Trái cây “ngậm” thuốc thúc chín
Hiện nay, nhiều thương lái sử dụng hóa chất thúc chín nhập về từ Trung Quốc. Trái cây “ngậm” loại thuốc này bóng da nhẵn đẹp và chín đều, chín nhanh.
Nửa đêm, những chiếc xe tải chở dứa từ Bắc Giang và Thanh Hóa đổ về ngã tư Nhổn (Hà Nội). Thương lái đón hàng đưa về từng khu lán tre. Ở đây, dứa xanh được dỡ ra khỏi sọt, rải đều xuống bạt.
Một người đàn ông mang những hộp thuốc màu xanh có chữ Việt “Hoa quả thúc chín tố” và lẫn những chữ Trung Quốc, bên trong là vỉ 20 lọ nhựa trắng đựng thứ chất lỏng trong suốt. Vợ ông pha thuốc vào chiếc bình rồi phun lên những quả dứa. Rồi họ phủ bạt ủ kín. Đến 4h, khi những người buôn nhỏ đến cất dứa về bán lẻ, những quả dứa đã dần ngả sang màu vàng. Khoảng 8h, vỏ dứa vàng xuộm, mười quả như nhau cả mười. Những hoa quả khác họ cũng làm vậy.
Ông Lợi, một người bán chuối lâu năm ở chợ Phi Trường (Long Biên), nói chuối chín dễ dập nát nên không thể mang đi xa được. Những người buôn chuối chuyên nghiệp như ông phải đặt mua chuối xanh nguyên buồng từ Văn Giang (Hưng Yên). Sau đó xử lý bằng thuốc thúc chín.
Chuối đã nhúng thuốc, không cần ủ, chín vàng ươm, căng mọng, sắc độ đậm hơn trái cây thông thường. Với xoài, đu đủ, hồng, cà chua và nhiều loại trái cây khác, cách làm cũng tương tự.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật Hà Nội, cho biết, trong một đợt kiểm tra liên ngành tại một vùng chuyên trồng mít, bà đã tận mắt chứng kiến cảnh người dân tiêm thuốc vào những quả mít xanh, gai còn nhọn hoắt để thúc chín.
Dự định ngày hôm sau bán bao nhiêu quả thì tối hôm trước tiêm thuốc chừng ấy. Nếu để lâu hơn quả sẽ chín nẫu, phải vứt bỏ. Dùng thuốc này, thương lái chỉ mất 1-2 ngày (tùy loại hoa quả), trong khi nếu đợi hoa quả chín thường phải hết cả tuần, cả tháng.
Không thể kiểm soát
Ông Lê Hồng Khanh, Chánh thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, cho biết, chi cục không thể kiểm soát được việc buôn bán của các quầy thuốc. Thuốc xuất hiện trên thị trường là do không kiểm soát tốt việc nhập lậu thuốc từ biên giới. "Chỉ cần xe thuốc bị giữ tại cửa khẩu thì chúng tôi có thể nhàn cả năm. Khi thuốc đã bị phát tán đi khắp nơi, mọi cố gắng của chúng tôi chỉ là bắt cóc bỏ đĩa", ông Khanh khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, nói việc sử dụng thuốc thúc chín có một phần lỗi tại... người tiêu dùng. Người mua thích chọn trái chín cây, đẹp mã, căng bóng, không ưa quả bị thâm nám (do rấm ủ bằng phương pháp truyền thống) nên vô tình khuyến khích người bán "làm liều". |
Chủ đại lý S-P trên đường đi Tây Tựu, một đầu mối phân bón có tiếng của Hà Nội, cho biết, hóa chất thúc chín nhập về bán đắt như tôm tươi, chậm chân mua không kịp. Hàng nhập từ Trung Quốc mỗi lô hàng chục nghìn lọ. Khách quen của cửa hàng là những chủ trang trại ở Sóc Sơn, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Hòa Bình. Mỗi chuyến xuất hàng từ 500 hộp trở lên. Hầu hết các lán dứa ven quốc lộ 32 là khách quen của đại lý S-P. Một số quầy bán thuốc trừ sâu quanh vùng cũng mua sỉ thuốc thúc chín quả từ đại lý S-P về bán lẻ.
Mỗi hộp thuốc “Hoa quả thúc chín tố” có giá 8.000-10.000 đồng. Vỏ hộp không có tem nhập khẩu, không ghi thành phần hoạt chất. Phần hướng dẫn sử dụng có chữ “ít độc” nhưng lại khuyến cáo “loại thuốc này có khả năng ăn mòn kim loại, có chất kích thích đối với mắt và da”.
Theo ông Vũ Mạnh Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội), thuốc thúc chín có nhiều loại khác nhau.
Hoạt chất có trong “Hoa quả thúc chín tố” là ethrel. Hoạt chất này có trong danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng nhưng chỉ dùng để kích thích mủ cao su. Hoạt chất này cũng có trong đất đèn. Ông Hải nghi ngờ có thể có hoạt chất 2,4D (đioxin) thường nằm trong thuốc diệt cỏ và rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm tư vấn đèn tiết kiệm điện năng & dung dịch hoạt hóa điện hóa, cho biết ethrel hay ethenol đều có chung gốc là etylen, một loại chất độc, hàm lượng cho phép sử dụng rất nhỏ.
Ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây. Nếu phun hoặc nhúng chất này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, etylen tác dụng với thành phần nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất etylenglycol dinitrat, một chất rất độc, hàm lượng cho phép là dưới 0,3mg/m3.
Ngoài ra, theo ông Khải, một hóa chất ngoài danh mục, không có địa chỉ sản xuất, không ghi rõ thành phần hóa học thì dù là chất gì cũng không nên sử dụng.
Theo Việt Hằng
Tuổi Trẻ