1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó Thủ tướng:

Trả lời được câu hỏi về phát triển kinh tế biển để bảo vệ chủ quyền

(Dân trí) - Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên-môi trường biển ngày 20/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đôn đốc việc triển khai Đề án 47 (về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển, tầm nhìn đến 2020).

 

vung-tau-21338520181-52768
Việt Nam định hướng phát triển "kinh tế xanh lam", hướng ra biển, vươn xa để bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Tính đến nay, trong số 29 dự án trong lĩnh vực được phê duyệt giai đoạn 1 của Đề án 47, đã có 17 dự án hoàn thành và 10 dự án được nghiệm thu. Ở giai đoạn tiếp theo, 25/43 dự án được triển khai thực hiện và hoàn thiện thuyết minh, hồ sơ thủ tục trình phê duyệt thực hiện.

Theo đánh giá chung, về cơ bản Đề án được triển khai bảo đảm mục tiêu. Tuy nhiên một số dự án triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ; việc trao đổi, phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị thực hiện còn nhiều hạn chế, việc đề xuất các dự án mở mới có tính cấp bách, quan trọng, đột xuất về điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hoạt động hợp tác liên quan còn hạn chế về chất lượng.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng tài nguyên, môi trường biển là nhiệm vụ quan trọng. Đến nay, công tác này đã từng bước xác lập luận cứ khoa học, tạo cơ sở cho việc xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển, củng cố quốc phòng, an ninh trên biển. Việc triển khai Đề án cũng đã có những phát hiện mới về các nguồn tài nguyên, xây dựng cơ bản Bộ Cơ sở dữ liệu về tài nguyên-môi trường biển.

Tuy vậy, các nhiệm vụ, dự án của Chương trình thời gian qua triển khai còn chậm. Việc xây dựng, lấy ý kiến tham gia, thẩm định, phê duyệt dự án mất nhiều thời gian và kinh phí cấp không đáp ứng yêu cầu công việc. Mặt khác, tiến độ triển khai, nhất là việc mua sắm trang thiết bị điều tra, khảo sát, việc phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan liên quan đến Đề án chưa tốt.

Trước tình hình nêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương liên quan cần rút kinh nghiệm, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức nghiệm thu dứt điểm các dự án đã hoàn thành; bảo đảm bao phủ tối đa những thông tin cơ bản về tài nguyên, môi trường biển để trả lời được các câu hỏi về phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.

Cụ thể, các cơ quan chủ quản tiến hành kiểm điểm từng dự án, nhiệm vụ trong Đề án, thúc đẩy tiến độ những công việc cấp thiết. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất chương trình kiểm tra các dự án trọng điểm để đốc thúc triển khai có kết quả.

Phó Thủ tướng lưu ý cơ chế chia sẻ thông tin giữa các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan triển khai. Về vấn đề vốn, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phải sớm tổng hợp, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cân đối kịp thời, đưa vào kế hoạch vốn cho những nhiệm vụ cấp bách và cần thiết, đồng thời phân loại những nhiệm vụ, dự án theo các giai đoạn trung và dài hạn để bảo đảm khả năng cân đối các nguồn lực thực hiện.

Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đồng ý việc xem xét mở rộng, bổ sung một số đối tượng để nghiên cứu, điều tra, nhất là các hạng mục liên quan đến bảo tồn môi trường, quan trắc môi trường, địa chất, khoáng sản, nguồn lợi thủy hải sản.

P.Thảo