1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM: Xây thêm cầu nối với Thủ Thiêm?

(Dân trí) - Dù bán đảo Thủ Thiêm còn rất hoang sơ, cầu Thủ Thiêm 1 và đường hầm sông Sài Gòn chưa phát huy hết hiệu quả nhưng UBND TP vẫn cấp tập kêu gọi đầu tư xây dựng thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, nối trung tâm thành phố với Thủ Thiêm.

Lo ngại tính hiệu quả đầu tư

Theo Văn phòng UBND TPHCM, UBND TP vừa có văn bản giao các cơ quan chức năng rà soát quy hoạch, nghiên cứu phương án tổ chức giao thông xây dựng cầu Thủ Thiêm 3. Theo chỉ đạo của thành phố, cầu Thủ Thiêm 3 sẽ tiếp cận giao thông vào đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) và phải phù hợp với quy hoạch khu bờ tây sông Sài Gòn đã được duyệt.

Như vậy, đây sẽ là con đường thứ 5 băng sông Sài Gòn, nối trung tâm thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐT Thủ Thiêm) được lên kế hoạch xây dựng. Hiện nay đã có 2 tuyến giao thông nối trung tâm với Thủ Thiêm là cầu Thủ Thiêm 1 và Đường hầm vượt sông Sài Gòn đang hoạt động.

6 con đường nối trực tiếp trung tâm thành phố với KĐT Thủ Thiêm
6 con đường nối trực tiếp trung tâm thành phố với KĐT Thủ Thiêm

Ngay từ năm 2011, khi KĐT Thủ Thiêm mới chỉ có cầu Thủ Thiêm 1 nối sang, UBND TP kêu gọi xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đã vấp phải nhiều sự phản đối của giới chuyên gia và nhân sĩ. Cuối tháng 8/2011, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM còn tổ chức 1 buổi phản biện về dự án này và rất nhiều đại biểu không đồng tình vì thực tế là bán đảo Thủ Thiêm chưa đi vào khai thác, lượng giao thông qua cầu Thủ Thiêm 1 chưa nhiều. Các đại biểu đều cho là chưa nên xây cầu Thủ Thiêm 2 khi Thủ Thiêm 1 còn vắng khách.

Bà Lương Bạch Vân, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM thời điểm đó cũng phản đối. Vì theo bà, khu vực Thủ Thiêm còn rất vắng người, dù cầu Thủ Thiêm 1 và cầu Phú Mỹ đã xây xong nhưng chưa phát huy hết hiệu quả công trình, chưa có đường kết nối đồng bộ.

Theo ý kiến của bà Lương Bạch Vân thì thành phố nên xem xét tính ưu tiên trong việc xây dựng các công trình giao thông, nếu chúng ta cố làm thì công trình này cũng có thể sẽ rơi vào tình cảnh như cầu Thủ Thiêm 1, cầu Phú Mỹ…; tức là tiền đầu tư thì nhiều mà vắng khách.

Đầu tư hạ tầng trước cho Thủ Thiêm

Sau buổi phản biện của MTTQ TPHCM, cuối tháng 11/2011, hầm Thủ Thiêm (sau này đổi tên là Đường hầm vượt sông Sài Gòn) cũng chính thức thông xe, tạo thành 1 tuyến đường mới nối trung tâm thành phố với KĐT Thủ Thiêm. Và kết quả thực tế là đường hầm này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả do lượng lưu thông không cao.

Bán đảo Thủ Thiêm còn hoang sơ nên lưu lượng giao thông giữa trung tâm TP với Thủ Thiêm chưa cao
Bán đảo Thủ Thiêm còn hoang sơ nên lưu lượng giao thông giữa trung tâm TP với Thủ Thiêm chưa cao

Tuy nhiên, quan điểm của UBND TPHCM là giao thông phải đi trước 1 bước, khi cơ sở hạ tầng đầy đủ thì giá trị khu vực Thủ Thiêm mới tăng lên và nhà đầu tư mới đầu tư vào khu đô thị này. Do đó, ngay trong thời điểm đó, UBND TP vẫn cấp tập kêu gọi đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 và sau đó giao cho Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư dự án.

Theo phương án thiết kế được UBND TP phê duyệt vào cuối năm 2012, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được xây tại vị trí nhà máy đóng tàu Ba Son hiện nay, vượt qua giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh để kết nối vào ngã tư Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng. Cầu này được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng số vốn lên đến 2.300 tỷ đồng.

Tiếp đó, cuối năm 2013, UBND TP chấp thuận chủ trương chọn Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm nhà đầu tư thực hiện dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, là con đường thứ 4 nối trực tiếp quận 1 với trung tâm KĐT Thủ Thiêm. Theo thiết kế, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn dài 360m, nối Quảng trường trung tâm KĐT Thủ Thiêm với đường Đồng Khởi (quận 1).

Nay thành phố tiếp tục chuẩn bị thủ tục xây dựng cầu Thủ Thiêm 3, chỉ còn cầu Thủ Thiêm 4 là chưa khởi động. Nếu hoàn tất theo quy hoạch, KĐT Thủ Thiêm sẽ có 6 con đường nối với trung tâm thành phố bao gồm 4 cầu Thủ Thiêm (1, 2, 3, 4), 1 cầu đi bộ và 1 hầm vượt sông. Nếu tính toàn bán đảo Thủ Thiêm thì bán đảo này kết nối với phần phía Tây thành phố bằng 8 con đường (tính cả cầu Sài Gòn và cầu Phú Mỹ).

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm