Trách nhiệm của ai khi không có thuốc độc để xử tử hình?
(Dân trí) - “Nhà nước đang lạm dụng, làm tổn thương lòng tin của người dân?”, “Trách nhiệm của ai khi không có thuốc độc để xử tử hình?”… Những câu hỏi sau cùng trong phiên thảo thảo luận về tình hình tội phạm, phòng chống tham nhũng có lẽ cũng là câu hỏi “hóc” nhất.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) trả lời cho câu hỏi, công tác chống tham nhũng sao chưa hiệu quả là vì cả 3 yếu tố, công cụ phòng chống hữu hiệu theo kinh nghiệm của nhiều nước ở Việt Nam đều thiếu và yếu.
Vấn đề thứ 2, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, kinh nghiệm các nước chống tham nhũng thành công đều tổ chức cơ quan độc lập chuyên điều tra, xử lý án tham nhũng với những cơ chế hết sức đặc biệt. Ông Quyền ủng hộ quan điểm cho thể chế, thành lập ngay cơ quan điều tra như thế ở Việt Nam.
Sau nữa, ông Quyền phân tích: “Mỗi khi có chuyện xảy ra luôn thấy cảnh tướng đổ cho đồng, đồng đổ cho tướng, rồi cuối cùng việc được quy thành… lỗi tập thể”. Sự vận hành “lủng củng” như vậy, theo ông Quyền, vì thiếu luật công vụ để phân định rõ ràng vai trò, nhiệm vụ của từng người, từng chức danh trong bộ máy điều hành.
Cuối cùng, đại biểu yêu cầu Chính phủ báo cáo về việc tái cơ cấu Vinashin sau thời gian đã hơn 3 năm từ khi những sai phạm, tiêu cực ở tập đoàn này bị phanh phui. Kinh nghiệm trong việc tổ chức lại tập đoàn này, ông Quyền cho là bài học quan trọng để tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế.
Không nói thêm về tình trạng tội phạm cũng như kết quả phòng chống tham nhũng năm 2012, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) tiếp cận theo hướng mổ xẻ nguyên nhân vấn đề. Theo ông Trường, thời gian qua, bên cạnh những tiêu cực, lãng phí về vật chất với nhiều mức độ khác nhau, nhà nước cũng đang phung phí lòng tin của người dân.
Xói mòn lòng tin đang biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Khiếu kiện tố cáo vượt cấp tăng vì thiếu lòng tin khả năng giải quyết ở cấp dưới. Không dám tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tố cáo tham nhũng, bởi thiếu lòng tin vào sự bảo vệ.
Thấy người thi hành công vụ xử lý một người thì nhiều người khác xung quanh tuy không có liên quan nhưng sẵn sàng tham gia bênh vực người bị xử lý, mặc dù chưa biết đúng sai, cũng vì không tin vào người thi hành công vụ.
Chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy lớp vì sợ cứ để tự nhiên e rằng không đến lượt mình cũng là một biểu hiện thiếu lòng tin. Đua nhau mua vàng, đô la tích trữ vì thiếu lòng tin vào giá trị đồng tiền. Anh em, cha con đánh nhau vì phân chia tài sản, cũng vì thiếu lòng tin, sợ được nhiều, được ít.
Tội phạm liên quan đến chức vụ tham nhũng, hối lộ thường được hưởng án treo cũng là xuất hiện sự bán tín, bán nghi và rồi cũng dẫn đến thiếu lòng tin. Học sinh tự vẫn chỉ vì đánh mất 500.000đ quỹ lớp hoặc cắt tay để phản đối cách dạy của thầy cô cũng là phản ứng của người thiếu lòng tin. Đòi nợ bằng luật rừng thay vì luật nhà nước cũng là vì không còn lòng tin ở cán cân công lý.
Hiện tượng nhiều người thích đọc các trang mạng có nội dung bôi nhọ bóp méo thể chế hơn là đọc các trang mạng chính thống cũng cho thấy tâm trạng xã hội đã và đang xuất hiện những vấn đề không bình thường, một biểu hiện của suy giảm lòng tin.
So sánh với những khoản tài sản lớn thất thoát trong một số vụ án tham nhũng, ông Trường cho rằng đúng là “của đau con xót” còn khắc phục, làm lại được, nhưng lòng tin của người dân, nếu để mất, khó có thể lấy lại.
“Đây là lúc xã hội đòi hỏi những quyết sách cần thiết, giải quyết tốt những vấn đề đang đặt ra. Cả nước vẫn đặt niềm tin vào chúng ta nhưng không thể vì thế mà lạm dụng, làm tổn thương lòng tin của người dân” - ông Trường kết lại phần phát biểu.
Ông Tranh thừa nhận đánh giá của nhiều đại biểu về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thiếu hiệu quả, mang tính hình thức. Trong số 9 giải pháp được thực hiện, ông Tranh nhẩm tính, có 4 giải pháp mang lại hiệu quả tích cực, 2 giải pháp trung bình và 3 giải pháp hình thức, không hiệu quả (kê khai tài sản, trả lương qua tài khoản và nộp lại quà tặng).
“Việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập đã thực hiện được 1 bước nhưng chưa đầy đủ. Có trường hợp do bí mật nhà nước, không thể công khai theo quy định. Chúng tôi cũng khó” - ông Tranh thanh minh.
Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Trách nhiệm của ai khi không có thuốc độc để xử tử hình? Đại biểu Nguyễn Thanh Hải: "Không có thông tin nào cảnh báo khó khăn khi tử hình bằng thuốc độc". Tháng 5/2010, đề xuất thay đổi hình thức thi hành án tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc được Chính phủ trình Quốc hội. Vấn đề thời điểm đó rất “nóng”. Tôi theo dõi cuộc tranh luận với rất nhiều ý kiến “can gián” giữ nguyên hình thức xử bắn hoặc quy định song song 2 hình thức để phạm nhân được quyền chọn. Chính phủ thì đưa ra nhiều lập luận, ưu điểm của phương thức tiêm thuốc độc. Một lý do quan trọng là cách làm này giúp giảm nhanh án tử hình đang tồn đọng. Vậy là luật được thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2011. 4 tháng sau, Nghị định 82 hướng dẫn thi hành quy định này ra đời, có hiệu lực. 1 trong những nội dung quan trọng nêu trong Nghị định là quy định là 3 loại thuốc (có tên khoa học cụ thể đi kèm). Khi đó, cơ quan xây dựng đề án khẳng định thuốc do Bộ Y tế cấp theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Tại sao Chính phủ đã dành bao nhiêu thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chắc chắn là đi tham quan nước ngoài để biết rõ các loại thuốc cũng như quy trình thực hiện mà không tìm hiểu tiếp ai bán thuốc, trong nước có sản xuất được? Cũng không có thông tin cảnh báo nào về việc khó khăn, không nhập, không mua được thuốc từ nước ngoài hay trong nước có sản xuất được không. Có “thăm ván mới bán thuyền”, nếu có những thông tin này, tôi tin là Quốc hội sẽ không thông qua luật hoặc nếu có cũng phải định lộ trình thực hiện phù hợp. Thông tin Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cung cấp lại thấy thêm rất nhiều khó khăn nữa, ngoài việc thiếu thuốc. Vấn đề cần xem xét là trách nhiệm của cơ quan trình dự luật khi tính khả thi của những điều luật đó không đảm bảo. Không có gì khổ bằng ngồi chờ chết. Trung bình 1 năm nước ta có khoảng 80-100 người bị kết án tử hình. Như vậy con số 500 bị án đang chờ được tử hình chứng tỏ số tồn đọng đã khoảng 5 năm nay. Bộ Y tế cần trả lời dứt điểm trong kỳ họp này là có mua được thuốc hoặc có sản xuất được thuốc hay không. Nếu không, Quốc hội cần giao cho Bộ khoa học công nghệ thực hiện nhiệm vụ khoa học trọng điểm của quốc gia trong năm tới. |