoặc nơi công cộng. Có đứa đã được đặt tên, có đứa chưa và được gọi theo số.
Chỉ tay vào một cậu bé trai đã 10 tháng tuổi mà vẫn nhỏ xíu, chân bị khoèo nhưng lại có đôi mắt trong xanh rất đẹp, ông giám đốc trung tâm bùi ngùi kể: “Nó là đứa trẻ bị bỏ rơi ở bến tàu. Người ta nhìn thấy một cô gái khoảng 18 tuổi bế nó ngồi đó một lúc. Cô ta bỏ lại con lúc nào không ai biết. Chỉ thấy đứa trẻ nằm lặng lẽ trên ghế một mình. Trung tâm đã đón không ít trường hợp như vậy về nuôi. Nhiều nhất là từ các bệnh viện. Có nhiều cô gái trẻ sau khi đẻ ở viện 1-2 ngày đã bỏ đi. Có lẽ, những đứa trẻ ấy là kết quả của sự lầm lỗi. Họ không muốn sự lầm lỗi ấy theo mình suốt cả đời nên đã bỏ lại cho xã hội!”.
“Tiêu chuẩn của mỗi người già sống trong Trung tâm là 300.000đ/người/tháng; trẻ sơ sinh là 370.000đ/cháu/tháng. Với mức tiền này chúng tôi phải đảm bảo đủ 3 bữa ăn, thuốc men cho mọi thành viên. Trước đây thì còn cố gắng đắp đổi, chứ với tình hình giá cả leo thang vù vù thế này thì khó quá” - ông Phẩm lại tâm sự thêm một nỗi lo khác.
Sau câu chuyện buồn về những đứa trẻ bị bỏ rơi, sự lo lắng khi giá thành nhu yếu phẩm cứ tăng với tốc độ phi mã, ông Phẩm không quên kể đến những tấm lòng của các nhà hảo tâm trong xã hội, đã dành sự quan tâm không nhỏ đến trung tâm đặc biệt này.
“Có những bạn trẻ bỏ con để xã hội phải chăm sóc, nhưng lại cũng có không ít bạn trẻ khác lại tìm đến đây để giúp đỡ người già tàn tật và các cháu mồ côi. Mới đây thôi, sinh viên CLB Nhà Quản lý - ĐH Kinh tế Quốc Dân, đã dành hẳn 2 ngày nghỉ cuối tuần đến trao quà và chăm sóc những hoàn cảnh khó khăn trong trại. Tôi tin rằng những bạn trẻ đó khi đã biết cảm thông với những phận đời bất hạnh, họ sẽ suy nghĩ kỹ hơn trước mọi hành vi của mình” - ông Phẩm nhận xét.
P. Thanh